Khu chung cư là một tổ hợp các đơn nguyên ghép lại. Nơi này là khu ở của những người có mức thu nhập trung bình. Khu kia dành cho nhà coi trẻ, lớp tiểu học; có cả khu dành cho người già, tàn tật hoặc vì lý do nào đó mà con cái bỏ rơi.
Sáng, khi mặt trời vãi nắng trên thảm cỏ xanh, Thế cũng đưa cháu đi học. Hai đứa cháu ngoại của anh đang gửi ở một nhà trẻ chỉ cách nơi ở chừng vài trăm mét.
Một chiều nọ, trên đường đón cháu về, Thế dừng lại mua trái cây. Anh bất chợt gặp một khuôn mặt quen quen. Đó là một người đàn ông chừng trên 60 tuổi, tóc để dài. Hàng ria mép lâu ngày chưa cạo lốm đốm bạc. Chắc đôi chân có vấn đề nên ông ta phải đi bằng xe lăn. Một cô gái da đen, tóc xoăn, chừng trên dưới 30 tuổi đẩy xe. Thế nghĩ đó là người giúp việc.
Trong cộng đồng cư dân này, điểm đáng chú ý là khu dành cho người già và người tàn tật. Hằng ngày, Thế vẫn thấy người già được đưa đến nhà gửi như trẻ thơ. Tối đến con cháu lại đến đón về. Lại có khu dưỡng lão nơi mà mỗi cụ có một người giúp việc riêng. Sáng chiều vẫn thấy đẩy xe ra bờ sông hoặc công viên để các cụ hóng gió.
Mua trái cây xong, Thế cố tình đẩy xe lướt qua người đàn ông mà anh đang chú ý. Khi nhìn vào mắt và đặc biệt thấy vết sẹo vắt ngang cằm ông ta, Thế nghĩ đến Yên. Có phải Yên đấy không? Thế lướt qua vài vòng rồi dừng lại quan sát thêm một lần nữa mới quyết định cất tiếng:
- Có phải ông là...?
Người đàn ông ngước nhìn với vẻ ngỡ ngàng. Cũng nhờ vậy Thế nhận ra ánh mắt ông ta. Ánh mắt này thì làm sao quên được. Chưa để người đàn ông trả lời, Thế hỏi tiếp:
- Có phải Yên - Nguyễn Yên?
Bây giờ thì người đàn ông không né được nữa. Giọng ông ta khàn khàn:
- Ông là ai?
Đúng là Yên rồi. Giọng Thế xúc động:
- Làm sao ông lại ở đây? Con cháu đâu cả rồi?
Vẫn giọng khàn đục ông trả lời:
- Chuyện dài lắm. Con ông ở khu này à. Nếu rảnh, tối nay mời ông ra quán này (Yên chỉ quán bia cạnh đó).
Nhận lời Yên, Thế đưa hai cháu về. Bố mẹ cháu đi làm về muộn. Công việc của anh là đón cháu trao cho cô giúp việc tắm rửa cho ăn uống. Trên đường trở về nhà, đầu óc Thế cứ lúc ẩn lúc hiện với những câu chuyện liên quan đến Yên. Đúng là trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Và, trái đất này tròn nên đi đâu rồi cũng có thể gặp nhau. Thế nhớ lại, cách nay có lẽ đã gần 40 năm, khi cuộc chiến biên giới Tây Nam vừa xảy ra, Thế và Yên cùng một đơn vị. Đáng lẽ cuộc chiến với Mỹ chấm dứt các anh được giải ngũ về quê tiếp tục công việc dở dang trước khi nhập ngũ. Nhưng Pôn Pốt trở mặt nên cấp trên giữ các anh lại. Chính trị viên tiểu đoàn bảo, lính cựu ở lại yểm trợ thêm một trận làm “mẫu” nữa rồi bàn giao cho lính mới.
Nhưng, trớ trêu thay, đánh mấy trận “mẫu”, đồng đội hi sinh quá nhiều mà các anh không có dịp trở về. Một lần, Thế và Yên được phân công dẫn đội công tác xuống truy kích tàn quân ở phum Thơ Mây. Thủ trưởng Trung đoàn quán triệt “không được lấy cái kim sợi chỉ của dân”. Đặc biệt với phụ nữ nước bạn phải xử sự đúng mức. Yên làm đội trưởng còn Thế làm đội phó. Đội phó thì phải lo hậu cần. Tiêu chuẩn của bộ đội chỉ có mì, bo bo và cá khô, bí đỏ. Trong khi gà lợn của dân thả đầy vườn. Gạo lúa mới xứ biển hồ vừa thơm vừa dẻo...
Tối nọ đi tuần về , Yên bảo: - Đói quá, anh em không đủ sức hành quân , ông xem thế nào? Thế nói, kỷ luật dân vận lúc này nghiêm lắm. Ta xin chắc dân sẽ cho nhưng vi phạm quy định.
Lấy quân trang, nhu yếu phẩm đổi gà, gạo thì không nên... Yên có vẻ không hài lòng:
- Ông cứ làm đi. Có gì tôi chịu trách nhiệm hết...
Mấy anh em trong đơn vị thấy đội trưởng nói thế thì hùa vào:
- Sức khỏe là số 1. Có khỏe ta mới giúp bạn được chứ. Cứ làm theo ý đội trưởng.
Và, thế là mọi người bàn cách tìm ra gạo, gà, thịt... để cải thiện. Có người còn kiến nghị trên đường tuần tra bắt gà, heo của dân ở phum khác. Đợt công tác dài ngày, xa Trung đoàn ấy với cách chỉ đạo của Yên, đơn vị luôn có bữa ăn “tươi”. Có thịt có rượu. Nhiều bữa quá chén xảy ra xô xát. Một bữa khi uống thậm say, Yên chỉ mặt Thế:
- Mày là thằng hèn. Không biết lo cho anh em. Tao chẳng sợ bố con thằng nào cả. Ở đây Đảng là tao, chính quyền là tao. Rồi buột miệng, Yên nói:
- Tao là trẫm. Trẫm nói thì các khanh phải nghe.
Và, đúng là Yên thành trẫm thật. Anh ta bật đèn xanh cho lính tha hồ làm gì thì làm. Có bữa còn đón đầu cánh dân buôn hàng yếu phẩm từ Thái Lan, nói họ là “địch” để trấn lột, tàn sát. Anh ta sống như đế vương. Ăn chơi sa đọa. Công khai cặp với mấy cô gái bản địa ngoài chợ. Đến nỗi các cô còn đánh ghen trước mọi người. Chuyện bê bối tày trời đến tai cấp trên. Một đoàn kiểm tra bất ngờ đến. Yên bị đình chỉ công tác rút về cơ quan chờ xử lý. Trước khi rời khỏi đơn vị, Yên gặp Thế, giọng hằn học:
- Chắc là mày. Chính mày tố cáo tao chứ không ai cả. Rồi mày sẽ biết tay tao!
Thế được giao thay Yên chỉ huy đội công tác. Anh không có cơ hội thanh minh. Thế biết anh có nói Yên cũng chẳng tin. Nhìn ánh mắt như chảo lửa của Yên và vết sẹo dưới cằm Yên giật giật, Thế biết Yên căm thù anh lắm...
Trái tim Thế nhói đau mỗi khi nghĩ lại chuyện ấy. Mặt trận mỗi lúc một phức tạp. Đơn vị Thế được điều đi nơi khác, sáp nhập vào đơn vị trinh sát luồn sâu vào hậu cứ của bọn tàn quân. Thời gian trôi qua, Thế được bổ nhiệm làm đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng rồi trung đoàn phó. Lâu lâu gặp người quen, Thế vẫn hỏi thăm Yên. Được biết, sau khi thi hành kỷ luật, Yên bị giải ngũ về nước. Tính tình không thay đổi. Yên móc nối mở đường dây buôn thuốc Tây từ Campuchia về Việt Nam. Nhờ biết tiếng Khmer, lại có mối quen biết với dân buôn bán ở chợ sát biên giới, Yên làm ăn ngày càng phát đạt. Anh ta thực sự như một ông trời con trên thương trường. Sau này Thế nghe tin Yên dính vào một phi vụ buôn lậu hàng quốc cấm. Anh ta mua chuộc số anh em vận chuyển hàng sĩ từ Campuchia về Việt Nam để chuyển hàng lậu. Trên đường đào tẩu, nghe nói Yên còn dính vào một án mạng...
Thế tiếc cho một người năng động, xông xáo như Yên nhưng thiếu rèn luyện, “tự tin” quá mức vào bản thân, nên dẫn đến hệ luỵ, nông nỗi này...
Đúng giờ, Thế ra quán bia cạnh công viên. Buổi chiều ở Singapore người ta không ăn uống tấp nập, phủ phê như ở Việt Nam. Dường như Yên đã đợi Thế từ lâu. Yên vẫn ngồi xe lăn. Cô giúp việc ngồi trên ghế đá gần đó.
- Trái đất tròn. Cuối cùng ta lại gặp nhau ở đảo quốc này - Thế mở đầu câu chuyện.
Yên đặt trước mặt Thế chai bia Tiger lạnh và đĩa lạc rang đóng gói.
- Kể cho mình nghe. Làm sao ông lại có mặt ở đây? - Vẫn là giọng Thế.
Yên cụng ly với Thế rồi hớp một hơi hết ly bia như chưa bao giờ được uống:
- Cái giá phải trả thôi, ông bạn ạ. Tôi làm tôi chịu trách nhiệm. Chẳng trách trời trách đất gì...
Giọng Yên chùng hẳn:
- Đồng đội ra đồng đội, chia máu cho nhau. Còn bạn làm ăn ra bạn làm ăn, lấy máu của nhau để sống. Đợt ấy, tôi nghĩ bụng làm thêm chuyến nữa lấy vốn giắt lưng rồi giải nghệ. Có ai ngờ…
Yên kể, ngày ấy Yên tổ chức đường dây buôn lậu qua biên giới. Chủ yếu thuốc Tây, thuốc lá, vải và các mặt hàng cao cấp khác. Một ngày, có mối rủ rê, Yên tìm cách móc nối với mấy lái xe chở sỉ để mang hàng quốc cấm từ biên giới Thái Lan về Sài Gòn. Bên cạnh những “hộp hàng đặc biệt” chở thi thể, hài cốt liệt sĩ, có cả hộp đựng hàng quốc cấm. Trót lọt một chuyến. Thắng to. Đến chuyến thứ 2 thì bị lộ. Yên nổ súng thoát thân…
Yên lang thang trong rừng Campuchia cả tháng rồi lẫn vào đám phu rừng, theo đường tiểu ngạch về nước. Yên rút hết tiền ngân hàng; thu xếp cho vợ con trốn ra nước ngoài. Còn anh ta lại theo đường tiểu ngạch qua Campuchia...
Mười mấy năm phiêu bạt ở nước ngoài hết ở Phnom Penh, Bangkor, cuối cùng Yên đến Singapore đoàn tụ cùng vợ con. Cái giá phải trả, xa chồng lâu ngày, vợ Yên theo một người đàn ông gốc Ấn Độ. Hai cô con gái khá xinh xắn, lớn lên làm vũ nữ trong một nhà hàng sang trọng ở đảo quốc này. Khi gặp lại thấy gia đình tan nát, Yên uống rượu suốt ngày đêm. Tính nào tật ấy, Yên sống ngang tàng. Vào một đêm say khướt nằm lề đường, chiếc xe chở rác đã lấy đi của anh hai chân.
Người ta đưa Yên vào bệnh viện. Vài ngày sau hai cô con gái đến. Dường như để làm tròn bổn phận, họ ký hợp đồng gửi Yên tại bệnh viện. Khi vết thương lành, con gái lại gửi Yên vào nhà dưỡng lão này...
Nghe Yên kể về cuộc đời mình, Thế vừa giận vừa thương. Cuộc đời mỗi con người, ai bảo cũng có số. Nhưng số má như thế nào phần lớn cũng do chính con người tạo ra cả. Không có ông trời nào bắt buộc. Lại nữa, con người có thể trốn tránh được tòa án pháp luật nhưng không thể nào trốn được tòa án lương tâm. Giá phải trả là điều không thể!
Yên uống mấy chai bia nữa. Giọng anh lè nhè. Càng vậy càng thấy tính ngang tàng cố hữu trong Yên khó bề thay đổi.
- Tôi tự chịu trách nhiệm đời mình. Tôi không oán trách ai hết. Cả ông nữa, ngày ấy tôi nghi oan cho ông báo cáo cấp trên. Mà lúc đó ông có báo cáo cũng chẳng sai. Tại tôi, tại tôi cả.
Rồi bỗng nhiên, Yên ôm mặt khóc. Tiếng khóc của anh cũng khàn khàn như giọng nói. Vết sẹo ngang cằm Yên di chứng một trận “tao ngộ” với thanh niên địa phương nơi đóng quân giần giật. Cô gái giúp việc thấy thế chạy đến. Cô nói với Yên điều gì bằng tiếng Anh, giọng thật ngọt ngào. Yên càng khóc to. Như là trên đời này chỉ có cô gái da đen, tóc xoăn kia mới hiểu và chia sẻ nỗi lòng của anh.