
(SGGP-12G).- Trên đường đi tìm những nhân chứng của ngày 30-4 lịch sử, chúng tôi gặp lại pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng, quê ở TP Sơn Tây (Hà Nội), người đã ngồi trên chiếc xe tăng 390 húc tung cánh cổng dinh Độc Lập 34 năm về trước. Ông Phượng, giờ đã 65 tuổi, mái tóc pha sương nhưng tác phong vẫn nhanh nhẹn. Ông cho biết: “Giờ tôi đã được mời về làm việc tại Công ty Cổ phần quốc tế Việt - Am”.
Niềm vui với công việc mới

Pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng
Bốn chiến sĩ trên chiếc xe tăng 390 năm ấy hầu như đều đã tìm được công việc ổn định và có doanh nghiệp giúp đỡ. Ông Vũ Đăng Toàn và Nguyễn Văn Tập được Công ty Cổ phần sơn Kova nhận về làm công nhân. Hiện nay, ông Tập vẫn đang làm ở xưởng sơn đặt ở TP Hà Đông, còn ông Toàn thì được điều về một chi nhánh ở TP Hải Dương cho gần gia đình.
Ông Ngô Sỹ Nguyên thì được nhận về làm tài xế xe buýt của Xí nghiệp Xe buýt 10-10 (Hà Nội) từ nhiều năm nay. Còn ông Phượng chuyển về làm cho Công ty Cổ phần quốc tế Việt - Am. Trung bình mỗi tháng thu nhập của ông khoảng 2-3 triệu đồng, “còn nhàn hơn cả 16 năm làm cắt tóc. Nhà ở trung tâm thành cổ Sơn Tây, mỗi ngày phải đạp xe ra tận cổng trường đào tạo sĩ quan lục quân xa 14km, cả đi cả về ngót 30km mà thu nhập cũng chẳng được là bao”, ông nói.
Rồi ông kể duyên nợ dẫn đến việc chuyển về làm tại Công ty Cổ phần quốc tế Việt - Am, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh máy cân bằng iôn của Nhà máy Z-755 thuộc Bộ Quốc phòng. Chẳng là năm ngoái, nhân kỷ niệm ngày thành lập công ty, cũng là dịp kỷ niệm sự kiện 30-4, lãnh đạo công ty đã mời cả 4 anh em trên chiếc xe tăng 390 năm ấy về dự, rồi đặt vấn đề muốn nhận ông Phượng vào làm việc trong công ty để giúp ông cải thiện cuộc sống, đồng thời cũng là một cách để tri ân những người đã cống hiến cho cuộc đấu tranh giải phóng, giành lại độc lập dân tộc.
Ông Phượng được giao làm trưởng hệ thống phân phối của toàn khu vực TP Sơn Tây, trực tiếp chỉ đạo 4-5 đại lý bên dưới. Mỗi tuần dăm ba buổi, ông lại chạy đi chạy về khoảng 40km giữa Hà Nội và Sơn Tây để làm việc. Giờ đây, công việc của ông khá bận rộn. Ông bảo: “Hiện nay có rất nhiều đoàn, kể cả UBND TP Hà Nội cũng mời chúng tôi đi tham quan, nói chuyện nhân lễ kỷ niệm 30-4 nhưng tôi cũng không có thời gian để đi được”.
Kỷ niệm hào hùng không thể nào quên

Sáng 30-4-1975, xe tăng quân giải phóng tiến thẳng vào dinh độc Lập, sào huyệt của chính quyền Sài Gòn
Trên chiếc xe tăng 390 năm xưa, ông Phượng là người nhiều tuổi nhất, gần như là anh cả của nhóm. 34 năm đã trôi qua nhưng mỗi khi nhắc về trận chiến lịch sử ấy, ông đều kể một cách say sưa, như mọi thứ vẫn chỉ vừa mới xảy ra: “Hồi chiến tranh, tôi mới là anh lính lái chính của xe tăng 390 nhưng khi đến căn cứ Nước Trong, pháo thủ số 2 Đỗ Cao Trường bị thương, tôi nhảy luôn lên làm pháo thủ thay anh ấy, cầm súng giết giặc”.
“Vào sáng 30-4, xe tăng của chúng tôi đã tiến đến và húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập, tiến vào đến sát cửa dinh. Khi thấy đồng chí Bùi Quang Thận vác cờ chạy lên tôi bảo các anh em xe tăng cầm súng chi viện cho đồng chí Thận. Để chắc ăn, tôi còn quay khẩu 12 ly 7 chĩa lên nóc dinh Độc Lập để viện trợ cho đồng chí Thận cắm cờ”, ông kể tiếp, “Lúc đó, không thể diễn tả được là chúng tôi hạnh phúc thế nào. Sau bao nhiêu năm bom đạn, cuối cùng hai miền đất nước đã được thống nhất, đã chiến thắng được đế quốc Mỹ. Tôi còn nhớ, vào khoảnh khắc lịch sử trưa 30-4, sau khi chiếm được dinh Độc Lập, đồng loạt khắp nơi ở Sài Gòn đều rung chuyển vì những tiếng súng bắn chào mừng chiến thắng. Tôi cũng bắn liền một loạt 12 ly 7 để thể hiện sự hạnh phúc của mình”.
34 năm đã trôi qua, người lính năm xưa đã trở về với cuộc sống thời bình, cũng chẳng mong phải được vinh danh tên tuổi mà sống thầm lặng giữa đời thường.
Cựu chiến binh Lê Văn Phượng cho biết: “Khi xe tăng của chúng tôi tiến sát tới dinh Độc Lập, giáp mặt quân thù, không thể chần chừ, chờ đợi cấp trên ra lệnh mới tấn công mà phải xông thẳng vào luôn, như thế mới là chiến đấu. Lúc đó, chúng tôi cũng không thể ngờ hành động của mình lại trở nên quan trọng như vậy, trở thành một dấu ấn của lịch sử”.
PHÚC HẬU
Tin bài liên quan: Bài 1. Giọt nước mắt hạnh phúc trước cửa dinh Độc Lập