Tiết kiệm năng lượng (TKNL) là một trong những chủ trương lớn của Quốc hội, Chính phủ, Thành Ủy, UBND TPHCM. Cách nay 5 năm Chính phủ, đã xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về TKNL và vừa mới đây Quốc hội đã ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Thành ủy, UBND TPHCM cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích TKNL.
Tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng/năm
Theo Trung tâm TKNL TPHCM, chi phí mua nhiên liệu sử dụng trong sản xuất và sinh hoạt nói chung ở thành phố chắc chắn sẽ khiến không ít người… giật mình. Chỉ tính riêng tiền điện dùng trong một năm đã trị giá tương đương khoảng 15% GDP của thành phố. Còn về xăng, dầu trung bình mỗi năm thành phố dùng khoảng 4 triệu tấn cho giao thông và sản xuất công nghiệp.
Hoàn toàn ý thức được những tốn kém này, từ nhiều năm nay TPHCM đã triển khai nhiều chương trình TKNL cho mọi đối tượng. Đối với doanh nghiệp có chương trình kiểm toán năng lượng, đổi mới thiết bị công nghệ… Đối với người dân là cuộc vận động sử dụng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, sử dụng các thiết bị TKNL thay cho các thiết bị thông thường khác…
Đối với các hoạt động sinh hoạt công cộng có chương trình tiết giảm 50% đèn đường và dùng đèn compact cho chiếu sáng dân lập. Đã có nhiều kết quả khá ấn tượng từ quyết tâm này của thành phố, như trong 5 năm qua sản lượng điện tiết kiệm được trên toàn địa bàn thành phố là hơn 747 triệu kWh, đạt 123,13% so với kế hoạch mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao cho Tổng Công ty Điện lực TPHCM thực hiện. Riêng trong 11 tháng đầu năm 2010, tổng sản lượng điện tiết kiệm trên địa bàn thành phố là 204 triệu kWh, đạt 112% so với kế hoạch. Trị giá của lượng điện tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng/năm.
Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là con số cuối cùng. Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm TKNL TPHCM, cứ 1kWh điện tiết kiệm được có nghĩa đã giảm phát thải được khoảng 0,5674kg CO2-loại khí phổ biến gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu. Nếu TPHCM có một nghiên cứu, đánh giá chính xác về hiệu quả của việc tiết kiệm điện, giảm phát thải khí CO2 thì có thể tham gia thị trường trao đổi, mua bán chỉ tiêu khí phát thải, gọi tắt là CDM, và việc này cũng có thể giúp thu thêm về cho thành phố hàng ngàn tỷ đồng.
Phát triển vận tải công cộng bảo vệ môi trường
Với khoảng 15.000 đồng/lít xăng và hơn 14.000 đồng/lít dầu, với mức tiêu thụ trung bình mỗi năm khoảng 4 triệu tấn, có nghĩa là hàng năm TPHCM phải tốn hàng ngàn tỷ đồng cho loại nhiên liệu này. Thế nhưng, đáng lo ngại là các chi phí ấy đang có xu hướng tăng mạnh theo hướng tăng “phi mã” của các phương tiện giao thông cơ giới cá nhân trên địa bàn TPHCM.
Sự độc hại của khói xe đã được Báo Sài Gòn Giải Phóng đề cập rất nhiều lần trong các số báo trước đây. Cũng đã có nhiều hội thảo của các nhà khoa học cảnh báo về nguy cơ này đối với sức khỏe con người. Tiếc rằng, thời gian qua việc tiết kiệm xăng, dầu chưa được quan tâm đúng mức. Gần như chưa có một chương trình, một chế tài cụ thể nào cho việc tiết kiệm xăng dầu. Tại TPHCM cũng mới bắt đầu triển khai kế hoạch thay thế dần xe buýt chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu sang sử dụng khí CNG bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tất cả mới ở trong giai đoạn nghiên cứu lập dự án, đề xuất cơ chế. Bao giờ xe buýt sử dụng khí CNG hoạt động đại trà trên đường phố thì ngay cả ngành chức năng cũng không dám chắc. Hiện chỉ có một đơn vị taxi của ngành dầu khí đi tiên phong trong lĩnh vực sử dụng khí thiên nhiên để chạy xe, nhưng số lượng xe taxi chạy loại nhiên liệu này còn rất nhỏ so với toàn bộ số xe taxi hiện có ở TPHCM.
Hậu quả tất yếu của tình trạng này là một bộ phận không nhỏ người dân TPHCM ứng xử “khá vô tư” trong việc chọn lựa phương tiện giao thông để đi lại. Trong chuyên mục biến đổi khí hậu số ra tuần trước, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trích đăng một thống kê của Tổ chức Quốc tế về người Tàn tật tại TP, rằng chỉ có khoảng 25% xe gắn máy 2 bánh lưu thông trên đường có chở thêm người thứ hai, đa phần còn lại đi một mình, như một minh chứng cho vấn đề này. Theo Sở Công thương TPHCM, trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ có hiệu lực trong thời gian tới đây, vấn đề tiết kiệm xăng, dầu trong lĩnh vực vận tải mới được đề cập cụ thể và Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải các địa phương cùng các đơn vị vận tải sẽ là các đơn vị có trách nhiệm thực hiện.
Ở khối sản xuất kinh doanh, TKNL được lồng ghép với các chương trình đổi mới công nghệ, thiết bị nhưng cũng chưa đạt hiệu quả.
Cũng tương tự như tiết kiệm điện, tiết kiệm xăng, dầu không chỉ là những lợi ích cụ thể về lượng xăng, dầu tiết kiệm được, mà lớn hơn đó là giảm phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính thông qua việc giảm lượng khói xe thải ra môi trường. Theo tính toán của Trung tâm TKNL, tiết kiệm được một lít dầu đồng nghĩa với giảm phát thải được khoảng 3,2kg CO2. Một lợi ích khác quan trọng không kém, khi người dân ý thức được việc phải tiết kiệm xăng, dầu, họ sẽ cân nhắc hơn trong việc sử dụng xe cá nhân.
Tâm lý này sẽ là một tiền đề tốt cho việc phát triển vận tải hành khách công cộng, chống ùn tắc giao thông. Bớt sử dụng xăng, dầu làm bớt khí phát thải còn làm bầu không khí thành phố bớt ngột ngạt, không tạo ra luồng khí nóng gây hiện tượng đảo nhiệt, hiện tượng làm cho những cơn mưa ở TPHCM ngày càng lớn, càng dữ dội hơn. Chính vì vậy, đã đến lúc việc tiết kiệm xăng, dầu cần được quan tâm đúng mức hơn vì những lợi ích thiết thực của nó.
Nguyễn Khoa