Có thể nói “cú hích” miễn học phí cho sinh viên sư phạm được Chính phủ thực hiện từ năm 1997 đã góp phần tạo đột biến về chất lượng đầu vào của ngành sư phạm ở những năm cuối thế kỷ trước.
Trong thời gian ngắn, khoảng 5 - 6 năm “hoàng kim”, điểm chuẩn vào trường sư phạm cao ngất ngưởng và chính sách này đã góp phần tạo ra thế hệ vàng cho ngành giáo dục. Với sức hút của nó, nhiều học sinh ở những năm cuối thế kỷ trước tỏa sáng thành tích học tập ở bậc phổ thông đã chọn nghề dạy học như một sứ mệnh thiêng liêng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những biến động của nền kinh tế thị trường đã là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng một số (hay nhiều) học sinh phổ thông giỏi không chọn ngành sư phạm. Bởi lẽ, nghề dạy học có thu nhập thấp, vị trí trong xã hội ngày càng giảm sút…
Chính vì thế, chất lượng đầu vào của ngành sư phạm ngày một sụt giảm và đáng báo động, trong đó nhiều ngành học chỉ lấy điểm sàn hoặc cao hơn một chút. Thậm chí, nhiều thí sinh dù không yêu nghề giáo nhưng không đủ điểm học ngành khác nên đành chấp nhận làm “thầy dạy chữ” ở các môn xã hội hoặc môn phụ. Điều đáng nói nữa là nhiều tân giáo viên có năng lực, học giỏi cũng “rẽ ngang”, bỏ nghề dạy, chuyển sang nghề khác có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Điều này không chỉ mất công bằng đối với mọi sinh viên mà còn gây lãng phí ngân sách dành cho giáo dục. Như thế, vấn đề không còn nằm trong chính sách miễn giảm học phí mà nằm trong chính sách tiền lương, kèm các ưu đãi khác dành cho giáo dục thì mới thu hút được học sinh giỏi chọn nghề dạy học. Theo nhiều chuyên gia và lãnh đạo các trường đại học sư phạm, để tạo sự công bằng, cần sử dụng chính sách tín dụng giáo dục chung cho sinh viên, kể cả sinh viên theo học các trường sư phạm. Cụ thể, áp dụng chung quy định ưu tiên và không phải hoàn trả khoản tín dụng mà nhà nước cho mượn nếu khi tốt nghiệp, làm việc trong lĩnh vực giáo dục.
Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng lên tiếng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, sửa đổi chính sách ưu đãi dành cho sinh viên sư phạm vì không còn phù hợp với thực tiễn. Đó là chưa kể, con số cử nhân sư phạm thất nghiệp đang ngày một dài và cánh cửa tìm việc làm cho giáo viên ngày một hẹp cho thấy việc đào tạo nhân lực cho ngành giáo dục cần phải quy hoạch sát với thực tế.
Đang vào mùa tuyển sinh mới năm 2015-2016, sẽ có bao nhiêu thí sinh điểm cao tự nguyện dấn thân vào ngành sư phạm? Nhiều thí sinh cho rằng khoản học phí ưu đãi được miễn suốt 4 năm học không phải là sức hút hấp dẫn và họ chọn nghề khác vì dễ kiếm việc và có thu nhập cao hơn, tương xứng với giá trị lao động của mình.
Để có đội ngũ giáo viên trẻ đạt chuẩn, có năng lực, kỹ năng sư phạm tốt đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục thì rất cần đầu vào tuyển sinh đạt chuẩn, điểm số cao. Nhưng nếu chỉ kêu gọi suông và chờ đợi thì lấy đâu nguồn tuyển như mong đợi? Thay vì miễn học phí cho sinh viên sư phạm, nên có chính sách đãi ngộ xứng đáng sau khi họ ra trường, trở thành người thầy thực thụ.
HÀ KHÁNH