
Sau 2 tuần triển khai làm việc ngày thứ bảy theo Quyết định số 127/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tại một số cơ quan nhà nước ở TPHCM, lượng người đến giao dịch, nộp hồ sơ rất ít, chỉ chiếm chưa đầy 1/10 so với ngày thường. Mặc dù rất ủng hộ nhưng đa số người dân vẫn còn e dè, thiếu thông tin.
Mở cửa cả ngày: Không có khách

Công chứng viên Phòng Công chứng số 1 làm việc ngày thứ bảy. Ảnh: Khắc Mai
Gần hết giờ làm việc ngày thứ bảy 25-8, phòng tiếp nhận và giao trả hồ sơ Sở Xây dựng vẫn chưa có người nào đến “mở hàng”. 5 nhân viên quần áo chỉnh tề, đeo bảng tên ngồi nghiêm túc trong căn phòng vắng hoe.
Chị Đỗ Thị Thanh Hoa, Tổ trưởng Tổ tiếp nhận hồ sơ, nói: “Thứ bảy tuần trước là ngày mới “khai trương”, dù không nhận được hồ sơ nào nhưng cũng có khoảng 10 người tới hỏi thăm về thủ tục. Tuần này không thấy ai”.
Được phân công trực ngày thứ bảy, ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Hiện thứ bảy, sở chỉ làm 2 khâu: nhận và trả kết quả cấp phép xây dựng công trình, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình; chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho tổ chức, cá nhân. Nhưng để phục vụ tốt cho người dân như ngày thường, ngoài tổ tiếp nhận và giao trả hồ sơ, chúng tôi phải bố trí lãnh đạo trực, nhân viên phòng kỹ thuật, phòng máy vi tính, nhân viên photocopy, văn thư phát hành văn bản, đóng dấu, phòng tài vụ, nhân viên tạp vụ, bảo vệ, giữ xe… Tất cả hơn chục người. Mặc dù TP chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện nhưng khi đã triển khai và thông báo cho người dân, chúng tôi phải mở cửa sẵn sàng phục vụ, dù thời gian đầu còn “ế khách”.
Tại Cục Thuế TP, anh Nguyễn Văn Mạnh, Tổ trưởng Tổ đăng ký thuế, cho biết: “Thứ bảy tuần trước có 4 người tới, tuần này chỉ có 1 người đến nộp hồ sơ đăng ký thuế. Vì chúng tôi đăng ký làm việc theo tiêu chuẩn ISO nên trước đây đã làm việc nội bộ ngày thứ bảy để kịp quy trình. Nay có thêm khâu tiếp nhận và giao trả hồ sơ cho khách hàng, chúng tôi bố trí 50% nhân viên luân phiên làm việc. Qua 2 tuần còn vắng khách nên Cục Thuế TP chưa cử nhân viên giữ xe”.
Tại Sở Tư pháp, hiện có Phòng Hộ tịch - Lý lịch tư pháp quốc tịch làm việc ngày thứ bảy. Theo chị Trịnh Thị Bích, trưởng phòng, thứ bảy tuần này nhận được 30 hồ sơ, tăng gần gấp đôi so với thứ bảy trước nhưng vẫn không bằng 1/10 ngày thường.
Giải quyết chế độ cho người làm thêm ra sao?
Lý giải về nguyên nhân “vắng khách” ngày thứ bảy trong 2 tuần vừa qua, ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nhận định: “Người dân vẫn còn thiếu thông tin. Ngoài ra, Sở Xây dựng chỉ cấp phép xây dựng, chủ quyền nhà, đất cho tổ chức thuộc thẩm quyền UBND TP. Quận huyện phụ trách cấp cho cá nhân, gia đình - đây mới là đối tượng có nhu cầu lớn. Cơ quan, tổ chức thường cử nhân viên nộp hồ sơ vào ngày thường. Sau một thời gian, khi đã cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, nếu hoạt động hiệu quả, sở sẽ mở rộng thêm khâu duyệt thiết kế công trình, duyệt dự án đầu tư. Tuy nhiên, nếu lượng người đến nộp hồ sơ ngày thứ bảy vẫn quá ít, chúng tôi sẽ phải báo cáo UBND TP để có hướng giải quyết, tránh lãng phí”.
Một vấn đề nữa mà Sở Xây dựng còn băn khoăn là việc giải quyết chế độ cho nhân viên làm thêm giờ ngày thứ bảy. Theo Quyết định 127, sở không được tăng biên chế, chủ động bố trí nhân viên nghỉ bù để đảm bảo tuần làm việc 40 giờ. Tuy nhiên, tổ tiếp nhận và giao trả hồ sơ của sở hiện có 5 người, vì yêu cầu công việc, không thể bố trí nghỉ bù. Như vậy, trong năm, nhân viên phải làm thêm hơn 400 giờ. Trong khi đó, Bộ luật Lao động quy định thời gian được hưởng chế độ làm ngoài giờ của cán bộ, công chức nhà nước không quá 200 giờ/năm.
Còn theo các nhân viên thu thuế ở Cục Thuế TP, nếu thứ bảy không rơi đúng ngày 20 hàng tháng - thời điểm các doanh nghiệp nộp tờ khai thuế thì sẽ rất ít khách hàng. Ông Uông Sỹ Hồng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP, cho biết, trước nay, Hải quan TP vẫn làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh cho các đơn vị có nhu cầu (được báo trước) vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Nay nếu bố trí lực lượng thường trực, cục sẽ phải sắp xếp nhân sự sao cho hợp lý, hiệu quả.
Lựa chọn đúng dịch vụ người dân cần
Thực tế cho thấy, ở những lĩnh vực vốn “quá tải” trong ngày thường, khi triển khai làm việc ngày thứ bảy, người dân rất ủng hộ và quan tâm. Tại Phòng Công chứng số 1, cô Nguyễn Thị Liên, nhà ở quận 4, vừa dẫn chị gái vào làm thủ tục lập di chúc, khen: “Phòng công chứng làm việc ngày thứ bảy thật tiện. Trước đây, cả nhà ai cũng đi làm, muốn có thời gian làm hồ sơ thì phải xin nghỉ nửa buổi, có khi cả ngày!”.
Hoàn thành hồ sơ cuối cùng của buổi sáng vào đúng 12 giờ trưa, anh Từ Dương Tuấn, công chứng viên Phòng Công chứng số 1, khoe: “Thứ bảy, ở đâu “ế” chứ phòng công chứng thì không. Tuần này, lượng khách đã tăng. Quan điểm của chúng tôi là làm cho hết việc chứ không ngại hết giờ. Hiện tại, nhiều người vẫn chưa biết, tới đây, chắc chắc sẽ có đông người làm thủ tục vào cuối tuần”.
Quyết định 127 của Thủ tướng Chính phủ ra đời nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, là một chủ trương rất được xã hội đồng tình, hưởng ứng. Tuy nhiên, theo ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, hiện sở đang căn cứ vào thực tế triển khai ở một số sở, ngành, rà soát lại nhu cầu thực tế tại TPHCM xem cần thêm bớt những đầu việc nào so với quyết định của Chính phủ, trước khi trình UBND TP ban hành hướng dẫn.
Một khi tất cả cơ quan hành chính nhà nước đều “nổ máy” làm việc ngày thứ bảy, có sự liên thông giữa các ngành, các cấp từ phường, xã, quận, huyện đến TP thì chủ trương này mới thật sự đạt được hiệu quả.
Đoàn Mai Hương
Thông tin liên quan |