
Dự án làm phim truyện nhựa về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (TL-HN) đang đi vào bế tắc bởi những quyết định “tréo ngoe” của những người tổ chức, hết “bỏ rơi” kịch bản (KB) giải Nhất để chọn KB giải Ba, rồi lại tổ chức thi KB phân cảnh...
- “Tòng tâm” hay vô tâm?

Tượng Thái tổ Lý Công Uẩn.
Bắt đầu phát động từ năm 2002, cuộc thi viết KB phim truyện lịch sử về 1.000 năm TL-HN đã thu hút 92 đề cương KB tham dự.
Ngoài các tác giả có KB tham dự, BTC mời đích danh 15 nhà văn, nhà biên kịch tên tuổi và 6 tác giả đã có đề cương để “đặt hàng” viết KB: Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Quang Lập, Chu Lai, Thiên Phúc, Nguyễn Mạnh Tuấn.
Kết quả, Ban Chỉ đạo quốc gia 1.000 năm TL-HN đã trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 9 giải Khuyến khích với những lời tổng kết đầy hân hoan: “Chưa bao giờ điện ảnh VN có được tài sản quý giá về KB phim truyện lịch sử như vậy.
Từ đây, điện ảnh và truyền hình có thể bắt đầu tạo nên một dòng chảy cho phim truyện lịch sử VN…”.
Rắc rối bắt đầu xảy ra khiến dư luận tốn khá nhiều bút mực là việc KB Hội thề của nhà văn Nguyễn Quang Thân (giải Nhất) không được chọn làm phim. Thay vào đó là một trong ba giải Ba: KB Thái tổ Lý Công Uẩn của nhà biên kịch Thiên Phúc. Tiếp đó là cuộc thi viết KB phân cảnh dựa trên KB đã chọn dành cho các đạo diễn. 10 người được mời thì chỉ có 3 KB được gửi đến nhưng rốt cục, cho đến bây giờ, người ta vẫn đang loay hoay vì chưa tìm được KB đạt yêu cầu.
Nỗi bức xúc của người làm phim đã trở thành nỗi bất bình không giấu giếm được “tương” lên mặt báo. Cuộc thi dường như trở thành “trò đùa” như nhà văn Nguyễn Quang Thân từng than thở với báo giới. Những người đã đọc KB Hội thề đều lấy làm tiếc. Đó là chưa kể dư luận không ít lần đặt câu hỏi về chuyện “lobby” (vận động hành lang) để KB Thái tổ Lý Công Uẩn được chọn. KB không đạt yêu cầu vì chính Ban Chỉ đạo 1.000 năm TL-HN cũng không chấp thuận đưa KB này vào sản xuất ngay mà yêu cầu các đạo diễn phải bổ sung và phát triển KB bằng một cuộc thi “xưa nay hiếm”.
- Nên chuyển hướng!
Đến giờ này, mặc dù Ban Chỉ đạo quốc gia 1.000 năm TL-HN vẫn chưa từ bỏ ý định làm phim nhưng những người am hiểu về điện ảnh và quan tâm đến dự án này đều… lắc đầu.
NSND Hải Ninh - người từng ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho Ban Chỉ đạo quốc gia trong cuộc thi KB phim truyện lịch sử, cảnh báo: “Thời gian làm một bộ phim lịch sử hoành tráng đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng.
Một bộ phim lịch sử thời trung - đại phải tái hiện hoàn toàn các triều đại phong kiến, từ nhân vật, đến không gian bối cảnh xưa là những thách thức đòi hỏi phải có một cái nhìn tỉnh táo bởi đội ngũ, cơ sở sản xuất, trường quay, kinh nghiệm nghề nghiệp làm phim lịch sử của Điện ảnh VN là con số 0”.
Nhiều người đồng tình cho rằng, nếu không “đủ sức” thì không nên cố làm cho bằng được, làm cho đúng hẹn như nhiều phim “cúng cụ” từng bị dư luận kêu ca. Số tiền của dự án này nên tập trung cho hai dự án phim truyền hình và phim hoạt hình, đều là những KB đoạt giải từ cuộc thi nói trên.
Quả thật, Chuyện về đứa con của Rồng được Hội đồng tư vấn cuộc thi KB đánh giá là hay và lạ nhờ trí tưởng tượng bay bổng và lãng mạn. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của Lý Công Uẩn từ lúc trẻ thơ đến lúc trở thành tráng sĩ vào Hoa Lư đánh giặc.
Còn KB Trần Thủ Độ và người tình của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn được viết khá táo bạo với bút pháp hiện đại được Hãng phim truyện I đảm nhiệm. KB này tập trung vào giai đoạn Trần Thủ Độ lúc chưa được mời ra làm quan đã nhường người vợ đẹp cho Thái tử Lý Huệ Tông.
Có ý kiến cho rằng, nếu ghép 12 tập KB này với KB Bão táp cung đình của nhà văn Hoàng Quốc Hải đã đoạt giải tại cuộc thi, nói về giai đoạn từ lúc Trần Thủ Độ vào cung và đưa Trần Cảnh lên, dọn đường cho việc xây dựng triều đình nhà Trần sau này…, sẽ được một bộ phim truyền hình dài tập hứa hẹn hấp dẫn. Bối cảnh và những đòi hỏi về mặt kỹ thuật cũng không phức tạp như phim nhựa nên càng dễ xoay xở trong điều kiện thiếu thốn tứ bề như hiện nay.
Vẫn tiếp tục thực hiện dự án làm phim nhựa nhưng không nhất thiết phải ra mắt đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm TL-HN là một gợi ý cần được quan tâm.
HOÀNG GIANG