Nhà trọ cho sinh viên, công nhân

Cỡ nào cũng có!

Cỡ nào cũng có!

Năm học mới đã bắt đầu, đó cũng là mùa công nhân đổ về TPHCM để đáp ứng nhu cầu gia tăng sản xuất những tháng cuối năm của doanh nghiệp. Với những tân sinh viên và công nhân còn bỡ ngỡ nơi Sài thành, tìm được một chỗ trọ ưng ý sao cho “an cư lạc nghiệp” không hề dễ dàng. 

  • Phòng trọ sinh viên: gần - mắc, xa - rẻ
Cỡ nào cũng có! ảnh 1

Một khu nhà trọ cho công nhân thuê tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Ảnh: CAO THĂNG.

Với những sinh viên (SV) khá “rủng rỉnh” và ưa chốn phồn hoa thì có thể “chen chân” vào các khu nhà trọ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), gần trường ĐHKHXH&NV.

Được giới SV đánh giá là “khu trọ quý tộc”, một căn phòng có diện tích khoảng 16m2, sức chứa khoảng 5 người, mỗi người phải đóng tới 300.000 đồng. Dãn ra một chút là các khu đường Võ Duy Ninh, Ngô Tất Tố (P22, Q.Bình Thạnh), gần trường Đại học dân lập Tôn Đức Thắng.

Ở đây có hàng trăm nhà trọ, hình thành những xóm chuyên cho SV thuê nhà trọ. Mỗi chủ có khoảng hơn chục phòng cho thuê, thậm chí có người sở hữu vài chục phòng. Giá thuê mỗi phòng dao động từ 450.000 – 700.000/tháng (chưa tính điện, nước), tùy diện tích, tiện nghi (nền ốp gạch men, tường xây riêng biệt, có nhà vệ sinh, bếp trong phòng…).

Đây là mức giá trung bình cho phòng có diện tích khoảng hơn 10m2. Điều thoải mái nhất của các khu nhà trọ này là bãi để xe rất rộng. Nhà trọ của anh Hòa là một ví dụ, anh dành hẳn hai lối đi lớn và một khoảnh đất rộng khoảng 60m2 để các bạn SV để xe. Không những thế, những nhu cầu về nước uống, hàng tạp hóa… cũng được gia đình chủ nhà phục vụ tận tình, chu đáo với giá hữu nghị. Giá cao hơn một chút là khu vực cư xá Bắc Hải (P15, Q.10) gần trường Đại học Bách khoa. Giá thuê dao động từ 600.000 đến hơn 1 triệu đồng/phòng/tháng (diện tích 3m x 5m). Bù lại, đây là khu vực sạch sẽ, yên tĩnh và an ninh tốt bởi trụ sở công an phường nằm trong cư xá.

Ở đây có một hình thức cho thuê trọ cũng khá hấp dẫn với SV là sống chung với chủ nhà bằng những căn phòng trên… sân thượng, vừa thoáng mát lại vừa yên tĩnh, có ban công rộng rãi để hóng mát hay phơi quần áo. Thế nhưng giờ giấc lại không thoải mái lắm vì chủ nhà yêu cầu về trước 22g và toilet, nhà tắm thì phải dùng chung với gia chủ. Bạn bè muốn ghé thăm hay ngủ lại cũng không được thoải mái… Bên cạnh đó, nhiều chủ nhà trọ ở đây còn cho thuê một căn phòng rộng để nhiều sinh viên cùng ở. Thuê nhà kiểu này giá rẻ hơn nhiều lần, khoảng 150.000 đồng/người/tháng, điện nước bao xài vô tư. 

Với các bạn SV ít tiền, khu vực ngoại thành như quận 2, Gò Vấp…, là phù hợp. Tuy nhiên, trọ ở khu vực này phải đi học xa, hay bị nước ngập, thiếu thốn nơi vui chơi giải trí lành mạnh… Các con hẻm dọc đường Trần Não (Q.2) là khu vực đất rộng nên nhiều người tận dụng đất để xây nhà trọ mà chẳng phải đầu tư nhiều. Có khu, chủ nhà tận dụng tối đa diện tích đất nên khi xây xong hai dãy phòng trọ đối diện nhau thì lối vào chỉ còn đủ để 1 chiếc xe gắn máy lưu thông.

Mùa hè thì nóng hầm hập, mùa mưa nước ngập lênh láng, khiến xe máy luôn bị “chết” mỗi khi ra vào. Hơn nữa, cảnh nhậu nhẹt, cãi vã… diễn ra thường xuyên khiến SV khó mà tĩnh tâm học tập. Bù lại, giá thuê phòng khá mềm. Một căn hộ tại chung cư Hà Kiều (đường Dương Quảng Hàm-Q.GV) có giá thuê khoảng 1 triệu/tháng với 3 phòng có tổng diện tích 50m2 (chưa tính toilet, nhà tắm, bếp ăn), khá sạch sẽ thoáng mát. Nhiều nhà trọ trên đường Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh… có giá cho thuê dao động từ 300.000 – 400.000 đồng/tháng…

  • Nhà trọ công nhân: nhiều điểm sáng

Tại quận Bình Tân, nơi có lượng công nhân tập trung đông nhất TPHCM (tính đến 7-2006 đã có trên 78.000 công nhân lưu trú), chúng tôi phát hiện ra hai khu nhà trọ đông đảo công nhân khá “ưng lòng”. Tại đường Hương Lộ 2, KP7, phường Bình Trị Đông, có khu nhà trọ của anh Nguyễn Văn Thuận với 7 phòng. Mỗi phòng có diện tích 14m2 (3,5m x 4m), nền lát gạch men, trần đóng la-phông nhựa, tường quét vôi màu xanh nhạt, cửa kính có khóa và đặc biệt là có thêm 1 nhà vệ sinh ngay trong phòng. Vì mỗi phòng chỉ được ở 4 người nên có thể nấu nướng ăn uống trong phòng.

Chị Nhan, công nhân may túi xách xuất khẩu của Công ty Tân La Sài Gòn, vui vẻ: “Hai chị em tui cùng hai bạn nữa hùn thuê một phòng, mỗi tháng mỗi người chỉ tốn 75.000 mà ở khá thoải mái…”. Về điều kiện cư trú, anh Thuận cho biết thêm, giấy tạm trú phải trình Ban Điều hành khu phố mỗi tháng (có dán ảnh), không được tổ chức ăn nhậu tại phòng, tắt đèn lúc 10 giờ 30 mỗi đêm…

Ông Nguyễn Hồng Xuân, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông, cũng đồng tình: “Càng khó thì càng nhiều công nhân thích, nhất là công nhân nữ. Với lại yêu cầu vậy nên mình cũng nắm được lai lịch của khách thuê, tụi cướp trộm, quậy phá khó bề lọt vô”.

Cách phòng trọ của anh Thuận không xa là khu trọ của ông Lê Anh Tuấn (147A, đường Phan Anh, phường Bình Trị Đông), là tư nhân đầu tiên của quận Bình Tân đầu tư xây dựng phòng trọ quy mô lớn phục vụ giới công nhân. Ngay từ năm 1998, khu chung cư 2 tầng với 70 căn hộ (3,5m x 6m; cửa sắt kéo; toilet riêng; nhà có gạch men, laphông nhựa, khu phơi quần áo) của ông Tuấn đã làm “choáng ngợp” những công nhân có nhu cầu thuê phòng và từ đó đến nay, không lúc nào chung cư trên trống chỗ.

Toàn bộ khu vực được xây tường bao bọc, cổng ra vào có người gác cửa; có chỗ giữ xe, tiệm tạp hóa… Ông Tuấn bộc bạch: “Giá phòng là 330.000 đồng/phòng nhưng chỉ cho phép ở tối đa 4 người để  đảm bảo môi trường. Mỗi phòng chúng tôi đều bố trí bình chữa cháy, làm sổ tạm trú có dán ảnh, đồng hồ điện nước riêng...”.

Còn tại quận 7, mô hình Khu nhà trọ văn hóa (KNTVH) ngày càng phát triển. Từ năm 2004, mô hình này được Quận đoàn 7 bắt đầu triển khai nhằm tập hợp thanh niên đến với tổ chức Đoàn cũng như nắm bắt và hỗ trợ nhu cầu của thanh niên tại các khu nhà trọ tập trung. Năm 2005, khu nhà trọ Trầm Hương của quận 7 được Sở Văn hóa-Thông tin TPHCM công nhận là KNTVH đầu tiên và đến nay, quận 7 đã có thêm 2 KNTVH khác là Thanh Nhã và Kết Đoàn trong tổng số 8 khu nhà trọ.

KNTVH được xét theo tiêu chuẩn của ký túc xá, nghĩa là phải đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, người thuê phải đăng ký tạm vắng, tạm trú… Mỗi khu đều có ban chủ nhiệm nhà trọ gồm 5 thành viên, do chính thanh niên đang trọ tại khu đó quản lý.

Để hoạt động của Đoàn thiết thực và “sát sườn” đời sống công nhân tại các KNTVH, Quận đoàn đã tiến hành khảo sát tìm hiểu nhu cầu từng khu, chẳng hạn, KNTVH Thanh Nhã và Kết Đoàn thích văn nghệ, tư vấn tình yêu và sức khỏe còn KNTVH Trầm Hương lại có nhu cầu học ngoại ngữ. Vào ngày nghỉ cuối tuần, cán bộ Đoàn luân phiên đến các KNTVH để tổ chức các chương trình tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn công nhân làm thẻ lao động, nói chuyện về hôn nhân gia đình và sức khỏe sinh sản đồng thời phối hợp bác sĩ phụ khoa đến từng phòng tư vấn “chuyện thầm kín” cho công nhân…

THANH NHÃ-CÚC QUỲ-HỒNG LOAN

Tin cùng chuyên mục