
Theo số liệu của Sở Giao thông - Công chính TPHCM các quận nội thành có 109 công viên, với tổng diện tích 235ha. Tuy nhiên, có một thực tế là có công viên nhưng hoàn toàn thiếu chỗ chơi cho trẻ em - ngoại trừ những công viên mà khi vào, trẻ em phải tốn tiền
Sân chơi cho trẻ em đang bị lấn chiếm

Hàng rào công viên Phú Lâm quận 6 phía đường Lê Tuấn Mậu khá nhếch nhác.
Ở TPHCM, loại công viên vào chơi không mất tiền này chỉ đếm trên đầu ngón tay: công viên Tao Đàn, công viên Lê Văn Tám (quận 1), công viên Gia Định (quận Phú Nhuận), công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), công viên Phú Lâm (quận 6),…
Các công viên này mới được tháo dỡ hàng rào, cải tạo lại để người dân thành phố tự do ra vào vui chơi từ vài năm gần đây. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn không ít công viên kinh doanh mà người vào cửa phải tốn tiền mua vé, vào cửa rồi, chơi trò chơi nào lại phải mua thêm vé nữa.
Khu vực Bàu Cát rộng lớn chỉ có công viên Bàu Cát nằm trên địa bàn phường 14 quận Tân Bình. Tuy nhiên, do thiếu sự quan tâm giám sát của chính quyền địa phương nên khu công viên này bị chợ Bàu Cát lấn một phần; diện tích còn lại bị trưng dụng xây dựng 2 sân tennis để kinh doanh, nhà tập thể hình và một góc dành kinh doanh các trò chơi trẻ em.
Ở công viên Phú Lâm (phường 13 quận 6) sau khi buộc phải ngưng cho thuê mặt bằng kinh doanh, tháo dỡ hàng rào để người dân tự do ra vào vui chơi, lãnh đạo công viên cho tháo dỡ hàng rào bê tông phía đường Lê Tuấn Mậu, thay vào đó là… hàng rào bằng lưới B40. Nhiều người dân có nhà gần công viên đã phải than trời vì một số người thiếu ý thức biến nơi đây thành nhà vệ sinh, bãi rác công cộng. Tại quận 6, có đến phân nửa diện tích công viên Bình Phú bị trưng dụng cho thuê kinh doanh: làng nướng, nhà hàng, quán bar... khiến trẻ em địa phương không còn sân nào để vui chơi.
Trẻ em ở khu dân cư mới: chơi dưới lòng đường!
Khu dân cư An Lạc thuộc phường Tân Tạo quận Bình Tân rộng hàng chục hécta, với dân số hàng chục ngàn người nhưng không có một sân chơi nào cho trẻ em. Toàn bộ khu dân cư đều là nhà phố san sát. Do vậy, trẻ em ở khu dân cư mới này đã biến lòng đường trở thành điểm vui chơi, sinh hoạt tập thể bất chấp nguy hiểm… Số khác do thiếu sân chơi nên rủ nhau vào các dịch vụ trò chơi điện tử, hay ở nhà xem phim suốt những ngày cuối tuần.
Người dân cho biết khu đất có diện tích 1ha tại góc đường 54-đường số 7 khu phố 9 phường Tân Tạo quận Bình Tân được quy hoạch là khu công viên cây xanh nhưng từ nhiều năm qua, tại đây mọc lên hàng quán cà phê, xưởng sản xuất cừ bê tông, ống cống... Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh vẫn chưa trả lời bao giờ trả lại mặt bằng, xây dựng công viên để trẻ em có thể ra vui chơi.
Chung cư phường 3 quận 4 cũng mới được xây dựng không lâu; một khoảnh đất trống nằm giữa hai lô B1 và B3 lẽ ra được xây dựng thành thảm cỏ, trồng cây để tạo mảng xanh cho các lô chung cư cao tầng với hàng trăm hộ dân sinh sống, nhưng rất tiếc khi người dân về ở, khu đất trống này lập tức mọc lên dãy ki-ốt buôn bán đủ loại hàng. Nhìn từ xa, các lô chung cư ở đây mọc lên lố nhố trông như đám “rừng bê tông” nằm chen chúc đến ngột ngạt.
Tại cư xá Bộ Công an ở khu phố 4 phường Bình An quận 2, khi xây dựng 5 lốc chung cư thì chỉ còn khoảnh đất trống có diện tích khoảng 150m2 là sân chơi cho trẻ em và là nơi họp tổ dân phố. Thế nhưng khu đất này mới đây lại bị phân lô 3 nền nhà với mỗi nền 50m2!
TRẦN THANH
Ông Nguyễn Trọng Hòa-Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc bức xúc: “Thực trạng tại các dự án khu dân cư mới triển khai xây dựng, đất công trình công cộng phục vụ cho trẻ em vui chơi, sinh hoạt, công viên cây xanh bị xâm phạm nghiêm trọng, bị cắt xén để phân lô bán nền nhà và thậm chí biến mất trong bản đồ quy hoạch là do công tác hậu kiểm của chính quyền địa phương về thực hiện quy hoạch của chủ đầu tư còn quá kém, nếu không muốn nói là bỏ ngỏ cho chủ đầu tư làm gì thì làm”. Ông Hòa cho biết hiện nay có nhiều dự án xin chỉnh sửa quy hoạch, cắt giảm diện tích, băm nhỏ diện tích công trình công cộng, đã làm mất cân đối công trình công cộng, phúc lợi ở những khu dân cư mới. |