Chuyện về cây cầu bắc qua suối La A

Cứ đến mùa mưa bão, người dân thôn Apát, xã A Vương (huyện Tây Giang, Quảng Nam) lại phải sống trong cảnh chia cắt vì không có cầu qua lại. Bao năm bức xúc và suy tính,  thanh niên địa phương đã đồng lòng ra quân giúp dân làm cầu gỗ…
Chuyện về cây cầu bắc qua suối La A

Cứ đến mùa mưa bão, người dân thôn Apát, xã A Vương (huyện Tây Giang, Quảng Nam) lại phải sống trong cảnh chia cắt vì không có cầu qua lại. Bao năm bức xúc và suy tính,  thanh niên địa phương đã đồng lòng ra quân giúp dân làm cầu gỗ…

Chiếc cầu gỗ bắc qua suối La A, nối liền 2 thôn T’ghêy và Apát (xã A Vương) đã được các bạn thanh niên hoàn thành vào tháng trước. Ông Zơrâm Ngăm, Trưởng thôn Apát, chia sẻ: “Người dân rất vui mừng vì từ khi có cầu, sinh hoạt của bà con thuận lợi rất nhiều. Bà con có việc, cần đi đâu là đi ngay, không như ngày trước ai cũng ngán ngại mỗi khi đi qua cầu khỉ, dễ bị trượt chân rớt xuống suối…”.

Thôn Apát có 100 hộ gia đình với 412 nhân khẩu, nhưng nơi này không khác một ốc đảo bởi đường sá đi lại quá khó khăn. Những ngày mưa bão, người dân phải chịu cảnh cô lập vì nước suối dâng cao. Vậy nên, chiếc cầu gỗ bắc qua suối La A đã nối thông thôn nghèo heo hút này với bên ngoài. Bí thư Đoàn xã A Vương Bríu Ngự cho biết: “Công sức và việc thiết kế, tính toán cụ thể cho công trình hay những chi phí lặt vặt thì anh em Đoàn xã đảm bảo. Còn việc lát mặt cầu thì huy động bà con góp cây. Mỗi người một tay mà làm thôi”.

Ngày khởi công, 60 lượt đoàn viên, thanh niên tập trung về nơi làm cầu từ mờ sáng. Nhóm phát quang bụi rậm, san lấp mặt bằng đến vận chuyển vật liệu vào tận nơi thi công. Những cây gỗ to đường kính gần 50cm, dài hơn 30m được các bạn trẻ đốn hạ kéo về bắc qua con suối. Một nhóm thanh niên khác khiêng từng tảng đá dưới suối lên làm móng đỡ. Không ai bảo ai, mọi người tự chia nhóm ra để làm các phần việc cho dễ dàng. Gian nan, trầy xước, nhưng tất cả đều nhiệt tình tham gia.

Mỗi người một tay cùng bắc cầu qua suối

Anh Bríu Ngự kể thêm: “Việc ăn uống thì các bạn dựng lều tại chỗ để nấu nướng cho tiện, kinh phí thì Đoàn xã trích nguồn hoạt động và huy động một ít từ người dân trong thôn”. Trước sự nhiệt tình của các thanh niên, nhiều người dân đã không khỏi cảm động. Những nải chuối rừng, những ấm nước trà của bà con mang tặng càng làm cho sự quyết tâm của tuổi trẻ thêm cao. Nhắc chuyện làm cầu, bà con trong thôn vẫn nhớ như in cảnh các bạn trẻ lội bì bõm dưới suối để đóng trụ, dựng cột. “Các cháu thanh niên vui vẻ làm việc, cẩn thận từng chút một. Mình già rồi, nên chỉ động viên tinh thần cho các cháu làm thôi”, già Zơrâm Blớp nói.

Sau 4 ngày lao động liên tiếp với tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, cây cầu gỗ dài 30m và con đường dài gần 100m đã hoàn thành đúng theo kế hoạch ban đầu, đủ để người đi bộ và cả xe máy lưu thông. Không thiết kế, không bản vẽ nhưng cây cầu gỗ thật vững chãi, chắc chắn, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi cả mùa nắng lẫn mùa mưa, không còn cảnh lội suối như trước đây.

Ngày bàn giao, dân làng rất vui mừng phấn khởi. Người dân trong thôn cho biết, mặc dù chỉ là cây cầu gỗ nhưng nó thật thiết thực, phục vụ những lợi ích thực tế hàng ngày. Hơn thế nữa, việc học tập của con em ở đây sẽ được xuyên suốt, không bị gián đoạn mỗi khi mùa nước lớn về. Em Zơrâm Thị Thu, học sinh lớp 5/2, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Avương nói: “Mỗi lần đi học được đi trên cầu mới con rất vui,  không còn lo sợ bị trượt chân hay mùa mưa không thể đến trường nữa”. “Đã có hàng chục cây cầu gỗ bắc qua suối như thế được thanh niên toàn huyện thực hiện trong thời gian qua. Mong muốn của chúng tôi là giúp dân cái gì đó thật thiết thực. Làm được những cây cầu này cho bà con là anh em rất mừng”, anh Nguyễn Văn Kỳ, Bí thư Huyện đoàn Tây Giang, tâm sự.

QUANG QUỲNH

Tin cùng chuyên mục