Chuyến xe số 7+

“Chuyến xe số 7+” là dự án thiện nguyện được thực hiện bởi Quỹ Bảo trợ TES, tiền thân là Tổ chức VNO. Chuyến xe hỗ trợ đưa khách về quê đón tết hoàn toàn miễn phí, khởi hành từ TPHCM đến các tỉnh miền Trung.

“Đã gần 10 năm qua, tôi chưa được ăn tết ở quê với gia đình, bạn bè. Ở Sài Gòn nếu không có tiền thì không có tết, chỉ loay hoay trong căn phòng trọ, năm nào cũng chỉ mong tết sớm qua để đi bán trở lại”. Đó là chia sẻ của chị Huỳnh Thị Thu (ngụ quận 8) khi nhận được tấm vé xe 0 đồng về quê đón tết từ dự án “Chuyến xe số 7+”, sau 10 năm bán vé số tại TPHCM.

Tình nguyện viên sẽ theo xe hỗ trợ khuân vác hành lý, chăm sóc khách trên chặng đường về nhà

Tình nguyện viên sẽ theo xe hỗ trợ khuân vác hành lý, chăm sóc khách trên chặng đường về nhà

Mỗi tấm vé, mỗi hoàn cảnh

“Chuyến xe số 7+” là dự án thiện nguyện được thực hiện bởi Quỹ Bảo trợ TES, tiền thân là Tổ chức VNO. Chuyến xe hỗ trợ đưa khách về quê đón tết hoàn toàn miễn phí, khởi hành từ TPHCM đến các tỉnh miền Trung như: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi…

Nguyễn Hoàng Anh, sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, vui mừng khi là người đầu tiên nhận được tấm vé 0 đồng về quê. Hoàng Anh cho biết, gia đình em thuộc diện hộ nghèo, nên chưa có ý nghĩ sẽ về quê trong dịp tết năm nay. “Hai năm trước, không may má bị tai nạn giao thông khi đi bán hàng, sức khỏe yếu đi nhiều. Đợt dịch vừa qua, má nhiễm Covid-19 phải chữa trị tại 3 bệnh viện, tốn nhiều chi phí, gia đình phải vay mượn, thế chấp luôn căn nhà đang ở. Hiện tại, mọi chi phí sinh hoạt, tiền lãi vay hàng tháng đều trông chờ vào gánh hàng của má. Nay có vé về quê, em vui lắm…”, Hoàng Anh tâm sự.

Trong căn phòng trọ nhỏ tại quận 12, chị Bùi Thị Khuê (quê tỉnh Quảng Ngãi), kể rằng, cả năm bán vé số, chị hầu như không có khoản tích lũy. Mỗi ngày đi bộ hơn 20km, số tiền kiếm được khoảng 200.000 đồng, đủ lo cho con cái. Đối với chị, việc về quê đón tết xa xôi lắm, cũng bởi chi phí đi lại đắt đỏ, việc tiết kiệm được vài trăm ngàn đồng tiền vé xe và ăn uống dọc đường cũng rất quý. “Thật lòng tôi rất vui, tết năm nay không phải lo chi phí đi lại, chỉ mong sớm trở về nhà cùng gia đình sau 8 năm mưu sinh tại TPHCM”, chị Khuê xúc động nói.

Dự kiến, “Chuyến xe số 7+” khởi hành vào giữa tháng 1-2023, đưa 300 hành khách về quê đón tết, chủ yếu là người lao động, người khuyết tật và sinh viên khó khăn đang học tập, làm việc và sinh sống tại TPHCM.

San sẻ với cảnh khó

VNO do anh Nguyễn Hoàng Khải (ngụ quận 12) sáng lập vào cuối năm 2016. Anh Khải cho biết, vào năm 2013, anh thành lập nhóm thiện nguyện gồm 20 thành viên, đa số là học sinh THPT ở quận Tân Phú, tổ chức đi phát quà tết cho em nhỏ tại các mái ấm, người cơ nhỡ, bán vé số, xe ôm... trên địa bàn TPHCM. Từ những hoạt động thực tế, năm 2016, anh quyết định đạp xe xuyên Việt từ TPHCM - Hà Nội để hiểu hơn cuộc sống của người dân, văn hóa từng vùng miền.

Trong lúc di chuyển qua các tỉnh miền Trung, anh Khải chứng kiến cảnh người dân phải gồng mình chống chọi với bão lũ, nhiều tài sản có giá trị, tích góp bao năm đều bị lũ cuốn trôi. Trở về TPHCM, anh Khải và các thành viên trong nhóm đã thành lập VNO với hoạt động chính là tổ chức các dự án cộng đồng, chương trình thiện nguyện, hay giúp đỡ người lao động, sinh viên các tỉnh miền Trung gặp khó đang sinh sống và làm việc tại TPHCM.

Đầu năm 2017, chuyến xe đầu tiên được tổ chức, mang tên “Chuyến xe đoàn viên”, đưa 70 người lao động các tỉnh miền Trung tại TPHCM về quê đón tết an toàn. Tính đến nay, đã có hơn 20 chuyến xe khởi hành với gần 1.000 tấm vé 0 đồng được trao tận tay người lao động, người khuyết tật, sinh viên gặp khó. Khi có hồ sơ đăng ký, tình nguyện viên sẽ tới tận nhà khảo sát, trao tặng những tấm vé tận tay những hoàn cảnh gặp khó. Khi chuyến xe khởi hành, tình nguyện viên cũng sẽ phân chia, theo xe để hỗ trợ khuân vác hành lý, chăm sóc khách trên chặng đường về nhà.

“Năm đầu tiên, cả nhóm vẫn còn là sinh viên, không có kinh phí, không có nguồn tài trợ. Sau giờ học, chúng tôi ra phố đi bộ Nguyễn Huệ bán từng bao lì xì để gây quỹ, bán xong lại rong ruổi khắp các tuyến đường tìm kiếm những người lao động, người vô gia cư hỏi thăm hoàn cảnh, lập danh sách phát vé xe. Tôi còn nhớ chương trình đầu tiên, nhiều người lao động sợ bị lừa nên hủy vé vào phút chót. Năm đó, chúng tôi bị hụt 30 triệu đồng, các thành viên phải chia nhau đi làm thêm để trả nợ dần”, anh Nguyễn Hoàng Khải chia sẻ.

Tròn 6 năm trở thành hành khách của “Chuyến xe số 7+”, đến giờ, chị Hồ Thị Cảm (ngụ quận Bình Tân) vẫn không quên được niềm vui khi nhận được tấm vé về quê. Và hiện chị Cảm là một tình nguyện viên nòng cốt của tổ chức trong suốt nhiều năm qua. “Tôi cũng từng là một sinh viên xa nhà, gặp khó khăn nên hiểu rõ cảm giác hạnh phúc khi nhận được tấm vé về quê, chắc vì lẽ đó đã khiến tôi đồng hành với chuyến xe đến tận bây giờ”, chị Cảm tâm sự.

Anh Khải kể thêm, đôi lúc, chỉ cần nhìn thấy nụ cười, nghe những lời cảm ơn, hay những câu chuyện mưu sinh trên đường về quê đã là một trải nghiệm tuyệt vời, có thêm động lực để vượt qua mọi khó khăn.

Tin cùng chuyên mục