Năm 2011 được đánh giá là năm thực hiện hiệu quả hoạt động cải thiện chất lượng môi trường. Số lượng doanh nghiệp tự giác chấp hành Luật bảo vệ môi trường không ngừng tăng lên. Nhiều dự án cải thiện môi trường được các cơ quan chức năng khởi động và hoàn thành. Và đặc biệt là nhận thức của người dân liên quan đến việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sống của chính mình đã được nâng lên đáng kể… Vậy đâu là yếu tố then chốt tạo nên những hiệu quả trên?
Trước hết phải xuất phát từ quan điểm phát triển kinh tế của nước ta là “Phát triển nhanh, bền vững”. Từ quan điểm này hàng loạt chính sách về quản lý môi trường đã được cải cách, thay đổi cho phù hợp. Đầu tiên là việc yêu cầu tất cả các doanh nghiệp đã, đang và sẽ hoạt động đều phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Giải pháp này giúp cơ quan quản lý chủ động kiểm soát và ngăn ngừa những hậu họa môi trường có thể xảy ra khi các doanh nghiệp đi vào hoạt động. Doanh nghiệp cũng sẽ phải ý thức rõ hơn về những khoản đầu tư, nhất là đầu tư cho lĩnh vực xử lý môi trường mà mình sẽ phải làm. Cộng đồng cũng có cơ sở để giám sát chặt hơn những cam kết bảo vệ môi trường từ doanh nghiệp sau khi chính thức đi vào hoạt động.
Một giải pháp khác là thắt chặt công tác thanh kiểm tra, xử lý những đơn vị có hành vi vi phạm môi trường. Phải nói rằng, từ khi Nghị định 117 ra đời vào năm 2008, cho phép tăng mức xử phạt tối đa cho một hành vi vi phạm môi trường lên 500 triệu đồng thay vì 70 triệu đồng như trước đó, phần nào đã buộc các doanh nghiệp phải tự nỗ lực khắc phục việc xử lý chất thải phát sinh. Thế nhưng, biện pháp xử lý hành chính này cũng chưa thể nào ngăn chặn triệt để hành vi vi phạm môi trường của doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp lớn, chi phí đầu tư, vận hành, xử lý chất thải vẫn cao hơn mức bị xử phạt.
Để khắc phục nhược điểm này, năm 2011, các cơ quan quản lý đã thực hiện cưỡng chế buộc tạm ngưng hoạt động doanh nghiệp tái vi phạm môi trường nghiêm trọng - một trong những giải pháp mạnh nhưng do vướng nhiều luật khác nên chưa thể thực hiện trong thời gian qua. Và một hiệu quả đột phá bất ngờ đã xảy ra khi số doanh nghiệp tái vi phạm môi trường giảm hẳn. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp đã nhận ra rằng nếu họ tiếp tục gây ô nhiễm thì đồng nghĩa với việc họ tự tay đóng cửa chính doanh nghiệp của mình. Hiện Bộ Tài nguyên - Môi trường đang phối hợp với các địa phương rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp đen. Điều này báo hiệu trước một năm gặt hái nhiều thành quả trong công tác cải thiện chất lượng môi trường.
Điều đáng ghi nhận hơn là năm 2011 cũng là năm đánh dấu cho một hoạt động thu hút đông đảo sự tham gia của cộng đồng - đó là phong trào “sống xanh”. Sống xanh không dừng lại với việc cộng đồng tham gia giám sát chặt chẽ hơn hoạt động xử lý chất thải của các doanh nghiệp, giữ gìn khu phố xanh, sạch, đẹp mà còn là hưởng ứng phong trào tiêu dùng sản phẩm xanh - sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Đây được xem là giải pháp sử dụng tiêu dùng xanh để thúc đẩy phát triển sản xuất xanh. Sự phát triển mạnh của phong trào này sẽ hứa hẹn hình thành một môi trường sạch trong tương lai gần.
Có thể nói, chưa bao giờ công tác bảo vệ môi trường lại tạo được sự đồng lòng từ cấp chính quyền đến người dân như hiện nay. Điều này xuất phát từ thực tế là đã đến lúc không thể tiếp tục hy sinh môi trường vì lợi ích kinh tế nữa. Cộng đồng không thể chấp nhận làm ngơ cho các doanh nghiệp đen - doanh nghiệp đang hủy hoại cuộc sống của mọi người vì lợi ích riêng cho mình. Hy vọng những thành quả bảo vệ môi trường đã đạt được trong năm 2011 sẽ tiếp tục phát huy mạnh hơn trong năm 2012 để đến năm 2013 và những năm sau đó, môi trường của nước ta trở lại xanh - sạch.
MINH XUÂN