Báo cáo kết quả sơ bộ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương năm 2019 được công bố vào giữa tuần qua, đúng vào dịp tròn 25 năm Việt Nam cam kết thực hiện Chương trình hành động hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (chương trình ICPD, ở Cairo, Ai Cập năm 1994). Công bố cho thấy, dân số Việt Nam hiện ở mức trên 96,2 triệu người, là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo cũng nêu rõ, nhiều năm qua Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số. Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đạt mức sinh thay thế 2,09 con vào năm 2006, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) và tiếp tục được duy trì cho đến nay. Cùng với việc kéo giảm tăng dân số khoảng 20 triệu người, cơ cấu dân số đã thay đổi tích cực với số lượng và tỷ trọng người phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, Việt Nam đã bước vào thời kỳ “dân số vàng” và dự báo đạt đỉnh vào năm 2020 với số người trong độ tuổi lao động chiếm 70% dân số.
Tuy nhiên, công tác dân số của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước. Dù đã duy trì được mức sinh thay thế nhưng chênh lệch mức sinh giữa các khu vực và các vùng khá lớn. Tình trạng mất cân bằng giới tính tiếp tục gia tăng khi tỷ số này đã ở mức 115,1 nam/100 nữ, có nguy cơ dẫn tới nhiều hệ lụy, khủng hoảng về đời sống xã hội, hôn nhân, gia đình trong tương lai. Trong thời kỳ “dân số vàng” nhưng chúng ta lại đang song hành với giai đoạn già hóa dân số có tốc độ rất nhanh. Số người từ 60 tuổi trở lên đang chiếm khoảng 10% dân số và dự báo tỷ lệ này tăng lên 20% vào năm 2035, với khoảng 21 triệu người cao tuổi. Nhìn tổng thể, chất lượng dân số của Việt Nam vẫn còn thấp khi Chỉ số phát triển con người (HDI) nằm ngoài tốp 100 của các quốc gia trên thế giới. Các vấn đề về phát triển chiều cao, cân nặng, tầm vóc, sức bền thể lực của người dân còn rất khiêm tốn so với nhiều quốc gia trong khu vực châu Á và thế giới.
Bức tranh dân số Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước, cũng như việc bảo vệ, phát triển giống nòi của dân tộc. Để phát huy lợi thế của thời kỳ “dân số vàng” cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung duy trì vững chắc mức sinh thay thế nhằm kéo dài thời kỳ “dân số vàng”, làm chậm quá trình già hóa dân số; tăng cường cơ hội việc làm, hướng đến những việc làm tạo giá trị cao dựa trên năng suất lao động và đa dạng hóa ngành nghề. Cùng với đó phải nỗ lực hơn trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của toàn dân nói chung và đặc biệt là những người trong độ tuổi lao động nói riêng. Để bảo đảm cho khoảng từ 65 - 70 triệu người trong độ tuổi lao động có đủ việc làm trong thời kỳ “dân số vàng”, cần có chính sách khuyến khích tiết kiệm, nâng cao tích lũy, thu hút, khuyến khích đầu tư, tạo việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, bảo đảm người có khả năng làm việc không bị thất nghiệp. Với những người có khả năng làm việc có việc làm nhưng năng suất lao động không cao, thu nhập thấp thì đất nước cũng không tránh được “bẫy thu nhập trung bình”, mức sống nhân dân khó cải thiện nên cần thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng hiện đại hóa, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật của nền sản xuất xã hội và cải tiến cơ chế quản lý để mọi người làm việc có năng suất và thu nhập cao.
Cơ hội “dân số vàng” không tự động mang lại tác động tích cực mà nó phải được “giành lấy” để tạo ra lực lượng lao động vàng, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Thời kỳ “dân số vàng” của Việt Nam nếu không tận dụng khai thác tối đa, hiệu quả sẽ nhanh chóng mất đi, nhất là khi thời kỳ “dân số vàng” của chúng ta ngắn hơn nhiều so với các nước khác trong khi già hóa dân số diễn ra với tốc độ rất nhanh.