Cơ hội lớn từ thị trường Ấn Độ

* Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng,
Cơ hội lớn từ thị trường Ấn Độ

Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2010; quan hệ song phương giữa Việt Nam - Ấn Độ ngày càng trở nên bền chặt, sâu sắc, tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Ấn Độ.

Các doanh nhân Ấn Độ trao đổi thông tin và tìm hiểu các sản phẩm thực phẩm chế biến của Công ty Sa Giang tại Hội chợ thương mại Ấn Độ - ASEAN.

Các doanh nhân Ấn Độ trao đổi thông tin và tìm hiểu các sản phẩm thực phẩm chế biến của Công ty Sa Giang tại Hội chợ thương mại Ấn Độ - ASEAN.

Những năm gần đây, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, kim ngạch 2 nước ngày càng gia tăng. Năm 2010, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 2,5 tỷ USD. Xuất khẩu của Ấn Độ sang VN đạt 1,52 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của VN sang Ấn Độ đạt gần 1 tỷ USD. Ngoài những mặt hàng truyền thống như nông sản, thủ công mỹ nghệ, số lượng các sản phẩm có giá trị gia tăng như thép và sản phẩm thép; cao su; than đá; phần cứng máy vi tính và hàng điện tử; máy móc thiết bị; phương tiện vận tải, hóa chất và các sản phẩm hóa chất… cũng được xuất khẩu vào Ấn Độ ngày càng nhiều hơn.

Theo Đại sứ Nguyễn Thanh Tân, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Ấn Độ, với 1,2 tỷ dân, trong đó khoảng 400 triệu dân trung lưu có mức tiêu dùng hàng cao cấp, đại đa số còn lại ở mức thu nhập trung bình hoặc thấp nên nhu cầu sử dụng hàng tiêu dùng khá tương đồng với VN. Đặc biệt, khi bối cảnh sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng, đây chính là phân khúc thị trường tốt dành cho hàng hóa các nước, trong đó có VN. Trên thực tế, hàng VN vẫn chưa được người tiêu dùng Ấn Độ biết đến nhiều và VN chưa có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Nói cách khác, quan hệ thương mại hai chiều chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM, cũng thừa nhận Ấn Độ là nước có nhiều tiềm năng kinh tế nhưng lâu nay các DN vẫn chưa mặn mà vì nhiều lý do, một trong những nguyên nhân chính là khoảng cách địa lý và văn hóa của hai nước còn những khoảng cách nhất định. Tính đến cuối năm 2009, có 51 văn phòng đại diện doanh nghiệp Ấn Độ được thành lập tại TPHCM, chủ yếu trong các lĩnh vực dược phẩm, hóa chất, nhựa, máy móc thiết bị, nông thủy sản. Trong lĩnh vực đầu tư, chỉ có 16 dự án cấp phép với tổng vốn đăng ký 4,5 triệu USD.

Với việc tham dự Hội chợ thương mại Ấn Độ – ASEAN lần này, lần đầu tiên TPHCM trực tiếp mang hàng hóa, văn hóa nghệ thuật, từng bước tiếp cận và mở đường cho việc tăng tốc xuất khẩu vào Ấn Độ trong tương lai. Ông Lê Quang Dũng, Phó Giám đốc Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn, cho biết, đây là lần đầu công ty  quảng bá các loại mỹ phẩm tại Ấn Độ nên thu hút nhiều khách mua hàng. Sau hội chợ, công ty sẽ cùng các đối tác bàn bạc kỹ hơn về việc hợp tác làm ăn.

Để tận dụng tốt lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ, Đại sứ Nguyễn Thanh Tân khuyến nghị, các DN VN hãy tăng cường điều nghiên thị trường và tìm kiếm các đối tác. Ngoài việc hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh, DN VN cần tìm hiểu thật kỹ thủ tục hải quan của nước này. DN có thể liên hệ với Thương vụ Đại sứ quán VN tại Ấn Độ để có được những thông tin chính xác nhất trước khi đưa hàng hóa vào Ấn Độ theo số 17 Kautilya Marg, Chanakyapuri - New Dehli -110021, điện thoại: (91-11) 23018405; fax: (99-11) 23017714

* Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, theo khảo sát thị trường cùng các buổi làm việc trực tiếp của DN hai nước, cá basa có thể trở thành một trong những mặt hàng thủy sản chủ lực, xuất khẩu với số lượng lớn vào Ấn Độ. Ngoài thủy sản và nông sản, các mặt hàng như sắt thép, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị cũng có nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Đối với lĩnh vực du lịch, nếu VN mở được đường bay thẳng từ Ấn Độ sang VN thì nhiều khả năng mỗi năm VN sẽ đón nhận được 400.000-500.000 du khách.


* Trong khuôn khổ Hội chợ thương mại Ấn Độ - ASEAN, hôm qua 3-3, UBND TPHCM phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức hội thảo “Cơ hội đầu tư, thương mại và du lịch vào TPHCM”. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín thông báo với các DN Ấn Độ về tình hình đầu tư sản xuất và phân phối điện ở Việt Nam và TPHCM. TPHCM cũng đang mời gọi đầu tư nước ngoài vào các dự án phát triển hạ tầng giao thông của TPHCM.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục