Theo tờ trình, TPHCM định hướng phát triển theo 6 phân vùng. Mỗi phân vùng được cấu trúc theo hướng đa chức năng, gắn với các khu vực trọng điểm phát triển có vai trò trung tâm vùng, quốc gia và quốc tế nhằm tạo cơ hội việc làm, môi trường sống có chất lượng cao. Tổ chức không gian các phân vùng gắn với tổ chức hệ thống giao thông công cộng.
Cụ thể: Phân vùng đô thị trung tâm, đây là trung tâm hành chính, đối ngoại, thương mại, dịch vụ, kinh tế tri thức, đô thị sáng tạo; Trung tâm của phân vùng đô thị trung tâm là khu vực trung tâm Sài Gòn, Chợ Lớn và phụ cận, đồng thời là trung tâm chính của toàn thành phố.
Phân vùng phía Đông (TP Thủ Đức), định hướng phát triển là đô thị sáng tạo, giáo dục, đào tạo, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính, y tế, du lịch sinh thái; Trung tâm tài chính quốc tế được định hướng phát triển tại khu vực Thủ Thiêm.
Phân vùng phía Tây (đô thị Bình Chánh) là đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo.

Phân vùng phía Bắc (đô thị Củ Chi - Hóc Môn) định hướng phát triển là đô thị dịch vụ, giải trí, văn hoá, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe đan xen cảnh quan nông nghiệp, định hướng hình thành các khu công nghiệp, giáo dục, đào tạo, công nghệ, khu hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái - văn hoá - lịch sử...
Phân vùng phía Nam (đô thị Quận 7 - Nhà Bè) là đô thị công nghệ cao, sinh thái nước, kinh tế tri thức, văn hoá nghệ thuật, triển lãm, hội chợ, giải trí, du lịch sinh thái, công nghiệp, logistics, trung tâm kinh tế biển...
Phân vùng phía Đông Nam (đô thị Cần Giờ) là khu sinh thái, “lá phổi xanh” của thành phố; cửa ngõ phía Nam hướng biển và trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm kinh tế biển với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thương mại, cảng và logistics; trung tâm hậu cần nghề cá và nghiên cứu, nuôi trồng chế biến thủy sản.