Cô bé 10 tuổi viết sách để “nguyện ước yêu thương”
SGGPO
Mong mỏi yêu thương và bình yên cho những đứa trẻ đang chịu đau khổ; đặc biệt, để mọi người thấu hiểu và chia sẻ về hoàn cảnh hiện tại của người dân Syria, cô bé 10 tuổi Bana Alabed đã viết nên cuốn sách Nguyện ước yêu thương (Saigon Books và NXB Thế Giới).
Năm 2016, Bana Alabed, 7 tuổi, đến từ Đông Aleppo, bắt đầu sử dụng mạng xã hội Twitter để kêu gọi chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria. Với sự giúp đỡ của người mẹ Fatemah, Bana đã dùng điện thoại di động để kết nối cộng đồng của mình với thế giới bên ngoài. Thời điểm gia đình Alabed được sơ tán đến Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối năm cũng là lúc những thông điệp của Bana được lan truyền rộng rãi, hơn cả những gì cô bé mơ ước.
Kể từ đó, với hơn 350.000 lượt theo dõi trên Twitter, Bana trở thành chủ đề của các bài phỏng vấn và được so sánh với Malala Yousafzai, nhà hoạt động xã hội trẻ tuổi người Pakistan cũng có hồ sơ quốc tế rất xuất chúng.
Nguyện ước yêu thương đan xen những hồi ức của Bana với các lá thư từ mẹ của cô bé. Ngoài việc cung cấp bối cảnh cho quyển sách này, họ còn nhấn mạnh tình yêu giữa các thành viên trong gia đình, những người vẫn duy trì sự gắn kết với nhau khi cuộc sống thoải mái trước đây bỗng chốc bị sụp đổ.
Tác phẩm là những câu chuyện về sự mất mát và hy vọng. Bana và mẹ cô bắt đầu bằng cách chia sẻ những kỷ niệm về cuộc sống của họ trước khi nội chiến xảy ra: những bữa cơm tối gia đình, hồ bơi tại địa phương, những mẩu chuyện kể về các nàng công chúa lẫn những lần vui chơi với bạn bè. Cho đến lúc ba tuổi, cuộc đời của Bana không khác gì so với vô vàn những bé gái khác trên toàn cầu.
Sự kinh hoàng của chiến tranh đương nhiên sẽ được khuếch đại khi nhìn qua đôi mắt của một đứa trẻ. Khi Bana nhớ lại những cảnh vật thân quen, âm thanh và cả mùi vị khu phố của mình khi nó gục ngã bởi vụ đánh bom, cô mô tả hậu quả của vụ pháo kích, sự xuất hiện của những xác chết và mùi hôi thối của lốp xe cháy không là gì so với thứ mùi cơ thể không thể ngửi được bên dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị sụp đổ.
Có đứa trẻ nào sẽ kể lại câu chuyện về cái chết và sự hủy diệt như thế? Công viên địa phương của Bana được chuyển từ nơi vui chơi thành một vùng cấm khi các thi thể được chôn cất ở đó bởi vì toàn bộ nghĩa trang đã kín chỗ. Sự căng thẳng không hề ngớt đi. Bana viết: “Tôi đã quá mệt mỏi để có thể hy vọng thêm nữa. Tôi quá mệt mỏi khi phải đấu tranh để sống sót. Tôi nghĩ có lẽ sẽ dễ dàng hơn khi một quả bom rơi xuống chúng tôi và chúng tôi đã không phải sống như thế này nữa”.
Bất chấp những điều khủng khiếp được miêu tả, vẫn có sự kiên cường trong cách Bana và gia đình cô bé bám víu vào những điều hết sức bình dị: làm một trò chơi bập bênh trong phòng khách, lấp đầy một hồ bơi ngay trong nhà bếp, hay lúc chia một quả cà chua thành năm phần bằng nhau và chia sẻ cho mỗi thành viên. “Chúng tôi cố gắng sưởi ấm trái tim của nhau, mang đến cho nhau niềm hy vọng sống”. Họ xem sự sống sót của họ là một phép màu, khi rất nhiều hàng xóm và bạn bè của họ không có được may mắn đó.
Bana ước mong một thế giới mới, nơi chúng ta chào đón những người không thể về nhà, và những người không còn nơi nào để đi. Cô khẩn cầu mọi người chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu những gì họ đã phải trải qua. Thực tế là câu chuyện của Bana cũng chính là câu chuyện của hàng trăm ngàn trẻ em khác có gia đình bị tổn thương và phải di dời vì những cuộc xung đột trong nước. Hiện tại, gia đình Alabed đã an toàn trong cuộc sống mới với tư cách là công dân Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù một trong những giấc mơ tương lai của Bana là trở về nơi cô bé được sinh ra.
Nguyện ước yêu thương được dành riêng cho mọi đứa trẻ đang chịu đau khổ. Mong ước lớn nhất của Bana là quyển sách này sẽ nâng cao nhận thức của mọi người về hoàn cảnh hiện tại của người dân Syria bằng cách kêu gọi hòa bình và lan tỏa một thông điệp đến tất cả những đứa trẻ đang phải sống chung với chiến tranh: Các bạn không hề đơn độc!