Chuyện quyên sinh trong văn học Nhật Bản

Chuyện quyên sinh trong văn học Nhật Bản

Lần đầu tiên tôi được xem một bộ phim truyện Nhật Bản, vào năm 1983, với tiêu đề Dòng sông đen. Cho đến hôm nay, sau gần 30 năm trôi đi, tôi vẫn bị những hình ảnh trong phim ấy ám ảnh. Dòng sông đen nói về sự mâu thuẫn giữa tính cứng nhắc của luật pháp với cái muôn màu muôn vẻ đầy phức tạp trong trái tim con người. Nhân vật chính là một cô gái Nhật trẻ trung, xinh đẹp và lương thiện. Lần nọ, có một người đàn ông mang ý đồ hãm hiếp cô. Khi anh ta hành động, bị đẩy vào thế cùng đường, bằng bản năng tự vệ, cô vớ được con dao đâm chết y. Tòa án khép cho cô tội giết người! Ức quá, cô lao đầu xuống dòng sông có màu nước rất đen trẫm mình.

Ảnh: CTV

Ảnh: CTV

Từ đầu đến cuối phim không thấy cô khóc lóc, kêu than. Nhưng tôi ngồi xem mà nước mắt cứ lặng lẽ chảy tràn hai bên má. Tôi rơi lệ bởi sự vô tình, lạnh lùng của luật pháp. Tôi rơi lệ bởi người thiếu nữ Nhật Bản ấy đáng yêu, đáng trọng, đáng được sống quá mà lại phải chọn cái chết. Hẳn vì thế mà sau này, tôi thường dị ứng với một số bộ phim, trong đó các diễn viên chưa gặp đau khổ đến độ mà cứ khóc nức nở, khóc rống lên, chẳng gây xúc động cho ai cả.

Vào những năm 1988 – 1990, nhờ công cuộc đổi mới, mở cửa, các tác phẩm văn học nước ngoài ùa vào nước ta. So với văn học Nga, Pháp, Anh, Ý thì văn học Nhật không nhiều đầu sách bằng. Nhưng với riêng tôi hầu như những gì là văn chương của xứ sở hoa anh đào mà tôi đọc được dù dài hay ngắn đều để lại ấn tượng. Có những tác phẩm chỉ đọc một lần mà cho đến nay tôi vẫn nhớ từng chi tiết như Ngàn cánh hạc của Yasunari Kawabata, nhà văn được giải Nobel năm 1968.

Tác phẩm kể, ở một thành phố nọ có một người thiếu phụ tính tình dịu dàng, đôn hậu, sống với con gái vừa đến tuổi vị thành niên rất xinh đẹp và đáng yêu. Một lần, người đàn bà nọ đi đến một ngôi chùa vừa để lễ Phật vừa dự một tiệc trà đạo. Tại tiệc trà, bà gặp rồi làm quen một người đàn ông trẻ hơn bà hàng chục tuổi. Chuyện trò một lát hai người đã mang lòng cảm mến nhau. Ít ngày sau, người đàn ông trẻ đột ngột tìm đến nhà người đàn bà. Vừa nhìn thấy cô con gái của bà, anh ta đã bị vẻ đẹp thánh thiện của cô chinh phục. Sự cảm mến ban đầu của anh ta với người mẹ bây giờ chuyển hẳn sang thành tình yêu với cô con gái. Nhận thấy con gái mình cũng yêu người đàn ông trẻ (cô chưa hề biết mối quan hệ giữa anh ta với mẹ mình), không muốn làm tổn thương con, mong con có hạnh phúc, người đàn bà đi đến quyết định: lặng lẽ bỏ nhà ra đi và tìm cách quyên sinh!

Hai tác phẩm tôi vừa kể, nhân vật chính đều tìm đến cái chết do mình tạo ra. Trong văn học và điện ảnh Nhật Bản, ta bắt gặp khá nhiều tác phẩm mà nhân vật chính kết thúc cuộc sống bằng tự tử. Trên các phương tiện thông tin thì người ta thường chỉ giải thích căn nguyên: ông ta, bà ta, anh ta, chị ta tự tử vì công ty, xí nghiệp bị phá sản, vỡ nợ; vì sức ép công việc của một xã hội công nghiệp phát triển hoặc thất vọng về một điều gì đó… Theo tôi, những căn nguyên ấy là có thật, song nó chỉ là những nguyên nhân trực tiếp. Căn nguyên sâu xa hơn là người Nhật có tinh thần quả cảm và tính tự trọng rất cao, bắt nguồn từ tinh thần của người võ sĩ Samurai sẵn sàng chết vì danh dự cá nhân và quốc thể.

Yếu tố tự nhiên: nước Nhật thường xuyên gặp thiên tai, động đất nên tất cả những gì diễn ra đã hình thành trong con người Nhật một quan niệm sống khá hiện sinh: có đấy rồi mất đấy, hiện hữu đấy mà hư vô đấy. Quan niệm ấy khiến họ quyên sinh không mấy khó khăn. Hẳn cũng vì thế mà nhiều tác phẩm văn chương Nhật Bản mô tả chuyện quyên sinh mà không hề mang không khí não nề hắc ám. Nhân vật tìm về cõi hư vô một cách thanh thản, tự nhiên, như điều ấy ắt phải đến

LÊ HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục