Truyện ngắn của TRẦN VĂN TUẤN
Bây giờ nơi ấy không còn xóm cô đơn nữa. Một khu đô thị hiện đại dành cho các nhà giàu. Những người ở xóm cô đơn cũ không biết đã phiêu bạt về đâu. Duy nhất có một người còn ở lại. Một người đàn bà rất khó đoán tuổi. Ở chị, trẻ hay già đều tùy theo tâm trạng. Vui thì trẻ. Buồn ít già ít. Buồn nhiều già nhiều. Tất cả đều phơi bày hiển hiện hết cỡ theo tầm vóc to cao vạm vỡ như một đô vật.
Chị là chủ một ki-ốt hoa. Người ta thích những bông hồng đỏ, hồng nhung, hồng vàng, những bông cúc đại đóa, loa kèn, đặc biệt là những bông sen chúm chím sắc hồng trong ki-ốt của chị. “Hoa bà Đen” đã trở thành một thương hiệu của cư dân vùng giàu có sang trọng này. Chị sống khỏe nhờ đó.
“Khỏe nhưng ít vui lắm!”. Một câu trả lời cho mọi câu hỏi “khỏe không?” của người quen hay khách mua hàng. Tông giọng cũng theo tâm trạng. Khi vui kèm theo tiếng cười hí hí. Khi buồn kèm theo tiếng ho khan. Có lần chị gây sự với cái bóng của mình. “Này, nói cho ngay, lời cho vuông, cớ sao không ai hỏi tôi vì sao lại buồn!”. Chuyện như một bộ phim hành động có mùi vị cổ điển của Victor Hugo và xã hội đen thời hiện đại.
Chị là một thành viên sáng lập xóm cô đơn. Ở năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước, đất này sình lầy hoang hóa. Do nhiều hoàn cảnh, một số cư dân Sài Gòn đi kinh tế mới ở những năm sau giải phóng đã tìm đường trở về sinh sống. Tiếp đó là dân tứ xứ từ ngoài Bắc, ngoài Trung chạy lụt, chạy bão, chạy đói cũng tìm đến đất này lập nghiệp. Họ dựng lều, trại, mở lối đi. Cuộc sống của họ bám vào sông Sài Gòn, bám vào lề đường, làm đủ thứ nghề để kiếm ăn. Lương thiện có, lưu manh, đĩ điếm có. Có hai cách giải thích tên gọi “xóm cô đơn”. Người bảo, do xóm vô chủ không có tên gọi, nhà cửa lô nhô như ụ mối, gò đất, trông cô đơn hoang dại lắm. Theo hình theo dáng, nên gọi cô đơn. Cũng có người nói, sở dĩ xóm có tên cô đơn, chính vì băng nhóm kẹo kéo trú ngụ tại đây, khi đi cũng như lúc về đều phát băng nhạc “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn”. Om sòm, ầm ĩ cả một vùng. Cách lý giải thứ hai này, xem ra có sức thuyết phục.
Xóm cô đơn có nhiều dấu mốc quan trọng. Dấu mốc đầu tiên là sự xuất hiện của một anh chàng gốc quê miền Trung. Một khối xương thịt biểu trưng cho suy dinh dưỡng và bệnh sốt rét với chiếc xe đạp cũ nát, hòm kẹo kéo và băng nhạc “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn”. Chính vì bài hát này nên cán bộ quận, cán bộ phường phải tìm đến để quản lý. Xóm có tên gọi, có điện, nước, có công an thường xuyên đến kiểm tra và nhắc nhở không được phổ biến rộng rãi bài “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn”. Dấu mốc thứ hai liên quan tới chị.
Chị không biết cha mẹ mình là ai. Biết là người ở trại mồ côi do hai bà xơ, một mập lù, một ốm nhom ốm nhách coi sóc. Không biết chị có lai Mỹ đen hay không, hình dáng, nét mặt và đặc biệt nước da ngăm đen rất giống lai đen. Ai cũng gọi vậy. Chị không có nhu cầu đặt tên cho mình. Chị chỉ có một nhu cầu được sống tự do. Chị không biết mình trốn trại đi bụi từ lúc nào. Chỉ biết lúc ấy cởi trần, mặc quần xà lỏn không thấy mắc cỡ.
Với sức vóc to cao khỏe mạnh hơn người, gái Đen sớm nổi tiếng trong chốn giang hồ. Các chủ vựa chợ đầu mối tranh nhau thuê mướn chị. Việc gì chị cũng làm đến nơi đến chốn. Công xá tùy hảo tâm. Chưa bao giờ chị kì kèo mặc cả. Như người ta thường nói, đàn ông thường dẫn dắt cuộc đời đàn bà. Cuộc đời gái Đen có lẽ sẽ khác đi rất nhiều nếu mối tình đầu đời có được một kết cục trọn vẹn. Bạn trai đầu tiên của chị cũng là dân bụi đời. Một gã thư sinh có học thức, bị lạc gia đình di tản sang Mỹ. Gã thấp hơn chị một cái đầu, nhẹ hơn chị ít nhất 10 ký nhưng trí lực của gã cao, to gấp đôi chị. Gã giúp chị lấy tiền công hợp lý. Chữa cho chị khỏi bong gân hay các vết thâm tím do mang vác quá nặng. Gã biết massage làm thân thể chị thoải mái, biết hát ru “Đường đời vất vả bao gió mưa, con thuyền trôi...” để chị ngủ... Nói tóm lại, gã là niềm vui, là tâm hồn, là lẽ sống của chị. Chị đưa gã về xóm cô đơn làm nhà, nuôi dưỡng gã. Chị không sợ nặng nhọc, không sợ trời đất, không sợ gì hết. Chỉ sợ khi về nhà không có gã, không nghe thấy những nốt nhạc du dương phát ra từ cái miệng nho nhỏ xinh xinh ở gã. “Em yêu ơi, tối nay ta ăn món chi?”.
Được vài tháng, gã thư sinh nọ không ở lại với chị nữa. Gã đến ở với một ả gái điếm đã qua tuổi ba mươi, dáng người tròn lẳn. Chị khóc lóc van xin gã trở về. Gã thô bỉ nói thẳng: Ngủ với cô chán lắm! Chị hứa sẽ làm cho gã vừa ý. Mấy người làm gái bày cho chị cách làm cho đàn ông sung sướng. Chị làm theo. Gã vẫn lạnh nhạt bảo: Không thích!... Có người làm gái đã lâu, khuyên chị đi làm ngải để giữ chồng. Bà ta giới thiệu chị tới thầy bùa Loi. Dân làm gái ở trong vùng ai cũng biết tiếng thầy. Họ đồn đại, thầy có “ngải” gọi khách. Thầy không làm ra ngải. Ngải chính là thân xác của thầy. Người đến lấy ngải chỉ cần nhìn thẳng nhìn sâu vào đôi mắt thầy chừng năm phút, sau đó để thầy ôm ấp truyền ngải. Thầy bảo, bùa của thầy là hương vị. Thầy đã truyền hương vị hấp dẫn đàn ông. Không một đàn ông nào không bị mê lú khi tiếp xúc với hương vị này. Đàn bà dù có tàn tạ đến mấy, nhận được bùa hương vị này cũng đủ sức mê hoặc các loại đàn ông. Người ta bảo bén da bén thịt, không bằng bén vị bén mùi là vậy.
Gái đen nghe theo, đến gặp bùa Loi. Một lão già, tròn tròn dài dài như quả bí xanh, tóc thưa, mắt trắng dã, nhìn chị trừng trừng, bảo: - Đưa tiền trước! Chị bỏ tiền vào cái hộp gỗ vuông. Chị hơi hãi, nhưng vẫn ráng sức làm theo sự chỉ bảo của lão. Cũng nhìn vào mắt lão. Nhưng đến đoạn lão lột quần chị thì nỗi sợ hãi biến mất, thay vào đó là sự căm giận. Chị nắm cổ lão dựng lên, lôi đến công an phường tố cáo trò lừa gạt đồi bại của lão. Không có đủ lý do chứng cứ để xét xử, công an chỉ cảnh cáo lão. Cũng từ sự việc ấy, phường ra quân bài trừ nạn mãi dâm. Vận động cũng có, bắt tại trận cũng có, chỉ sau ba ngày hầu hết gái mãi dâm trên địa bàn được thu gom đi lao động cải tạo.
Sau lần ấy, gã thư sinh chồng hờ của chị bỏ đi biệt tích. Chị không vui, cũng chẳng buồn. Đôi khi tởm lợm đàn ông. Công an đến làm sổ hộ khẩu cho chị. Hỏi: -Tên gì? Đáp: -Đen. Hỏi tiếp: -Cái gì đen? Đáp: -Đen hết! Chợt nhớ ra lai lịch của chị, anh chàng công an cười nói: -Tôi họ Trần, lấy họ của tôi đi. Con gái họ Trần giỏi giang lắm đấy! Chị hững hờ bảo: -Họ Trần thì họ Trần, sợ gì... Cũng trong đợt ấy, phường xét cấp sổ hộ khẩu cho những người đủ tiêu chuẩn. Nhiều người mua quà tặng, cảm ơn gái Đen.
Lại có một sự kiện liên quan tới việc gái Đen chấp nhận tham gia tổ dân phòng. Hồi đó, xóm cô đơn mọc lên một số nhà hàng, nhà nghỉ... Dân thủy thủ, các loại tàu nội, ngoại thường la cà tới đó ăn nhậu và chơi gái. Gái Đen quen biết một gã thợ máy. Một cuộc tao ngộ, thường có trong các tiểu thuyết diễm tình. Gái Đen vất vả gồng mình kéo xe ba gác chở gạch đến cho một nhà đang xây cất. Đang nặng, tự nhiên thấy nhẹ. Không hiểu sao. Dừng lại, nhìn về phía sau. Thấy bạch mã Hoàng tử phụ giúp đẩy xe, mỉm cười bẽn lẽn. Mặt chữ điền, mũi sư tử, lông mày rậm. Ở khuôn mặt đậm chất đàn ông ấy gắn nụ cười mím chi bẽn lẽn như con gái thật chẳng hợp chút nào. Nhưng chính nụ cười ấy, một lần nữa lại khiến chị nổi cơn yêu cuồng nhiệt. “Thích lắm, thương lắm, muốn cắn đứt luôn!”. Chị nói về cái nụ cười mím chi lỏn lẻn ấy. Nó làm cho chị thấy mọi thứ dường như tốt đẹp hơn, thân thiết hơn. Như trời nắng nhẹ sau cơn mưa, khi trong đêm có ánh lửa... Gã sống với chị như một người chồng. Nhà của chị cũng là nhà của gã. Gã chạy đường sông, chở hàng từ miền Tây lên. Tuần nào cũng có mặt ở Sài Gòn. Ít nhất là một ngày. Nhiều nhất là ba ngày. Gã thường kéo theo bạn bè tới ăn nhậu. Được vài tháng, gã lộ rõ nguyên hình là một kẻ lừa đảo táng tận lương tâm. Tối ấy, gã dẫn về nhà một gã người nước ngoài to cao, đầy lông lá, mắt xanh, tóc vàng, mặt đỏ như tôm luộc. Gã bảo, đây là thuyền trưởng người Úc, bạn thân của gã, đối tác làm ăn sau này. “Mỏ vàng của mình đấy, tiếp đãi hết mình nghe!”. Gã nói với chị, thì thầm và cười lỏn lẻn. Chị không thể từ chối các ly rượu do con Kan-gu-ru mặt đỏ đưa tới. Chị không uống được rượu. Say xỉn lúc nào không hay. Khi tỉnh ra, chị thấy bị chúng lột trần truồng, hai chân bị căng ra cột chặt vào giường. Chúng dán băng keo lên miệng chị. Hai tên khốn đó nghịch ngợm đùa giỡn trên thân thể chị. Xong việc, chúng bỏ đi. Thằng chồng hờ thứ hai của chị, cười khả ố, bảo: - Vui chơi với cô thế là đủ rồi. Sáng mai tôi biến đi xa lắm! Chẳng bao giờ cô tìm được tôi đâu. Cái tên tôi cho cô biết chỉ là tên giả. Nỗi đau về thể xác không đáng kể. Tâm trí chị rối loạn. Chị ngất xỉu, không biết hắn còn nói thêm gì nữa.
May nhờ có “Người cô đơn” phát hiện sớm, cứu giúp chị. Suốt một tháng, chị ngây ngây dại dại, đang ăn lại nhả ra, đánh răng súc miệng. Thỉnh thoảng lại hét lên: “Cứu tôi với!”. Cả xóm xúm đến lo chữa bệnh cho chị. Thầy thuốc bảo: “Chỉ bị tâm thần nhẹ, gần gũi, an ủi nhiều hơn sẽ khỏi thôi!”.
“Người cô đơn” là tên gọi người bán kẹo kéo đầu tiên đến đây phát nhạc “Đời tôi cô đơn”. Biệt danh ấy cũng đúng với dáng vẻ sầu muộn cô đơn của anh. Anh ta có vợ con quê ở miền Trung. Do nhà nghèo, đành phải vô Sài Gòn bán kẹo kéo, dành dụm tiền nong gửi về quê. Anh ta cũng kiếm được miếng đất dựng nhà che nắng che mưa. Hồi ấy, do kẹo kéo không bán được, anh phải theo gái Đen đi làm công cho các nhà thầu xây dựng. Khi làm phụ hồ, khi vận chuyển vật liệu xây dựng…
“Người cô đơn” chăm sóc gái Đen như cha lo cho con gái. Cơm ăn, nước uống, giặt giũ, thậm chí còn gội đầu cho chị. Đêm ngủ trên ghế bố. Mỗi khi chị tỉnh dậy khó ngủ, anh lại vỗ về vuốt tóc hát ru “Núi cao chi mấy núi ơi; núi lấp mặt trời chẳng thấy người thương…” cho chị ngủ tiếp…
Khi gái Đen khỏe lại, công an phường đến hỏi vụ việc để xử lý hình sự hai tên trộm cướp. Gái Đen bình thản bảo: Thôi, trước sau gì hai tên khốn ấy cũng sẽ bị trừng phạt. Gái Đen có thai với gã thợ máy. Chị nhận làm tổ trưởng dân phòng. Ít tháng sau, chị sinh con trai. Giống gã thợ máy như đúc. Cũng mặt vuông chữ điền, mũi to nhưng không có nụ cười mỉm chi, bẽn lẽn.
Bước sang thế kỷ 21, xóm cô đơn trở thành một công trường xây dựng lớn. Dự án khu đô thị cao cấp mới được triển khai. Cư dân xóm cô đơn bỗng chốc trở nên giàu có. Đàn ông sắm xe máy xịn. Đàn bà mua vàng đeo tay, đeo cổ. Vui vẻ ăn nhậu tối ngày. Rồi mọi người lần lượt ra đi. Gái Đen buồn lắm, luôn chạy theo dặn với: - Nhớ lo chuyện làm ăn, chớ tiêu xài lãng phí.
Cả khu phố chỉ còn lại mẹ con gái Đen và “Người cô đơn”. Khu đất của gái Đen không có trong quy hoạch nên việc đi, ở tùy ý. Miếng đất ấy ở kế bên lộ chính và lối vào khu đô thị mới gồm những nhà cao tầng. Đất ấy là đất vàng. Rất nhiều người tìm đến hỏi mua với giá cao ngất ngưởng. Chị kiên quyết không bán. “Người cô đơn” gặp rắc rối về chuyện giấy tờ nên phải nấn ná ở lại chờ giải quyết. Kể từ sau vụ gái Đen bị hai tên khốn nạn làm nhục, “Người cô đơn” gần như sống chung với gái Đen. Nhiều năm trôi qua, quan hệ giữa hai người thực chất như thế nào vẫn là một bí ẩn. Người nói họ là vợ chồng. Người bảo không phải vợ chồng, là anh em kết nghĩa sống hòa thuận trong sáng. Thực hư thế nào không biết. Người ta chỉ biết rõ sau khi sinh con, gái Đen không quen thân với bất kỳ người đàn ông nào khác ngoài “Người cô đơn”. Có ít nhất ba người giàu có tử tế rất chân thành cầu hôn. Gái Đen không hề suy nghĩ, từ chối ngay tức thì. Cũng ít nhất ba lần vợ của “Người cô đơn” từ ngoài quê vào thăm chồng sống chung nhà với gái Đen vui vẻ đầm ấm, coi gái Đen như em ruột. Cuộc sống của gái Đen và “Người cô đơn” khá giả hơn khi đường lộ chính thông xe, nhà của gái Đen trở thành một quán ăn bình dân. Cuộc sống của họ hầu như không có biến động gì. “Người cô đơn” thường gửi tiền về quê cho vợ con. Mỗi năm về nhà một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Người trong vùng không ai nhớ chuyện gái Đen năm xưa. Người ta chỉ biết quán ăn gái Đen ngon, rẻ và sạch. Cũng chẳng có ai tò mò tọc mạch quan hệ giữa gái Đen và “Người cô đơn”. Ngày ngày, người ta thấy gái Đen tất bật với công việc chợ búa, nấu nướng. “Người cô đơn” tất tả với việc phục vụ khách ăn và đưa đón thằng nhỏ con gái Đen. Thằng nhỏ này lớn rồi vẫn thường lú lẫn trong cách xưng hô với “Người cô đơn”. Lúc gọi ba, lúc lại gọi bác.
Rồi “Người cô đơn” cũng nhận được tiền đền bù. Ông quyết định về quê sinh sống. Gái Đen bảo: - Đây là nhà của anh. Suốt đời này em ở đây chờ anh.
Gái Đen đóng cửa quán ăn. Khóc tầm tã như trẻ con suốt mấy ngày trời. Sau đó, gặp ai chị cũng kể lể: - Anh ấy là người đàn ông chân chính. Hơn 10 năm ở bên tôi mà không hề ăn nằm với tôi. Tôi biết anh ấy thương tôi. Anh ấy mạnh mẽ. Anh ấy sợ làm tôi đau.
Có người tin, có người không tin. Nhưng dù tin hay không tin, người ta cũng chẳng quan tâm tới chuyện lãng mạn trong tiểu thuyết ái tình này. Hết thảy đều vội vã cho qua: “Rồi, rồi, biết rồi, có dịp tâm sự tiếp…”.
Ngày ngày, chị đưa hoa cho khách hàng. Lúc tươi cười hớn hở, khi buồn bã ưu phiền. Thỉnh thoảng chị lại ngớ ngẩn hỏi: Sao không thấy ai hỏi vì sao lại buồn nhỉ?