(SGGPO).- Ngày 29-3, ông Lương Quốc Bảo, một trong 4 cổ đông góp vốn xây dựng Trường Mẫu giáo – Tiểu học Thanh Nguyên (Công ty TNHH Thanh Nguyên, phường Xuân An, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cùng một số cá nhân khác, đã phản ánh tới các cơ quan báo chí việc chủ ngôi trường này là bà Đoàn Thị Dung đã tự ý đứng ra vay tiền của nhiều cá nhân khác mà không thông qua Hội đồng quản trị, dẫn đến công ty bị phá sản, gây thiệt hại nặng nề cho các cổ đông và nhiều cá nhân khác.
Cổ đông bức xúc
Theo trình bày của ông Bảo, Công ty TNHH Thanh Nguyên (Công ty Thanh Nguyên) thành lập gồm 4 cổ đông, vốn điều lệ 40 tỷ đồng. Trong đó, bà Đoàn Thị Dung là người đại diện theo pháp luật của công ty góp vốn 15 tỷ đồng (37%), ông Trương Minh Hiếu góp 5 tỷ đồng (12,5%), ông Nguyễn Đức Quang góp 8 tỷ đồng (20%) và ông Lương Quốc Bảo góp 12 tỷ đồng (30%).
Ông Lương Quốc Bảo (bên phải) cung cấp thông tin cho báo chí
Ngày 10-10-2014, TAND tỉnh Bình Thuận có bản án phúc thẩm buộc Công ty TNHH Thanh Nguyên (chủ sở hữu Trường Thanh Nguyên) phải trả nợ cho ông Nguyễn Đức Quang (cũng là thành viên của công ty, ngụ TP HCM) hơn 117,6 tỷ đồng. Cùng với số tiền của ông Quang, đến nay, tổng số tiền mà Công ty Thanh Nguyên nợ của tổ chức, cá nhân là hơn 177 tỷ đồng. Sau 1 năm, công ty không trả cho ông Quang, ngày 2-11-2015, ông Quang có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty Thanh Nguyên. Sau khi triển khai các thủ tục, trình tự theo quy định, TAND TP Phan Thiết đã ban hành quyết định số 01 tuyên bố phá sản đối vối Công ty Thanh Nguyên. Cũng từ quyết định này, ngày 23-3, khi quản tài viên đến Trường Thanh Nguyên thực hiện việc niêm yết tài sản thì xảy ra vụ xô xát khiến dư luận hoang mang.
Ông Lương Quốc Bảo bức xúc: “Bà Dung đứng ra vay số tiền quá lớn (quá 50% số vốn điều lệ) của ông Quang và một số tổ chức, cá nhân nhưng không hề thông qua các thành viên của công ty là điều không thể chấp nhận được. Đúng ra, khi TAND TP Phan Thiết ban hành quyết định phá sản Công ty Thanh Nguyên thì phải xem xét rõ bà Dung vay tiền hay là Công ty Thanh Nguyên vay tiền. Do không thông qua hội đồng thành viên của công ty, nên chuyện vay tiền của bà Dung là do cá nhân bà này tự đứng ra làm, sao lại buộc cả Công ty Thanh Nguyên phải chịu?”.
Không chỉ vậy, ông Bảo phân tích, việc Công ty Thanh Nguyên bị tuyên bố phá sản đã khiến toàn bộ số tiền của những thành viên đã góp cổ phần vào công ty sẽ bị mất trắng. “Bà Dung vay nợ 177 tỷ đồng nhưng chỉ đầu tư vào trường khoảng 30 tỷ đồng, vậy số tiền còn lại đi đâu, bà Dung dùng vào việc gì? Trong khi đó, ở thời điểm công ty bị phá sản, Trường Thanh Nguyên đang hoạt động rất tốt, doanh thu khá, lợi nhuận trường thu được bà Dung không đưa đi trả nợ thì tiền đi đâu hết?” – ông Bảo cho biết.
Do vậy, ông Bảo đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc và yêu cầu Tòa án cấp cao cần xem xét lại các bản án phúc thẩm của TAND TP Phan Thiết để làm rõ việc bà Dung vay tiền với tư cách cá nhân hay với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Công ty TNHH Thanh Nguyên. “Bà Dung tự ý vay tiền rồi bắt toàn bộ thành viên của công ty chịu thay, như vậy là không đúng với quy định của pháp luật. Tâm huyết chúng tôi dành vào ngôi trường này giờ bỗng nhiên bị mất trắng, chúng tôi không cam lòng!” – ông Bảo buồn bã cho biết.
Lộ diện nhiều chủ nợ khác
Ngoài những bức xúc của thành viên trong công ty, cùng ngày, chúng tôi còn nhận được phản ánh của nhiều người dân đến từ TPHCM, Bình Thuận tố cáo việc bà Dung và ông Quang vay của họ số tiền hàng chục tỷ đồng đến nay vẫn chưa chịu trả. Những cá nhân này hiện đã cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh cho các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận để vào cuộc làm rõ.
Bà Phạm Thị Đức (ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) trình bày: “Khi biết ông Quang và bà Dung đang đầu tư trường học, tôi đã cầm cố 4 căn nhà ở tỉnh Bình Thuận vay ngân hàng 9,1 tỷ đồng để đưa cho ông Quang và bà Dung mượn. Đến giờ họ vẫn không trả, ngân hàng đã xiết cả 4 căn nhà của tôi, giờ tôi phải đi tá túc nhà người quen”.
Bà Phạm Thị Đức bật khóc khi một lúc mất 4 căn nhà
Cùng hoàn cảnh, bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng (ngụ huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) nước mắt lưng tròng cho biết: “ Chồng tôi và chồng bà Dung là chỗ quen biết thân tình nên chúng tôi đã cho cặp vợ chồng này mượn 2 sổ đỏ. Sau đó không hiểu vì sao hợp đồng cho mượn sổ bị “biến” thành hợp đồng bán nhà. Giờ chúng tôi sắp mất nhà, còn vợ chồng bà Dung thì không thấy động thái trả lại sổ đỏ cho chúng tôi”.
Còn chị Trương Tuyết Mai (ngụ TPHCM) bức xúc: “Năm 2007, tôi đi vay của 4 người được gần 4 tỷ đồng (của bà Mai 3 tỷ đồng) đưa cho bà Dung mượn. Đến nay đã 10 năm, bà Dung lâu lâu chỉ gửi 5 – 10 triệu đồng/lần cho tôi trả nợ. Với kiểu trả này thì không biết bao giờ mới trả hết nợ cho chúng tôi. Hiện tại, tôi đang phải gồng mình đi trả lãi cho những người mà tôi vay tiền dùm”.
Ngoài những trường hợp kể trên, theo TAND TP Phan Thiết, trong tháng 4-2016, đơn vị còn nhận đơn của 10 cá nhân khác yêu cầu Công ty Thanh Nguyên trả nợ hơn 330 tỷ đồng.
Nguyễn Tiến
>> Bình Thuận: Làm rõ vụ nhân viên bảo vệ còng tay, chĩa súng trong sân trường
>> Kiến nghị tạm dừng quyết định phá sản đối với Trường Thanh Nguyên