Như Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đưa tin, được sự đồng ý của UBND TPHCM, Sở TN-MT đang xây dựng kế hoạch hạn chế sử dụng túi ni lông với mục tiêu đến năm 2020 giảm được khoảng 40% nhu cầu sử dụng loại túi này. Bên lề Hội thảo về bao bì thân thiện với môi trường, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT trường xung quanh kế hoạch nêu trên.
Ông Nguyễn Văn Phước cho biết: Hội thảo này là một phần trong kế hoạch hạn chế sử dụng túi ni lông. Muốn hạn chế túi ni lông, nhất định phải có loại túi khác thân thiện với môi trường hơn để thay thế vì nhu cầu đựng đồ khi mua sắm, khi vận chuyển hàng hóa… của người dân phải được tôn trọng và đáp ứng.
° Phóng viên: Hiện nay quy chuẩn về túi thân thiện với môi trường chưa có. Tại Hội thảo, Sở TN-MT cam kết sẽ kiến nghị UBND TPHCM cho xây dựng tiêu chí tạm để làm cơ sở cho việc sản xuất loại túi này. Sở sẽ làm công việc như thế nào?
° Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC: Sở TN-MT sẽ tham khảo ý kiến các nhà khoa học và mời họ cùng tham gia xây dựng tiêu chí bao bì thân thiện với môi trường. Sau khi đạt được sự thống nhất và được các ban ngành liên quan cùng UBND TPHCM công nhận, tiêu chí này sẽ được công bố rộng rãi đến các DN và người tiêu dùng. Dự kiến, ngoài việc xây dựng tiêu chí cho túi thân thiện với môi trường, Sở TN-MT sẽ nghiên cứu và kiến nghị một số cơ chế tài chính hỗ trợ cho DN sản xuất loại túi này như có thể giảm lãi suất cho vay đầu tư, thuế sử dụng đất…
° TPHCM chủ động ban hành tiêu chí túi thân thiện với môi trường nhưng liệu tiêu chí này có được công nhận trên toàn quốc? Nhất là khi Luật Bảo vệ môi trường sẽ có hiệu lực thi hành trên toàn quốc từ ngày 1-1-2012 quy định rất rõ, túi thân thiện với môi trường sẽ không chịu thuế còn túi ni lông sẽ phải chịu thuế. Rõ ràng, việc này liên quan đến quyền lợi của nhà sản xuất.
° Sau khi xây dựng xong tiêu chí túi thân thiện với môi trường và được UBND TPHCM công nhận, Sở TN-MT sẽ kiến nghị với Bộ TN-MT cùng các bộ ngành liên quan xem xét, công nhận tiêu chí này. Sở TN-MT xem đây là việc quan trọng bởi các DN ở TPHCM sản xuất tới 70%-80% lượng túi ni lông tiêu dùng trong cả nước. Tiêu chí không được công nhận ở tầm quốc gia thì hiệu lực của nó không lớn, không khuyến khích được DN sản xuất loại túi này.
° Nếu theo đúng mục tiêu mà ông nói ở trên, đến năm 2020 túi ni lông vẫn còn phục vụ cho khoảng 60% nhu cầu đựng đồ của người dân. Như vậy, Sở TN-MT dự định “ứng xử” với loại túi không thân thiện với môi trường này như thế nào?
° Sở TN-MT đang tiến hành công tác phân loại rác từ nguồn để từng bước thu gom túi ni lông về xử lý đúng quy định. Công tác này đang được triển khai ở một số chợ đầu mối như Bình Điền và sắp tới sẽ được triển khai rộng rãi ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… rồi từng bước sẽ mở rộng đến các khu dân cư.
° Cảm ơn ông?
TÂM ĐỨC