Có chăng "cuộc chiến" giữa nước mắm truyền thống và công nghiệp?

Liên tiếp thông tin về chất lượng nước mắm được phản ánh trên báo chí và nhất là mới đây Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc với nhiều loại không đạt tiêu chuẩn, khiến người tiêu dùng rất hoang mang lo lắng.
Có chăng "cuộc chiến" giữa nước mắm truyền thống và công nghiệp?

Liên tiếp thông tin về chất lượng nước mắm được phản ánh trên báo chí và nhất là mới đây Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc với nhiều loại không đạt tiêu chuẩn, khiến người tiêu dùng rất hoang mang lo lắng.

Để làm rõ hơn về các vấn đề về quy định pháp lý, cũng như thông tin xung quanh chất lượng nước mắm, đặc biệt là nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

 Phóng viên: Thưa ông, dư luận đang rất hoang mang trước các thông tin liên tiếp về chất lượng nước mắm, nhất là nước mắm công nghiệp có thành phần nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Là một chuyên gia về pháp luật, xin ông cho biết ý kiến và quan điểm của mình về thông tin trên?

 Ông NGUYỄN HUY QUANG: Nếu là các thông tin trên và số liệu khảo sát được đưa ra là thông tin trung thực, khách quan và bảo đảm được yếu tố khoa học thì chúng ta không thể thờ ơ. Bởi lẽ các thông tin và số liệu khảo sát này sẽ ảnh hưởng tới an toàn và chất lượng sản phẩm nước mắm, điều này cũng đồng nghĩa với sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng.

 Chỉ trong thời gian ngắn nhưng dồn dập các thông tin về chất lượng nước mắm. Liệu có vấn đề gì bất thường, hay đáng ngờ, thưa ông?

 Thực ra với câu hỏi này, rất nhiều người sẽ nghĩ tới một cuộc cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên hiện chúng ta không có đủ bằng chứng khẳng định điều đó. Chúng ta cần phải hiểu rằng, pháp luật không cấm việc sản xuất nước mắm bằng phường pháp công nghiệp hay phương pháp truyền thống. Nhưng pháp luật quy định rõ về chất lượng và mức độ an toàn của các loại nước mắm. Do đó, loại nước mắm nào bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm, như thành phần hóa chất, kim loại nặng và các giới hạn vi sinh cho phép thì loại nước mắm đó được phép lưu hành. Chất lượng nước mắm sẽ phụ thuộc vào nhà sản xuất công bố hàm lượng, các chất phụ gia đi kèm, hàm lượng đạm, cũng như nhãn mác, hạn sử dụng. Do vậy, nếu doanh nghiệp sản xuất đáp ứng được đầy đủ các quy định, cũng như các chỉ tiêu được công bố thì coi như sản phẩm nước mắm đó bảo đảm an toàn.

Một lò sản xuất nước mắm truyền thống tại Bình Thuận


 Phải chăng chúng ta chưa có các quy định chất lượng, hàm lượng nước mắm nên mới xuất hiện tình trạng hỗn loạn rất nhiều loại nước mắm khác nhau và cơ quan quản lý bị động, bất ngờ?

 Tôi không nghĩ là như vậy. Việc quản lý chung bao giờ cũng là quản lý các hàm lượng giới hạn cho phép. Ví dụ như chúng ta đề cập tới hàm lượng kim loại nặng hay vi sinh thì quy định về hàm lượng cho phép được phép tồn tại là bao nhiêu. Và trong trường hợp đã có các quy định về hàm lượng cho phép thì qua thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, hay hội bảo vệ người tiêu dùng phát hiện ra sản phẩm nước mắm nào đó không bảo đảm an toàn thì đó là trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

 Ông có chia sẻ gì về việc minh bạch các thành phần phụ gia trong nước mắm hiện nay? Việc minh bạch đã được các nhà sản xuất tuân theo và làm tốt chưa?

 Việc minh bạch thành phần nước mắm hay thực phẩm nói chung theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, hay Luật Thương mại đều đã có những quy định cụ thể như: việc ghi nhãn sản phẩm, hay quảng cáo sản phẩm (thành phần là gì, sản xuất bằng phương pháp nào) và đây cũng là đòi hỏi của người tiêu dùng để lựa chọn sản phẩm. Do vậy, đòi hỏi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải công khai, minh bạch. 

Đối với những thông tin về nhiều sản phẩm nước mắm bị nhiễm arsen vừa được công bố, chúng ta cũng cần phải hết sức bình tĩnh nhìn nhận dưới góc độ khoa học và khách quan. Phải xem chất arsen đó là hữu cơ hay vô cơ, nếu là arsen hữu cơ tự sản sinh trong quá trình sản xuất ủ men nước mắm thì không đáng lo ngại, còn nếu là arsen được nhà nhà xuất đưa vào trong quá trình sản xuất sản phẩm thì mới là nguy hiểm. Do vậy, việc thông tin về chất lượng nước mắm, cũng như các chất ở trong đó cần phải rõ ràng trên cơ sở khoa học, thận trọng và tránh mập mờ. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, nước mắm là một sản phẩm truyền thống lâu đời của chúng ta và được sử dụng phổ biến trong các bữa ăn của người Việt Nam, nếu như các sản phẩm nước mắm bảo đảm được độ an toàn, bổ dưỡng cho sức khỏe thì nó sẽ là một sự kết nối truyền thống, tô đậm thêm bản sắc văn hóa ẩm thực của người Việt. Hơn nữa, trong nền kinh tế thị trường phát triển, các sản phẩm nước mắm truyền thống lâu đời như Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết... nếu quá trình sản xuất bảo đảm chất lượng sẽ góp phần làm  rạng danh thương hiệu nước mắm của Việt Nam và chúng ta nên có chính sách khuyến khích phát triển vì đó là bản sắc Việt.

 Ông đánh giá như thế nào về các số liệu liên quan tới chất lượng nước mắm vừa mới được công bố, liệu đã rõ ràng và khách quan?

 Những số liệu về chất lượng nước mắm được công bố mới đây chỉ là qua khảo sát. Nếu nó là đợt thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế và được các cơ quan này công bố thì lúc đó mới là những số liệu chính xác về mặt khoa học. Còn số liệu được công bố qua đợt khảo sát chỉ là số liệu để tham khảo, nhưng nó là cơ sở để đánh động dư luận xã hội.

 Ông có nghĩ rằng đang có một “cuộc chiến” giữa nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống?

 Tôi không có thông tin về việc này. Nhưng theo tư duy lô gích, khi mà vào một thời điểm nào bỗng nhiên rộ lên nhiều thông tin về chất lượng nước mắm thì đó là truyền thông có chủ đích và khi đã là truyền thông có chủ đích thì cần phải xem xét có sự khách quan hay không, cạnh tranh không lành mạnh hay không và có vi phạm về luật cạnh tranh. Do đó các cơ quan chức năng cần phải xem xét cẩn thận để định hướng chính xác cho người tiêu dùng.
 
Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp như thể nào để có thể quản lý tốt hơn nữa chất lượng nước mắm?

 Việc đầu tiên, Bộ Y tế với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cùng với Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương phải xem xét xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mắm, trong đó có quy định cụ thể thể về hàm lượng kim loại nặng, hàm lượng vi sinh. Đồng thời phải có quy chuẩn về nước mắm công nghiệp và truyền thống để phân biệt sự khác nhau. Nếu bảo đảm được một hành lang pháp lý công khai, minh bạch, qua đó giúp cho người tiêu dùng biết được rõ ràng hơn về sản phẩm để có thể lựa chọn theo nhu cầu sử dụng.

Tiếp nữa, khi đã có quy chuẩn rồi thì cần tập trung, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên với việc có rất nhiều sản phẩm nước mắm, thực phẩm khác nhau nên không phải lúc nào cũng thanh tra, kiểm tra được hết tất cả nên vấn đề quan trọng ở đây là sự giám sát lẫn nhau giữa các doanh nghiệp để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Cùng với đó, vai trò giám sát của người dân và Hội bảo vệ người tiêu dùng thật sự khách quan sẽ là những yếu tố quan trọng để người dân yên tâm về mặt an toàn chất lượng cũng như khẩu vị.
 
Xin cảm ơn ông!

KHÁNH NGUYỄN (thực hiện)

Bộ Công thương sẽ công bố các cơ sở nước mắm sai phạm

 Liên quan thông tin chất lượng nước mắm có nhiều điều đáng ngờ và hiện đang được dư luận rất quan tâm, ngày 18-10, bà Chu Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, Cục Quản lý thị trường đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra chất lượng, nhãn mác các hãng nước mắm để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong thời gian tới, khi có đủ cơ sở căn cứ, Cục Quản lý thị trường sẽ công bố các cơ sở sản xuất nước mắm sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục