Cổ phiếu “nổ”

Cổ phiếu “nổ”

Có ai muốn bán sản phẩm của mình mà không nói tốt? Có điều nhiều doanh nghiệp nói đúng tình hình hoạt động nhưng cũng không ít đơn vị nói quá lên. Nhất là cổ phiếu được xem là hàng hóa cao cấp, nên không ít đơn vị khi phát hành cổ phiếu ra công chúng đã “nổ” dữ dội trong khi thực tế không phải vậy. Nhiều nhà đầu tư (NĐT) nghe bùi tai, không kiểm tra thông tin, bị mua giá cao để rồi ấm ức!

Trăm đường “dự án tương lai”

Cổ phiếu “nổ” ảnh 1
Cần tham khảo thông tin trước khi quyết định đầu tư vào một mã cổ phiếu nào đó. Ảnh: MẠC KỲ

Một chuyên gia chứng khoán nói, nếu một công ty phát hành cổ phiếu ra công chúng mà chỉ báo cáo tình hình hoạt động hiện tại và lợi nhuận trong thời gian qua thì chắc chắn sẽ không hấp dẫn khách hàng và giá bán sẽ không cao. Vì vậy, tất cả các đơn vị phát hành cổ phiếu đều có hoạch định “tương lai” với các dự định, dự kiến, kế hoạch, định hướng… bằng nhiều dự án, chiến lược kinh doanh có thể đem về những con số lợi nhuận lớn để “dụ” NĐT.

Trong ngày họp công bố phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), vị tổng giám đốc Công ty cổ phần V (chuyên cho thuê kho bãi) đưa ra cả chục dự án tương lai mà dự án nào nghe cũng “xán lạn”, nào là xây siêu thị, điểm vui chơi giải trí; nào là đầu tư resort du lịch… Ông ta còn phán rằng, công ty cổ phần này sẽ trở thành một tổng công ty kiểu mẫu. Trong khi đó, công ty cổ phần này vốn dĩ chỉ là một công ty TNHH một thành viên mới chuyển đổi thành công ty cổ phần để phát hành cổ phiếu IPO!
 
Khi một số NĐT hỏi vị tổng giám đốc trên những dự án ấy bao giờ thực hiện và đã có những quyết định chính thức bằng văn bản hay nghị quyết của công ty chưa thì ông này nói rằng chắc chắn sẽ thực hiện nhưng thời gian thì… chưa biết khi nào! Được biết, nhiều công ty như Công ty cổ phần Q, Công ty cổ phần A, S, H… sau khi đấu giá thành công một thời gian thì cổ phiếu rớt nhiều so với lúc mua. Vì vậy mà có cuộc đấu giá vừa xong, nhiều người cảm thấy mình bỏ giá “hớ” quá cao nên có người đã bán lại quyền mua hoặc sau khi ra sổ cổ đông thì bán lại, chấp nhận chịu lỗ hay “ôm” để đó chờ.

Thậm chí có công ty niêm yết như công ty T, trước ngày giao dịch đầu tiên trên sàn tung ra hàng loạt chương trình quảng cáo nên nhiều NĐT đã săn lùng mua cổ phiếu này (với hy vọng sau khi lên sàn sẽ tăng giá) nhưng sau khi chào sàn với giá 66.000đ/cổ phiếu, cổ phiếu sau đó rớt dần cho đến hiện nay còn khoảng 50.000đ. Điều đó cho thấy triển vọng của các dự án là điều mà đơn vị phát hành cổ phiếu “nổ” bao nhiêu cũng được và chẳng ai có thể kiểm chứng nhưng giữa dự án và thực hiện dự án là một khoảng cách khá xa.

Các chiêu “hù”

Có một đơn vị ở tỉnh Đ sắp phát hành cổ phiếu ra công chúng, cả ban bệ gồm chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc và 4 phó tổng giám đốc “lặn lội” lên TPHCM để công bố đợt phát hành IPO. Sau khi một ông phó tổng trình bày những triển vọng nghe “sướng lỗ tai”, vị tổng giám đốc phán ngay: “Nhiều đơn vị cùng ngành nghề với chúng tôi, thậm chí doanh thu, thương hiệu của họ thua xa đơn vị của chúng tôi mà họ còn bán được 7 - 8 chấm (70.000-80.000 đồng/cổ phiếu), còn công ty của chúng tôi bán với giá dự kiến là 5 chấm, nếu không khéo thì cán bộ công nhân viên trong công ty mua hết chứ chưa chắc NĐT bên ngoài mua được”. Nghe xong, cả hội trường cười rần. Có người buột miệng bảo: “Sao ông không để mà bán cho cán bộ công nhân viên của công ty ông đi, tội gì phải mất công, mất thời gian tới đây để quảng cáo ì xèo, rồi họp báo ở khách sạn 5 sao cho tốn kém?”.

Không ít tổng công ty có nhiều đơn vị con, trong đó có một đơn vị con được cổ phần hóa và phát hành cổ phiếu ra công chúng, thế nhưng khi giới thiệu thì cứ lập lờ, thuyết minh không rõ về quy mô của tổng công ty nhiều hơn công ty con, làm cho NĐT cứ tưởng là tổng công ty phát hành cổ phiếu.

Nhiều NĐT đi dự nghe không rõ, về nói lại với người khác đăng ký đặt tiền cọc để mua, vì cứ nghĩ tổng công ty có thương hiệu “đáng đồng tiền bát gạo”, đến khi biết được thì mọi việc đã rồi. Rồi để cho có giá, nhiều công ty phát hành cổ phiếu còn tung ra nhiều thông tin qua báo chí, quảng cáo, PR (quan hệ công chúng) nói là vừa ký kết hợp đồng với đối tác chiến lược nổi tiếng để nâng cao uy tín và nâng giá trị cổ phiếu. Nhưng thực tế không phải ký kết mua cổ phần mà là “ký kết ghi nhớ” với đối tác chiến lược, mà chữ ký ghi nhớ thì có thể mua hoặc không mua, đôi khi chỉ vì “nể mặt” nhau hay cùng “làm giá” với nhau.

Trước các luồng thông tin trên, nếu NĐT thiếu bản lĩnh hoặc thiếu thông tin từ các doanh nghiệp thì dễ bị hấp dụ bởi những lời “đường mật” mà mua cho bằng được. Đối với cổ phiếu IPO thì cố bỏ giá cao để được mua (vì nguyên tắc đấu giá là chọn từ cao xuống thấp), còn cổ phiếu OTC thì sẵn sàng mua với giá cao để rồi bán lại không được mà giữ để hưởng cổ tức thì chẳng lợi bao nhiêu.

MẠC KỲ

Tin cùng chuyên mục