Có nỗi nhớ mang tên Núi Sập


Thời gian rảnh, có dịp tương tác cùng tụi bạn thuở ấu thơ qua mạng xã hội nên lại man mác nhớ quê. Nhớ cái thị trấn nhỏ thuộc huyện Thoại Sơn của vùng Bảy Núi, An Giang được gọi tên là Núi Sập, gắn liền với địa danh Khu du lịch Hồ ông Thoại và Đền thờ thần Thoại Ngọc Hầu.
Vẻ đẹp đồng bằng nhìn từ Núi Sập (An Giang)
Vẻ đẹp đồng bằng nhìn từ Núi Sập (An Giang)

Xứ sở của đá núi rêu phong, cảnh vật trầm mặc, cổ kính nhưng không hề mất đi vẻ phóng khoáng một chút nào. Vùng quê hiền hòa này nuôi dưỡng nên những con người mộc mạc, chân phương và hiếu khách. Nghe nói, Núi Sập xưa có hình dáng trông như một chú thỏ nằm bên cạnh những cánh đồng lúa bạt ngàn.

Theo thời gian, việc khai thác đá quá mức dưới chân núi khiến cho nhiều người nghĩ nó có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Chắc cái tên “Núi Sập” cũng có từ đó chăng? Tụi con nít chúng tôi tò mò hỏi người lớn thì được bảo rằng: “Mèn ơi, nghe đâu hồi đó có vợ chồng ông Rồng đến xứ mình làm ăn.

Ông Rồng đắp ngọn núi phía Đông (tức núi Sập, thị trấn Núi Sập bây giờ). Bà Rồng đắp ngọn núi phía Tây (tức núi Ba Thê, thị trấn Óc Eo bây giờ). Bà chăm chỉ đắp núi, còn ông vì mải mê uống rượu nên đắp mãi mà vẫn chưa xong. Bà tức giận, đập đổ núi của ông đang đắp. Từ đó được gọi là Núi Sập”… Bởi được mang giai thoại huyền ảo về tên gọi, lại được thiên nhiên ưu ái cho phong cảnh hữu tình nên nhịp sống thường nhật ở xứ này cũng an yên đến lạ. Xưa chỉ là một vùng đá núi hoang sơ, nay đã trở thành một khu du lịch sinh thái mở rộng, đường sá thông thoáng. Đô thị dần phát triển, cuộc sống của người dân cũng bớt phần vất vả so với nghề làm đá thuở sơ khai.

Ai rồi cũng phải lớn khôn, trưởng thành để có thể bay xa, bay cao trên đôi cánh của mình, nào biết quê nhà vẫn mãi là bến đỗ yên bình chờ đợi ta với bao kỷ niệm dấu yêu. Nơi ta được sinh ra, được dưỡng nuôi bởi tình đất, tình người nhưng hơn hết là tình cảm gia đình, một thứ tình cảm rất đỗi thiêng liêng. Nhớ lắm, khoảng giữa tháng 3 âm lịch hàng năm, chúng tôi háo hức cùng nhau sửa soạn đi chơi lễ hội Kỳ Yên. Hết cả buổi sáng leo núi viếng chùa cùng ba má, lén xin xăm gieo quẻ cầu duyên rồi khúc khích cười khi nghe lời giải quẻ. Chiều thì ghé đền thờ thần Thoại Ngọc Hầu nghe về lịch sử lập làng, đào kênh Thoại Hà, phát triển nghề trồng lúa nước của quê mình. Nán lại đến tối xem hát bội tuồng xưa tích cũ, chen chân trong không gian chật hẹp đông người.

Đứa nào cũng phe phẩy cây quạt giấy trên tay, tim thì cứ đập thình thịch theo nhịp trống đệm liên hồi, ấy vậy mà mải vui quên cả đường về. Chán thì rủ nhau đi chụp hình Hàn Quốc, chia nhau ép vào lưu bút làm kỷ niệm, dạo một vòng trong khuôn viên của khu du lịch với đủ thứ trò chơi, hội chợ, gian hàng ăn uống. Năm cái đầu túm tụm ăn cả chục ly chè để rồi hôm sau nằm nhà vì “Tào Tháo” ghé thăm.

Thế là cả bọn không đứa nào được đi xem ca sĩ thành phố về hát. Ta nói tiếc gì đâu nhưng cũng đành chịu vậy!

Nhóm ngũ quỷ ngày xưa nay đã lớn, đứa học xa nhà, đứa xa quê xin việc mưu sinh. Mỗi đứa một nét riêng, mang theo bên mình cái duyên của con gái Núi Sập nhưng lại có chung nỗi nhớ quê nhà đến da diết. Nhớ đến lạ lùng. Nhớ như nhớ người tình không bao giờ cưới. Để rồi, lòng cứ mãi tương tư câu hát của ai đó ngân nga vào một buổi chiều tà:

Ầu ơi…

Chèo vô Núi Sập

Em lựa con khô sặc thiệt ngon

Em lựa trái xoài tượng thiệt giòn

Đem dìa nấu bữa cơm ngon

Mời người quân tử ăn không đành về… 

Tin cùng chuyên mục