Chuyện “Vua sân cỏ”

Chuyện “Vua sân cỏ”

Có rất nhiều biệt danh dành riêng cho người cầm còi điều khiển các trận đấu bóng đá từ thể hiện sự kính trọng đến châm biếm. Thế nhưng, ít ai biết hết lịch sử thăng trầm của nghề này.

  • Trọng tài xưa - nay
Chuyện “Vua sân cỏ” ảnh 1

Pierluigi Collina - trọng tài xuất sắc nhất thế giới.

Bóng đá được chơi lần đầu tiên vào thời nhà Hán bên Trung Quốc. Khi ấy, người chơi cố dùng chân đoạt một quả cầu làm bằng vải, để sút vào vòng tròn dựng trên một chiếc cột cao. Thời đó, không hề có khái niệm trọng tài, ngoài một viên quan làm nhiệm vụ đếm điểm cho hai đội.

Đến thế kỷ 18, người Anh tự hào là cha đẻ của môn bóng đá hiện đại (phân biệt với bóng đá cổ xưa). Thế nhưng, thời gian đầu người ta chơi đá bóng mà không cần trọng tài. Nếu có thì đó là một người có uy tín nhất trong thành phố, thường là một vị linh mục, được mời làm người trung gian, giải quyết các tranh chấp giữa hai đội...

Ông ta không được chạy vào sân thổi còi toe toe như ngày nay mà phải đứng hoặc ngồi trên một cái ghế cao ngoài đường biên theo dõi trận đấu. Những vị tạm gọi là trọng tài cũng có thể là các quan chức nhà nước hoặc giới quý tộc. Họ thường cầm theo cây gậy (cane), miệng phì phèo thuốc lá ra chiều rất thong dong. Khi được cầu thủ hai đội chạy ra hỏi, họ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng lỗi thuộc về ai; bàn thắng đã được ghi chưa? v.v... Thời gian sau mỗi đội mời đến sân một trọng tài của mình cho “công bằng”. Do vậy, trận đấu bóng đá thời đó có 2 trọng tài.

Đến năm 1873, trọng tài được trao quyền phạt các lỗi chơi bóng bằng tay và nhiều lỗi khác. Năm 1875, trọng tài được thêm quyền đuổi cầu thủ nào chơi quá xấu. Năm 1880, người ta bổ sung thêm trọng tài người của địa phương trung lập, để tránh thiên vị và từ đó, trên sân bóng có 3 trọng tài. Trọng tài trung lập điều khiển chính ở trong sân; hai trọng tài của mỗi đội làm nhiệm vụ ngoài đường biên gọi là trọng tài biên (linesmen) và đến năm 1996 được gọi là trợ lý trọng tài (assistant referees) vì tham gia hỗ trợ trọng tài chính trong việc xác định lỗi xảy ra gần khu vực của họ.

  • Câu chuyện chiếc còi

Trước khi được sở hữu thứ vũ khí “tối thượng” là chiếc còi, các vị trọng tài chỉ thông báo lỗi hoặc ngừng trận đấu bằng... miệng (la) và ra hiệu bằng tay. Người đưa ra ý tưởng dùng còi đặc trưng để dừng trận đấu và thông báo lỗi là ông Joseph Hudson ở Công ty Còi WCME (Anh), chuyên sản xuất còi cho Sở Cảnh sát Metropolitan vào những năm 70 của thế kỷ 19. Trận đấu đầu tiên mà trọng tài dùng còi là trận Nottingham Forest gặp Sheffield Norfolk năm 1878.

  • Những bộ đồng phục

Lịch sử bóng đá ghi nhận, mãi đến những năm 50 của thế kỷ trước, trọng tài mới được quy định mặc đồng phục riêng, toàn màu đen. Chính vì thế, ngoài biệt danh “Vua sân cỏ” - để chỉ quyền lực của trọng tài, họ còn có thêm cái tên “Vua áo đen”. Đến vòng chung kết World Cup 1994, các trọng tài được mặc thêm đồng phục màu vàng hoặc trắng; còn giải ngoại hạng Anh (Premiership) thì cho phép trọng tài mặc đồng phục màu xanh lá cây (dạ quang). Hiện nay, toàn bộ trang phục của trọng tài đều do Tập đoàn Adidas độc quyền cung cấp. Trọng tài ngày nay khoác lên mình những bộ cánh đẹp mà “thời trang” nhất là các trọng tài ở Ý, quê hương của trọng tài giỏi nhất thế giới hiện nay Pierluigi Colina, đã giải nghệ.

LINH GIAO

Tin cùng chuyên mục