Có ai như bạn tôi không?

Có ai như bạn tôi không?

Lần đầu tiên mặc váy, Thúy cười ngặt nghẽo. Nó trông bên này, xoay bên kia đỏng đảnh, ngộ nghĩnh. Chiếc váy hoa vàng in trên nền vải tím hơi sặc sỡ một chút, nhưng lại rất hợp với nước da trắng mỡ màng của Thúy. Nết và tôi nhìn nó đăm đăm. Tôi buột miệng:

- Bồ xinh lắm Thúy ơi! Mặc cái này thế nào chàng cũng mê mệt.

Thúy nghiêm mặt, thật thà:

- Ảnh cứ van nài tớ mua váy, mình không nỡ chối từ.

Nết cười giòn tan:

- Chuyện kia… còn dám… nữa là váy…

- Cái con này chỉ giỏi xỏ xiên. Chết này! Chết này!

Thúy xông tới đấm thùm thụp vào lưng bạn. Căn phòng đầy ắp tiếng cười.

Chúng tôi là ba cô bạn gái ở tỉnh lẻ vào thành phố ăn học. Tôi là sinh viên khoa luật, còn Thúy và Nết là sinh viên ngoại ngữ. Ba đứa thuê chung một căn phòng mười lăm mét vuông. Tối tối thay phiên nhau hai đứa ngủ trên giường, đứa còn lại trải chiếu ngủ dưới đất. Gia cảnh đứa nào cũng khó khăn. Hàng tháng nhận đồng tiền mà ba má ở quê thắt lưng, buộc bụng gửi vào, nghe như có vị mặn chát của giọt mồ hôi, nước mắt. Nết nghe ở quê mất mùa, nó buồn liền mấy hôm. Câu nói cửa miệng nó là: “Ba má tớ chắc phải đi làm thuê mới có tiền gửi. Đã có bao gia đình vì lo cho con ăn học mà phải bán nhà”. Tôi cũng tê tái cõi lòng: “Má tớ cũng khổ lắm! Thức khuya, dậy sớm tảo tần mua bán”.

Minh họa: D.Khanh

Minh họa: D.Khanh

Năm đầu, ngoài giờ học, chúng tôi nhận rửa bát thuê cho các quán ăn kiếm tiền học thêm vi tính. Sinh viên nghèo mà, miễn sao đừng làm việc gì xấu xa là được rồi. Năm thứ ba tôi và Nết còn đang học thì Thúy đã được một công ty liên doanh với nước ngoài hợp đồng làm thông dịch viên. Tôi và Nết thầm ghen với số đỏ của Thúy. Vừa đẹp người, vừa đẹp nết, học giỏi, còn may mắn. Trời xui đất khiến thế nào Thúy lọt vào mắt xanh của một nhà doanh nghiệp người Úc to, béo, lúc nào cũng đeo kính râm như nhà thám tử, mặt kênh kiệu như lũ con trai choai choai trong khu phố chúng tôi ở. Nhìn những món quà đắt giá Thúy mang về, tôi ái ngại:

- Thúy ơi! Tớ nói điều này cậu đừng giận. Trông gương mặt thằng cha đó đêu đểu thế nào ấy. Cậu hãy cảnh giác với quà cáp của hắn.

Thúy chu môi son bóng như quả cà chua chín, cười khanh khách:

- Người ta cho thì mình nhận, có sao đâu.

Nết ôn tồn, chín chắn:

- Duyên nói đúng đấy Thúy ơi! Cậu nên suy xét lại. Ở đời chẳng mấy ai cho không…

Thúy thôi cười, nó có phần cảm động:

- Tớ rất cảm ơn sự quan tâm của các cậu, nhưng các cậu đừng quá lo xa.

- Bạn chí cốt không bảo bọc nhau sao được.

Tôi muốn nói thêm cho Thúy hiểu ra. Nết hiểu ý cấu vào đùi tôi, mắt cụp xuống. Tôi hiểu Nết ngầm bảo tôi dừng đi là vừa. Sợ không chừng Thúy cho chúng tôi lên mặt dạy đời thì khổ.

Quả thật sự đời đâu có đơn giản như Thúy nghĩ. Đầu tiên là những món quà tặng, tiếp theo là những lời mời mọc đi ăn, đi chơi tế nhị của anh chàng người Úc. Từ chối hoài cũng khó coi, rồi một hôm khuya khoắt, Thúy về nhà với bước chân lảo đảo, mùi rượu, bia đặc quánh căn phòng. Tôi và Nết bật dậy. Nết vói tay bật công tắc điện. Tôi dìu Thúy lên giường, thảng thốt:

- Thúy! Trời ơi! Cậu say rượu ư?

Thúy úp mặt xuống gối òa khóc.

- Thúy ơi! Cậu làm sao thế?

Nết lay mạnh vai Thúy; nó bấn loạn không kém gì tôi. Nhìn vết máu đỏ thắm trên chiếc quần trắng mỏng tang của Thúy, nó không nói, chúng tôi cũng hiểu điều gì đã xảy ra.

Đêm ấy, tôi nằm gác tay lên trán, mắt thao láo nhìn lên trần nhà, nghe tiếng thạch sùng, long man mác buồn. Nỗi buồn như có vị đắng khi nghĩ về cạm bẫy đường đời.

Thế rồi cái điệp khúc ngày hai buổi nghe tiếng còi ô tô pin pin ở đầu con hẻm, Thúy vội vã vắt chiếc xắc lên vai biến đi cứ lập đi, lập lại hoài. Tôi hiểu tâm trạng của Thúy trong lúc này: “Một liều, năm bảy cũng liều”. Với lại Thúy còn gì đâu để mà giữ gìn cơ chứ? Có hôm nhà thám tử (Tôi và Nết quen gọi anh chàng người Úc kia) lẽo đẽo vào tận cửa phòng chúng tôi, giọng lơ lớ:

- Chao… hai… ngươi… đẹp!

Lần nào Nết cũng vênh mặt:

- Thank you!

Tôi thì không ưa nhìn cái gương mặt béo sệ, từng thớ thịt như chảy phúng phính, cộng với hàm râu con kiến tỉa tót công phu của gã nên thường tránh mặt.

Thúy bỏ học, về ở hẳn với “nhà thám tử” trong một căn hộ sang trọng ở trung tâm thành phố mặc cho tôi và Nết hết lời khuyên can:

- Thúy nghĩ lại đi, còn một năm rưỡi nữa là tốt nghiệp rồi, Thúy nghỉ học ngang như thế thật phí bao năm đèn sách.

Tưởng đâu những lời lẽ thống thiết của hai cô bạn thân làm Thúy tỉnh ngộ, không ngờ nó bĩu môi khinh khỉnh (Điều mà trước đây chưa bao giờ có trong xã giao của Thúy):

- Ối! Hơi đâu học hành cho mệt xác. Tốt nghiệp rồi tớ đố các cậu xin được việc làm. Hàng khối người ôm cả đống bằng cấp đi gõ cửa xin việc, có mấy người được tuyển dụng nào.

Nghe Thúy lý luận một hồi, tôi và Nết chỉ còn nước lắc đầu. Phải nói từ ngày Thúy non nhân ngãi già vợ chồng với người Úc, nó có cuộc sống no đủ. Đi mỗi bước đường đều có xe đón, xe đưa. Đêm đêm cùng với “nhà thám tử” đi hết nhà hàng này đến vũ trường nọ. Thấy nó sống sung sướng, chúng tôi có phần yên tâm một chút. Riêng cuộc sống của tôi và Nết cũng đỡ phần vất vả. Vài ngày Thúy mang thức ăn đến viện trợ, có lúc còn dấm dúi xấp tiền vào túi áo chúng tôi. Không nhận thì sợ nó giận hờn, mà nhận thì lương tâm cứ áy náy không yên.

Đùng một cái, Thúy đột ngột trở về với chúng tôi, vừa thấy đã khóc:

- Tớ chết mất, các cậu ơi!

Tôi ngây người, linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành đã xảy ra:

- Sao? Cậu nói sao? Cậu bị bỏ rơi à?

- Thôi rồi, chúng tớ khuyên cậu không nghe! – Nết rên rỉ.

- Đừng buồn nữa Thúy! Còn có bọn tớ cơ mà.

Mắt tôi cay sè. Nết cũng rớm lệ.

- Đầu đuôi thế nào, cậu nói đi? – Nết lên tiếng.

- Nó nợ công ty ngập đầu nên trốn rồi. Tớ bán hết đồ trang sức dành dụm bấy lâu mới đủ trả tiền thuê nhà - Thúy chua chát.

- Đây còn ít tiền tớ giữ giùm cho cậu lo việc sanh đẻ rồi về quê.

Tôi lục dưới đáy vali lấy ra cọc tiền dày cộm dúi vào tay Thúy. Nó tròn mắt, kêu lên:

- Trời ơi! Tiền ở đâu cậu cho tớ nhiều thế này?

Tôi thủng thẳng giọng nói buồn như đám ma:

- Tiền của cậu cho tớ chứ đâu. Tớ dạy kèm hàng tháng cũng đủ tiêu. Cậu cầm lấy cho tớ vui lòng.
Thúy ôm mặt khóc ngất. Ngoài kia thành phố đã lên đèn. Dòng người xoắn tít vào vòng quay của cuộc sống. Bất chợt vẳng vào tiếng còi xe pin pin. Tôi giật mình tự hỏi: Biết có còn ai giống như hoàn cảnh của Thúy không? 

Trần Quốc Cưỡng

Tin cùng chuyên mục