Có gì mai tính

Hai năm, bố hết bệnh viện nọ đến bệnh viện kia từ huyện lên tỉnh với những lần hóa trị, xạ trị rạc người cùng với những cáu kỉnh, bẳn gắt…
Minh họa: A.DŨNG
Minh họa: A.DŨNG

Rồi bố được về nhà và đi sau đó ba ngày, bỏ lại hai mẹ con Hoài chơ vơ với khoản nợ khổng lồ, căn nhà hai gian một buồng cũng đã là của người khác. Trước khi đi, bố còn nức nở: “Tôi đã làm khổ mình và con, đến phút cuối còn để hai mẹ con ngập trong nợ nần”.

Bố mất, mẹ như người mất hồn một thời gian dài. Sau này Hoài mới hiểu, là mẹ chống chếnh và hoảng sợ vì không biết sẽ sống sao với cô con gái là Hoài và khoản nợ e rằng cả đời này cũng không trả hết, nên mẹ tự giam mình, cứ lửng lơ, thà u u mê mê chứ không muốn tỉnh táo.

Những ngày ấy, Hoài phải sống thay mẹ, tự hái rau nấu cơm, giặt giũ, quét dọn. Cơm không nhão thì sống, có hôm Hoài phải mặc quần áo còn ẩm đi học. Và bác Liên đã lôi Hoài về nhà, nói con gái mười một mười hai rồi mà nấu nồi cơm cũng không ra hồn. Thằng bố mày đoảng mà con mẹ mày lại chiều.

Bác Liên là chị gái của bố. Khi bác được mười bốn tuổi ông bà mới có bố. Thật ra thì trên bố có hai người nữa nhưng mất sớm, nên khi bố chào đời, ông bà đã rất vui mừng, chăm chút nâng niu cậu con trai còn hơn báu vật. Bố lại là đích tôn, trưởng họ tương lai. Trong nhà có gì đẹp, có gì ngon đều dành cho bố. Bác Liên bị bỏ rơi ngay chính trong nhà mình khi luôn được nhắc nhở “làm chị phải nhường em” với lại “em còn bé, biết gì”.

Bố mặc nhiên đón nhận sự cưng chiều đến dung túng của ông bà nội, bé tí mà bố đã biết chối tội và đổ lỗi, và người bị buộc tội nào phải ai khác, là bác Liên. Bố làm vỡ cái độc bình quý của ông nội, bố nói do bác Liên đuổi theo con mèo; bị ngã chảy máu đầu gối, bố nói do bác Liên chơi nhảy lò cò mà không chịu dọn mấy mảnh sành nên bố ngã phải...

Ngày bé, bác Liên phải chịu tội và ăn bao nhiêu trận đòn vì bố, cộng thêm cách biệt tuổi tác nên bác Liên với bố không mấy thân thiết. Là con gái nhưng bác đi học rồi quay về xã làm trong khi bố học hết phổ thông, không vào được trường nào nhưng bảo đi học nghề thì nghề này chê bẩn nghề kia kêu vất vả, suốt ngày chỉ loanh quanh trong làng và tụ tập với những kẻ rảnh rỗi.

Thuyết phục mãi, bố cũng chịu đi làm, mới được non tháng đã bỏ việc về nhà vì “bị bọn nó sai bảo ngứa tai!”. Ông bà khi ấy chặc lưỡi, làm gì cũng phải có hứng thú mới làm, thôi thì để em nó ở nhà.

Lông bông, không nghề ngỗng lại bất tài nhưng mấy thú ăn chơi bố lại rành sáu câu. Bài bạc bố điêu luyện, rượu chè cũng có số má trong làng. Tiền thì bòn của ông bà nội, túng thì sang nhà bác Liên vay. Nói là vay nhưng có bao giờ trả, bác Liên đòi bố còn bảo: “Tôi có làm gì đâu mà có tiền trả chị?”.

Bác Liên đòi nợ không được, còn bị ông bà nội mắng vì tội “biết em nó thế còn cho vay” và “chị em có mấy đồng bạc cũng đòi” nên quyết không cho vay nữa. Bố tuyên bố cạch mặt bác, khỏi chị em gì nữa.

Câu ấy, bố tuyên bố không ít hơn chục lần, là nói cho vui miệng thôi, hôm sau lại sang đòi vay tiền với đủ lý do. Đến nỗi khi phát hiện mình bị ung thư, bố giấu hai mẹ con Hoài, sang nhà bác Liên vay tiền, bác còn nghĩ là bố mới tìm được lý do để mượn tiền nên không cho.

Khi bố bị bệnh, ông bà nội đã mất từ lâu. Đến khi bạn bè chiến hữu quay lưng hết, bố mới nói bệnh mình cho mẹ và cấm mẹ không được sang mượn tiền bác Liên. Bố nói lúc này mới biết tình người ấm lạnh, máu đào còn thua nước lã.

Bố đi viện, nay viện tỉnh mai viện huyện, mẹ chạy khắp làng vay mượn nhưng biết vay ai, đành đến nhà bác Liên. Vay mãi cũng không phải là cách, người ta cứ động viên còn nước còn tát nhưng có hiểu nỗi lòng của người tát nước. Nước còn đó nhưng tay trắng thì tát bằng gì.

Rồi đến lượt cái nhà cũng đội nón ra đi. Bố nghe tin, chỉ thở dài, cũng thôi oán người trách đời mà chỉ nằm im. Hẳn suốt năm mươi năm cuộc đời, lúc này là bố sống chậm nhất, nhìn rõ nhất và thấm thía nhất. Bố dặn mẹ, nhớ cho con Hoài học hành đàng hoàng, nó mà hư hỗn thì nghiêm trị, có thể dùng đòn roi cũng được, đừng dung túng kẻo hại một đời nó.

Có lẽ, khi nói câu này, bố nhớ về ông bà, về cái danh đích tôn, trưởng họ của mình. Giá mà bố nhận ra từ cách nay mười, mười lăm năm thì mọi chuyện đã khác, rất khác. Giá ngày ấy nhận đòn roi thì bố có lờn mặt hư thân để đến ngày hôm nay không. Bố rơm rớm nước mắt: “Đời tôi may gặp được mình và có được con Hoài, thôi cũng coi như tôi trả nợ đời”.

Sau lễ trăm ngày của bố, mẹ nói Hoài thu dọn đồ đạc để trả nhà cho người ta. Ngôi nhà này đã không còn là nhà của mẹ con Hoài nữa. Bố đi, ngôi nhà và nhiều thứ khác cũng đi theo. Mẹ chỉ còn cái xe đạp cũ, dù cũ nhưng còn tốt, đi êm, không phát ra tiếng kêu.

Hoài không biết ai là người mua nhà mình, mẹ nói lát nữa người ta đến, hỏi Hoài muốn biết làm gì. Hoài nhìn ra đám rau phía ngoài sân giếng, Hoài thích cái vườn bé tí ấy lắm, Hoài đã trồng bao nhiêu rau quả ở đó. Ở giữa bức tường nhà hàng xóm và thành giếng, có một đám rêu đang trổ hoa. Hoa rêu xanh non nên chưa thể hái chơi chọi gà, Hoài ước gì giá người chủ nhà đến chậm ít ngày, cho hoa rêu kịp già. Mẹ cáu:

- Lo thân chưa xong còn đi lo rêu với rau.

Hoài rơm rớm nước mắt. Hoài biết mẹ đang rối bời, nhưng Hoài biết lo gì. Mẹ nói Hoài thu dọn thì Hoài cũng thu dọn đó thôi, có dám nói gì đâu. Hoài ước mình có thể lớn hơn một chút, có thể đi làm đỡ mẹ trả nợ.

Bác Liên phóng thẳng xe máy vào sân. Không hiểu sao Hoài không ghét bác Liên được, không phải vì bác Liên vẫn thi thoảng dúi cho Hoài ít đồng hay cái bánh, quả cam, thấy Hoài đi ngang nhà thì gọi vào bảo ăn cơm, cho quà.

- Mẹ con mày định đi đâu?

- Em định đưa con bé về ngoại ít ngày, rồi mẹ con em lên thành phố kiếm việc.

- Không phải đi đâu hết, cứ ở đây đi. Chăm chỉ làm ăn thì chẳng đói được.

Bác Liên đưa cho mẹ tờ giấy và Hoài thấy mẹ tấm tức khóc, tiếng khóc của mẹ như bị đè nén, như uất ức, như tủi thân và rồi nó ùa ra như thác. Trong lúc ấy, bác Liên chỉ ngồi phe phẩy cái quạt, mắt nhìn lơ vơ suốt căn nhà trống.

E chừng nước mắt trôi bớt đau buồn, mẹ dừng khóc, nắm tay bác Liên:

- Nợ của bác không biết khi nào em mới trả được, giờ lại thêm căn nhà nữa. Mẹ con em đội ơn bác, nếu không có bác thì…

Bác Liên như sực nhớ, ra xe lấy cái túi nhỏ, đưa cho Hoài gói bánh và mấy phong kẹo.

- Thắp hương mời bố mày đi. Ngày bé bố mày thích bánh này lắm, có lần ăn trộm tiền của bà đi mua, bà về kêu mất tiền rồi cứ tao mà đánh. Tao quen ăn đòn thay bố mày rồi.

Bác Liên vạch áo, vạch ống quần khoe những cái sẹo dài, là những trận đòn bác nhận thay bố. Hoài tò mò:

- Sao bác không nói cho ông bà biết?

- Tao cũng nói đấy, ông nọc thằng bố mày ra cho một trận nát mông, thằng bố mày không có kinh nghiệm ăn đòn nên cứ nằm im thít chờ roi rơi xuống và ngoác mồm ra khóc. Sau đó, bà cũng khóc theo, nói ông định đánh chết con tôi à. Thế là hai ông bà cãi nhau, đồ đạc rơi vỡ, rồi quát mắng rồi khóc lóc, tao nghe phát mệt, thôi thì tao chịu mấy roi rồi yên nhà êm cửa cho xong. Nói gì thì nói, máu mủ ruột rà thì làm sao mà bỏ được nhau.

Bác Liên ngồi thừ người, Hoài nhìn bác và thấy không quen. Hoài đã quen với bác chao chát, bẳn gắt luôn chân luôn tay chứ không phải sụp người im lìm thế này. Ngay khi bác dúi cái bánh cho Hoài, bác cũng đe:

- Bánh nhân đậu xanh rời đấy, cắn khéo kẻo rơi hết ra. Mày ăn phần mày đi, trong túi kia thì cầm về!

Trời sụp tối rất nhanh, Hoài thấy đói bụng mà mẹ vẫn ngồi dựa vào cửa ngơ ngẩn, bác Liên thì ngả đầu vào cái cột nhà. Họ chẳng nói gì với nhau, cứ im lìm thế. Đột nhiên có tiếng gà quác lên ở đầu xóm, bác Liên choàng dậy, bác nhìn hai mẹ con Hoài cùng cái nhíu mày, và Hoài lại nghe giọng bác bẳn gắt:

- Tối rồi, mẹ con mày sang bác mà ăn cơm. Có gì mai tính!

Tin cùng chuyên mục