Có nên ép con trẻ học nhiều?

Có một thực tế là đa phần học trò con nhà nghèo học giỏi hơn học trò con nhà giàu; học sinh đậu thủ khoa các trường đại học phần lớn ở tỉnh xa, điều kiện học tập thiếu thốn so với thành phố. Có em đầu hôm đi học, cuối buổi phụ cha làm đồng, chăn bò, giữ em, làm việc nhà, đi làm thêm cho các nhà hàng… vậy mà học vẫn giỏi. Thành thử, câu hỏi được đặt ra là có nên ép con trẻ học nhiều hay không?
Ngoài thời gian học tập, phụ huynh nên cho con trẻ vui chơi để thư giãn
Ngoài thời gian học tập, phụ huynh nên cho con trẻ vui chơi để thư giãn
Học từ sáng sớm đến tối muộn

Hiện có một bộ phận không nhỏ trẻ em ở thành phố học tập rất vất vả. Sáng sớm đến trường, chiều đến nhà cô học thêm, tối lại đến nhà thầy học phụ đạo. Chưa hết, tối phải về làm bài tập, ôn bài cho ngày mai. Học hành quần quật như vậy trách gì vào buổi học chính, con trẻ không ngủ gà ngủ gật. Cha mẹ nghĩ cứ cho con đi học, vào thầy cô quản lý còn hơn lang bang ngoài đường dễ bị hư hỏng. Thế là “con chim non” không được biết bầu trời xanh ngoài kia bao la như thế nào, cứ sáng vào “lồng” này học chính quy, chiều, tối vào “lồng” khác học thêm toán, lý, ngoại ngữ… 

Không chỉ có trẻ lớn khổ sở vì sự học, ngay cả trẻ mầm non, nhiều trường đã lăm le dạy tiếng Anh, học chữ dù sai quy định không được dạy trước khi trẻ chưa vào lớp 1. Học cái kiểu nhồi nhét ấy, trách gì trẻ không mụ mẫm người, lưng còng, cận thị!

Có một thực tế, cha mẹ đều muốn con là thần đồng. Cho nên, dù con cái có học lực xếp ở tốp 10 của lớp thì vẫn bị đe nẹt. Ngoài học văn hóa, còn học năng khiếu; tranh thủ các buổi còn vắng học chữ, cha mẹ rước thầy dạy đàn piano về cho con học. Sáng chủ nhật, ở không làm gì, đăng ký cho con đi học vẽ, với ước mơ biết đâu chừng nay mai con ta sẽ thành danh họa…

Hãy chia sẻ với con

Có lẽ, phần đông phụ huynh đều có tâm lý mong muốn con mình không thua kém bạn bè nên mới vô tình ép con học hành nhiều, chứ không có ý gì khác. Bởi trong cuộc sống tất bật hiện nay, mỗi người một công việc, ai nấy đều phải lo làm, kiếm tiền, còn việc học của con đều nhờ đến… thầy cô rèn dạy. “Chương trình giáo dục có nhiều thay đổi, mình không nắm rõ, không dạy được tốt, nên thường nhờ các thầy cô ở trường của con hoặc các trung tâm bồi dưỡng dạy thêm. Đôi khi thấy con học bài nhiều, có hôm đến tận khuya, xót lắm, nhưng cũng đành chịu”, chị Phương Vy, nhà ở quận 8, TPHCM, tâm sự. Còn theo anh Minh Trung, nhà ở quận 11, việc học của con trẻ, anh cũng rất quan tâm, nhưng luôn trong tâm thế chia sẻ với con, chứ không quá ép buộc, bởi kinh nghiệm từ bạn bè anh cho thấy “học quá hóa khổ”. Anh Trung kể, con của bạn anh đi học căng thẳng quá, đến tối về ngủ bị ám ảnh, sáng dậy ngồi khóc suốt, không muốn đi học nữa. Vợ chồng bạn anh sợ quá liền đưa bé đi bác sĩ tâm lý chữa trị. Sau đó, nhờ giảm tải học hành cho bé, thường xuyên tâm sự, tạo niềm vui cho con phấn khích học hành, tình hình sức khỏe của bé dần chuyển biến tích cực...

Tuy nhiên, trong cuộc sống, không phải ai cũng may mắn kịp thời phát hiện các suy nghĩ tiêu cực của con trẻ (nếu không có biểu hiện ra ngoài), để có những điều chỉnh, khuyên ngăn trước khi quá muộn. Vì thế, cha mẹ hãy luôn là người bạn đồng hành với con, luôn chia sẻ cùng con những chuyện buồn vui. Theo kinh nghiệm của anh Khoa Phúc, nhà ở quận 6, trong quá trình chở con đi học, anh luôn hỏi chuyện về học hành, bạn bè và kể cả thầy cô để cha con cùng chia sẻ suy nghĩ. Đặc biệt, việc học hành của con, anh luôn là người cố vấn và tôn trọng sự đam mê, chọn lựa của con trẻ, không ép buộc. Nhờ vậy, anh và con nói chuyện với nhau nhiều hơn, ngày càng hiểu nhau hơn.

Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn con mình học giỏi, được thành tài, không ai muốn con mình thua kém bạn bè; nhưng trước tiên phải quan tâm đến con và tùy theo sức học của con mà kỳ vọng, nếu không cha mẹ rất dễ ép buộc con học hành quá sức. Để rồi, thần đồng đâu chưa thấy, nhưng khả năng trẻ bị rối loạn tâm lý, mắc các bệnh lý về thần kinh khi học tập quá sức là rất lớn. Cha mẹ hãy cho con trẻ có một tuổi thơ đúng nghĩa, học tập, vui chơi, thư giãn hợp lý. Đừng ép con phải thành thần đồng bằng mọi giá!

Tin cùng chuyên mục