Ngôi trường cấp 3 của tôi là một ngôi trường xinh xắn ở một huyện vùng nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Có lẽ chính vì thế mà mọi người ở đây đều biết và hiểu nhau khá rõ. Sự xuất hiện của cô Phượng vào đầu năm học mới đã mau chóng thành đề tài cho những người vô công rỗi nghề tán gẫu.
Tôi đến trường trong nỗi hồi hộp, tò mò. Nhưng đến khi cô cất tiếng giảng bài thì tất cả những lời xì xào bình phẩm của bọn tôi đều rơi vào quên lãng. Bọn tôi bị cuốn vào cách giảng gợi mở và bắt buộc học trò phải chú ý cô. Có lẽ vì thế mà đến giờ văn của cô, chúng tôi đều sợ ánh mắt nghiêm khắc pha chút chút giễu cợt của cô mỗi khi lớp tôi có ai đó lười biếng không soạn bài, học bài. Quy ước của cô cũng thật lạ, khi giảng bài cô chỉ ghi những ý chính trên bảng, không đọc cho chép và buộc học sinh phải chú ý theo dõi, tự ghi vô vở theo khả năng nắm bắt của mình.
Đã vậy, cô còn không thích những ai nhắc lại giống hệt những lời cô giảng khi trả bài. Cô đòi hỏi học trò phải diễn đạt kiến thức của mình một cách sáng tạo… Cũng may, lớp chúng tôi được nhà trường sắp xếp toàn là học sinh khá nên dần dần cũng quen với cách giảng bài của cô, và lớp học đến giờ văn đã trở nên lý thú, sôi động. Đã có thêm những lời bình phẩm nhưng không còn chê trách nữa.
- Cô tưởng tụi mình thông minh như cô vậy… Cô dạy mà bắt mình chú ý tìm từ, tìm câu, tìm ý… góp phần vô bài giảng…
- Tụi bay có thấy cách giảng, cách nói chuyện đến cách đi, đứng của cô có cái gì đó… như một nghệ sĩ chớ không phải là một nhà giáo như bao thầy cô khác…
- Ờ… Cô khác với cô Phượng dạy hóa… Cô chủ nhiệm tụi mình là “Cô Phượng thành phố”… “Cô Phượng nghệ sĩ”…
Là cô giáo chủ nhiệm, còn trẻ, độc thân, xa gia đình nên cô đã dành nhiều thời gian quan tâm đến học sinh. Tôi là cán bộ lớp nên tháp tùng cùng cô thường xuyên đến thăm các gia đình các bạn cùng lớp. Có lần, bước qua cây cầu khỉ, tôi chạy tót qua bên kia mà cô còn run rẩy bò dò đến nửa nhịp cầu, mồ hôi đã tươm ra ướt trán. Còn lần tôi cùng cô tới nhà nhỏ Hà ở trên một cù lao phải đi bằng xuồng trên sông. Suốt chuyến đi, cô ít nói hẳn, mắt chăm chú nhìn cách bơi xuồng để bận về cô đề nghị:
- Cho cô bơi thử coi…
Và thế là cả bọn được trận cười tưởng vỡ bụng khi chiếc xuồng cứ xoay tròn, chẳng tiến lên được bao nhiêu. Bọn tôi thích chí khi làm “quân sư” cho cô tập bơi xuồng. Bọn tôi hân hoan khi có cô tháp tùng đi hái bông điên điển về xào tép làm nhân bánh xèo. Cô ăn ngon lành thứ bánh đồng quê này và chép miệng:
- Mới ăn thấy đắng, nhưng hậu ngọt và ngon quá…
Nước rút, mùa cá từ đồng đổ ra sông vì nước trong ruộng thúi, cô theo bọn tôi đi thăm lưới cá linh và tròn mắt khi thấy cá linh mắc đầy lưới. Mùa đông xuân, cô cũng theo bọn tôi thăm đồng, những cây cỏ non lẫn trong lúa cô không nhận ra, bọn tôi phải nhổ từng bụi cỏ, bụi lúa để phân tích cho cô thấy, so sánh sự khác nhau ở lá, sống lá và cả gốc rễ… Khi thu hoạch lúa, cô cũng vui vẻ đòi cắt thử, cũng bắt chước cầm lưỡi hái quơ, nắm y như bọn tôi, nhưng nắm lúa có chút xíu, rơi vãi tùm lum, để không bằng gốc và làm chậm rì. Cô không hiểu sao bọn tôi làm giỏi vậy, khom lưng cắt lúa suốt ngày trong khi cô chỉ làm chơi chút xíu đã mỏi. Đến khi cô thấy bọn tôi bắt những con chuột đồng sống trên ruộng, nhúng nước sôi, lột da khìa ăn với cơm thì cô le lưỡi… dù cô công nhận mùi thịt chuột khìa quá ư hấp dẫn. Cô bảo thấy miếng chuột khìa là cô lại nghĩ đến những con chuột cống ở những bãi rác, ống cống…
Như thế đó, cô giáo chủ nhiệm của bọn tôi thân tình, gần gũi như chị em nhưng cũng thật nghiêm khắc trong giờ dạy. Cô là người cho điểm “mắc” nhất, nhận được điểm 7 trong bài tập làm văn cô chấm đủ để tự hào. Cô sẵn sàng chỉnh ngay bạn nào quên không “thưa” đúng phép khi trả lời. Cô sửa từng cách ngồi, thái độ trả lời với thầy cô và nhất là rất nghiêm khắc với những lỗi chính tả trong bài làm… Cô sửa từng chữ, có ghi sổ tay đàng hoàng, ai mắc lỗi chính tả đó lần thứ hai đều bị cô trừ điểm… đủ để nhớ đời.
Những lúc vui chơi, cô kể về lớp học trò cỡ tuổi tụi tôi ở thành phố với những cua học thêm xoay vần suốt cả ngày. Những sinh hoạt văn hóa “cao cấp” như nhóm sáng tác, lớp nhạc, lớp đàn, lớp vẽ, lớp võ thuật… rồi tin học, kỹ thuật vô tuyến…
- Chuyện cô kể tưởng như nói dóc…
Thằng Sơn nói như phân bua:
- Cô về đây dạy chúng em chắc buồn chán lắm hả cô? Tụi em học dở mà… Tụi em đi học xong về nhà buông cặp sách ra là lo tiếp gia đình làm cỏ, xịt sâu, cắt cỏ bò ăn… đủ thứ chuyện… Được tới trường học là tụi em có phước lắm rồi… Ba cái vụ sáng tác, tối tác gì đó tụi em đâu có dám mong…
Cô cười thật hiền, giọng ngọt ngào thân tình:
- Không đâu… các em đừng mặc cảm tự ti… Ngược lại cô trân trọng sự cố gắng của các em, quý mến các em… Chuyện gì cô không biết chứ riêng chuyện học văn, nếu các em yêu thích văn học cô sẽ cố gắng giúp các em gần gũi với lĩnh vực này…
Thế là, ngoài những yêu cầu cần thiết cho một buổi sinh hoạt lớp cuối tuần, cô chủ nhiệm đã hướng dẫn bọn tôi viết nhật ký, làm sổ tay văn học và khuyến khích tụi tôi “tối tác” nên những câu thơ con… ếch. Cô tận tình góp ý từng câu thơ, từng cách dùng từ với bản lĩnh và uy tín của một người đã có nhiều tác phẩm đăng báo địa phương và trung ương, khiến chúng tôi ngày càng thán phục và kính yêu cô hơn.
Tất cả… tất cả đã thành quá khứ. Thời gian trôi đi thật nhanh, bọn tôi lớn khôn, tỏa ra khắp nơi, xa cô, xa mái trường thân quen đầy kỷ niệm. Mỗi lần cầm viết, viết đến những chữ ngày nào mình đã được cô sửa chữa vì sai chính tả là tôi nhớ cô da diết. Rải rác trên các mặt báo, tôi đã gặp những bài thơ, những truyện ngắn của bạn bè mình được đăng, những đứa ngày nào bị chọc quê là “nhà thơ lớp, là chòi văn…”. Nhưng hình như chưa có đứa nào có tác phẩm viết về cô như tôi từng mong ước… Tôi thử liều mạng “mần thơ - viết văn” với những rung động chân thật hướng về cô và bao kỷ niệm ngọt ngào, chắc bạn đọc không nỡ trách.
Bây giờ, quê tôi lại vào mùa nước nổi. Dòng sông đỏ nặng phù sa. Ven bờ sông những cây điên điển đang trổ bông vàng rực, những trái cà na chín mọng chua chua, ngọt ngọt và những đàn cá đồng sinh sôi nảy nở… Ở nơi xa đó, nếu cô đọc được những dòng chữ này chắc cô sẽ nhớ những sắc màu của một vùng quê, nơi cô đã đến và ươm trồng những hạt giống cho đời. Cô cũng sẽ nhận ra đứa học trò ngày xưa chính là tác giả của bài viết này cho dù tôi ký bằng bất cứ bút danh xa lạ nào…
Hoàng Mai Quyên
(GV Trường THPT Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên, An Giang)