Trong hội thảo về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả điện năng do Hội Điện lực Việt Nam phối hợp với Văn phòng Tiết kiệm năng lượng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức, đại diện Ban quản lý KCN-KCX TPHCM đã khẳng định: Để tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp, cơ chế khuyến khích của nhà nước giữ vai trò quyết định.
Thoạt đầu kết luận này đã gây ngạc nhiên cho không ít đại biểu tham dự hội thảo, bởi tiết kiệm năng lượng đồng nghĩa với tiết kiệm chi phí sản xuất, điều mà bất cứ doanh nhân nào cũng biết và mong muốn thực hiện được. Vậy việc gì nhà nước phải “lo giùm” doanh nghiệp (DN)? Thực ra, ở đây có những dích dắc mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết.
Có thể thấy, để tiết kiệm năng lượng thì thiết bị máy móc, công nghệ về cơ bản phải hiện đại. Những loại máy có công nghệ như thế thường rất đắt, không phải DN nào cũng có khả năng đầu tư, nhất là các DN nhỏ và vừa. Đó là chưa kể đến tình huống có một số doanh nhân đi làm thuê, không thực sự là chủ DN, chấp nhận mua máy móc cũ để được hoa hồng cao.
Một số DN nước ngoài cố tình đưa công nghệ sản xuất cũ vào Việt Nam để tận thu. Ngược lại, cũng có doanh nhân đồng thời là chủ DN rất mong muốn và có khả năng tài chính để mua máy móc, thiết bị mới, nhưng do trình độ kỹ thuật hạn chế, thiếu thông tin nên không biết mua loại máy móc công nghệ nào cho tốt, cho tiết kiệm năng lượng… Tất cả những tình huống này đã làm cho việc triển khai công tác tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Đại diện Ban quản lý KCN-KCX TPHCM cho biết, trên địa bàn TPHCM hiện có khoảng 1.000 nhà máy sản xuất đang hoạt động với mức tiêu thụ điện hàng năm lên tới 3 tỷ kWh, chiếm 18%-20% mức tiêu thụ điện năng của toàn thành phố. Theo tính toán, nếu mỗi năm tiết kiệm được khoảng 3%, tương đương 90 kWh điện, TPHCM và bản thân các DN sẽ tiết kiệm được một số tiền không nhỏ. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động, mà đặc biệt là tạo điều kiện cho DN đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng tiết kiệm điện năng, cần thiết hơn bao giờ hết, trong đó việc tạo điều kiện là quan trọng hơn cả.
Theo đại diện Ban quản lý KCN-KCX, trước mắt Nhà nước nên đưa ra tiêu chí về trình độ thiết bị công nghệ rõ ràng trong thu hút đầu tư để hạn chế tình trạng nhập máy móc cũ, lạc hậu về Việt Nam. Tiếp đó, Nhà nước cũng nên có các chính sách khen thưởng hoặc tạo một cơ chế ưu đãi về tài chính cho các DN có thành tích trong việc tiết kiệm năng lượng. Ví dụ, có thể cho DN hưởng thêm một phần lợi nhuận thu được nhờ tiết kiệm năng lượng…
Phải có những chính sách cụ thể như thế mới thu hút được các DN. Hiện nay, Nhà nước cũng đã có một số chương trình khuyến khích DN tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, song nhiều DN cho rằng vẫn còn rất khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách này, hoặc các chính sách này chưa đủ mạnh để… khuyến khích DN. Nên chăng, các bộ ngành chức nên rà soát các vấn đề này, bởi rõ ràng, vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước có một vị trí rất quan trọng trong việc khuyến khích DN tiết kiệm năng lượng.
SƠN LAM