Có chính sách phù hợp với người không là công chức nhưng đang làm việc của công chức

Chiều 16-2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang có cuộc làm việc với Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ Nội vụ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Nội vụ
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Nội vụ

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, nhiệm vụ của ngành nội vụ không những nhiều mà còn rất khó, do liên quan đến vấn đề tổ chức con người, bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính, công tác tôn giáo…

Với 5 nhóm kiến nghị mà Bộ Nội vụ nêu ra tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, các đề án, nhóm công việc cần có sự phối hợp thực chất từ các đơn vị, bộ, ngành.

Đối với kiến nghị Chính phủ xem xét, cho chủ trương điều chuyển số viên chức đang đảm nhiệm vị trí việc làm công chức trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước thành công chức, hay chuyển số người đang thực hiện vị trí việc làm công chức trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước có cơ chế tài chính đặc thù chưa được giao biên chế công chức thành công chức, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ sự đồng tình. Bởi lẽ, trong bộ máy, nhiều người không là công chức nhưng đang làm việc của công chức và cần có chính sách phù hợp.

Qua cuộc làm việc với Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các đơn vị, bộ, ngành cần có sự chia sẻ trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, nếu đâu đó có sự “xung đột” trong quá trình phối hợp, Phó Thủ tướng sẵn sàng đứng ra làm “trọng tài” để công việc được thông suốt.

Cần 471.000 tỷ đồng thực hiện quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi

mCùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Bộ NN-PTNT, dự kiến tổng kinh phí thực hiện quy hoạch khoảng 471.000 tỷ đồng cho các giải pháp công trình lớn, liên tỉnh; khoảng 203.000 tỷ đồng cho 3 chương trình như cấp nước sạch nông thôn; cấp nước sinh hoạt, sản xuất trên các đảo đông dân cư; phát triển hệ thống hồ chứa nhỏ, phân tán để tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, tưới cây trồng cạn. Kinh phí dự kiến được huy động, bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác. Quá trình đầu tư được thực hiện theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2021-2025 tập trung đầu tư cho các giải pháp công trình lớn, dự kiến tổng số vốn đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng.

Góp ý vào nội dung này, một số nhà khoa học cho rằng, dự thảo quy hoạch cần có quan điểm, lộ trình rõ hơn đối với các vấn đề còn tồn tại hiện nay ở đồng bằng sông Hồng, miền Trung và ĐBSCL. Đơn cử, tại ĐBSCL cần lường trước các kịch bản cực đoan để tính toán sự cần thiết, quy mô nghiên cứu xây dựng và lộ trình đầu tư, đảm bảo hiệu quả các công trình kiểm soát, điều tiết nguồn nước có quy mô lớn do khu vực này đang đối diện với nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngọt ngày càng gay gắt trong mùa khô. Đại diện Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT đề nghị cần làm rõ thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án phù hợp với khả năng phân bổ, huy động vốn, nguồn vốn xã hội hóa.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ NN-PTNT tiếp thu tối đa ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện nhằm có quy hoạch chất lượng nhất. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến tính dự báo, tính định hướng; thứ tự ưu tiên theo nguyên tắc từng nội dung của quy hoạch phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện; trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Tin cùng chuyên mục