Hai năm trước, giá thuê mặt bằng tại TPHCM tăng chóng mặt. Những doanh nghiệp (DN) kinh doanh mặt hàng thời trang dệt may trong nước không đủ sức để chạy đua trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về mặt bằng. Nhưng nay đã khác, thị trường bất động sản đóng băng, giá thuê mặt bằng tại TPHCM giảm đến 50%. DN có tiềm lực kinh doanh hớn hở, xem đây là cơ hội để mở rộng kênh phân phối hàng dệt may tại thị trường nội địa.
Mở rộng kênh phân phối
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cùng với khâu thiết kế, quảng bá sản phẩm, tổ chức sản xuất thì hệ thống phân phối được xem là một trong 4 khâu quan trọng để phát triển sản phẩm. Không chỉ riêng ngành hàng dệt may mà hiện nay có rất nhiều sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam đều vướng ở khâu phân phối. Thiếu kênh phân phối thì sản phẩm của DN sẽ không có nhiều cơ hội để tiếp cận người tiêu dùng.
Phát triển kênh phân phối không phải là chuyện dễ làm, nhất là với các DN nhỏ. Nhiều DN dệt may lớn đã từng thừa nhận, việc đầu tư thuê mặt bằng, xây dựng hệ thống bán lẻ riêng chủ yếu để DN làm thương hiệu hơn là kinh doanh. Trong thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, hàng tồn kho lớn, sức mua lại giảm mạnh, việc mở rộng đầu tư hệ thống bán lẻ là điều không tưởng.
Thế nhưng Công ty TNHH MTV Thương mại Thời trang dệt may Việt Nam (Vinatexmart), đơn vị thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã có quyết định đột phá khi phát triển kênh bán lẻ ngay trong thời điểm khó khăn này. Trong 10 năm hình thành, phát triển kênh bán lẻ Vinatexmart, đơn vị chỉ phát triển 62 siêu thị, điểm bán trên cả nước. Sang năm 2012, đơn vị dự kiến phát triển thêm 30 điểm, thành 92 điểm.
Bà Dương Thị Ngọc Dung, Tổng Giám đốc Vinatexmart chia sẻ, việc quyết định mở rộng đầu tư hệ thống bán lẻ trong thời điểm hiện nay cũng là một vấn đề cần phải tính toán, tuy nhiên DN nhận thấy đây cũng là cơ hội để mạnh dạn đầu tư hệ thống bán lẻ, nhất là kênh phân phối cho hàng dệt may trong nước. Thuận lợi hiện nay là giá thuê mặt bằng tại TPHCM, các TP và thị trấn giảm xuống 50% so với trước, thời gian cho thuê thỏa thuận kéo dài trong khoảng 15-25 năm.
Một động lực nữa chính là sự hỗ trợ nhiệt tình của các địa phương, cho thuê đất đến 49 năm nên DN thêm mạnh dạn đầu tư. Hiện nay, các địa phương như An Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định… tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư nên hệ thống Vinatexmart ở đây được mở rộng, phát triển mạnh.
Tiếp cận người tiêu dùng nội địa hơn nữa
Năm 2011, tổng tiêu thụ nội địa hàng may mặc trong nước ước đạt 4 tỷ USD, trong khi đó, xuất khẩu dệt may đạt gần 14 tỷ USD. Việt Nam được biết đến là nước sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu thế giới.
Thế nhưng, một thực tế là hàng dệt may trong nước sản xuất chưa thể làm chủ tại thị trường nội địa. Việc “bỏ quên sân nhà”, để cho hàng ngoại chiếm lĩnh, trong khi có sức mua của 86 triệu dân đã thôi thúc DN trong nước quay về khai thác thị trường nội địa.
Bài toán làm hàng xuất khẩu, ăn ít mà ổn định hay làm hàng nội địa lời khá hơn nhưng phải đầu tư lớn ban đầu, chịu rủi ro tồn kho… được các DN dệt may cân nhắc. Công cuộc xây dựng thương hiệu, gầy dựng niềm tin với người tiêu dùng nội địa không phải là chuyện ngày một, ngày hai mà phải trải qua một quá trình.
Việc phát triển hệ thống phân phối hàng dệt may mà nhiều DN đang làm hiện nay cũng là con đường để tiếp cận sâu vào người tiêu dùng nội địa, làm cho hàng dệt may Việt Nam được tiêu thụ tốt hơn.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT Vinatex, cho biết Vinatex đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nội địa qua kênh phân phối Vinatexmart. Đây sẽ làm trung tâm phân phối sản phẩm dệt may của 300 DN trong hệ thống và nhiều DN khác ngoài hệ thống. Hiện Vinatexmart đang đứng thứ 4 trong hệ thống siêu thị tại thị trường Việt Nam. Đến nay, đơn vị đã phát triển 72 điểm bán ở 26 tỉnh, thành. Dự kiến đến cuối năm 2012 sẽ nâng lên 92 điểm và đến 2015 sẽ vươn lên vị trí thứ 2 với trên 200 điểm.
Theo bà Dung, 50% diện tích tại các điểm bán của Vinatexmart dành cho hàng may mặc trong nước, gồm nhiều chủng loại, với giá bán khá cạnh tranh so với giá bán bên ngoài. Trước đây hệ thống mạnh về bán sỉ nhưng nay với việc phát triển thêm kênh bán hàng, hệ thống đã giảm bán sỉ xuống 30%, tăng bán lẻ, lợi nhuận tốt hơn.
Trong khi doanh thu bán lẻ chung của thị trường giảm 14% nhưng trong 6 tháng năm 2012, đơn vị vẫn đạt tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm 2011. Ngoài ra, đây sẽ là kênh để hỗ trợ, làm tốt chương trình bình ổn giá của TPHCM cũng như nhiều địa phương trên cả nước.
MỸ HẠNH