Cơ sở hạ tầng để ứng phó với biến đổi khí hậu: Nghèo nàn!

Tuần qua, Phân viện Khí tượng - thủy văn và Môi trường Nam bộ đã tổ chức hội thảo về xây dựng mô hình tính toán một số thông số dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) phục vụ quy hoạch sử dụng đất, giao thông, tài nguyên nước và hạ tầng cơ sở cho TPHCM. Hội thảo đã có những đánh giá bước đầu về thực trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của TPHCM trước hiện tượng trái đất đang nóng dần lên.
Cơ sở hạ tầng để ứng phó với biến đổi khí hậu: Nghèo nàn!

Tuần qua, Phân viện Khí tượng - thủy văn và Môi trường Nam bộ đã tổ chức hội thảo về xây dựng mô hình tính toán một số thông số dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) phục vụ quy hoạch sử dụng đất, giao thông, tài nguyên nước và hạ tầng cơ sở cho TPHCM. Hội thảo đã có những đánh giá bước đầu về thực trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của TPHCM trước hiện tượng trái đất đang nóng dần lên.

Cơ sở hạ tầng thủy lợi: Khó chịu được triều lớn

Xây dựng đê bao là việc không phổ biến ở TPHCM vì triều cường của thành phố là triều “hiền”, từ từ vào và từ từ ra, ít gây hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân như ở một số địa phương khác. Tuy nhiên, trong thời kỳ BĐKH với những biểu hiện như mưa nhiều, triều cao… theo các nhà khoa học thuộc Phân viện Khí tượng - thủy văn và Môi trường Nam bộ, đánh giá lại cơ sở hạ tầng thủy lợi của thành phố là một việc làm cần thiết bởi một trong những giải pháp ứng phó với triều cường hiệu quả nhất là làm đê và bờ bao.

Triều cường gây ngập trên đường Huỳnh Tấn Phát sáng 21-1. Ảnh: THÀNH TÂM

Triều cường gây ngập trên đường Huỳnh Tấn Phát sáng 21-1.  Ảnh: THÀNH TÂM

Cũng theo các nhà khoa học ở đây, hệ thống đê bao và bờ bao trong khu vực nội thành được xây dựng và hoạt động hiệu quả, song trong nhiều cơn mưa lớn hoặc triều cường dâng cao, nhiều đoạn đê bao và bờ bao đã tỏ ra quá sức chịu đựng. Nhiều đoạn đê bao, bờ bao ở các quận Thủ Đức, quận 12, huyện Bình Chánh đã bị vỡ hoặc sạt lở. Hệ thống kè và đê biển ở huyện Cần Giờ tuy có khá hơn, nhưng ở nhiều nơi cũng đã xuất hiện tình trạng xói mòn và lỗ mọt. Như vậy, về lâu dài, khi mà hiện tượng BĐKH diễn biến phức tạp hơn, nếu không được gia cố kịp thời, hệ thống đê bao, bờ bao, kè, đê biển rất có khả năng bị bể, bị sạt.

Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đánh giá của các nhà khoa học ở Phân viện Khí tượng - thủy văn và Môi trường Nam bộ khá tương đồng với nhận định của các chuyên gia về giao thông. Đó là hệ thống đường của thành phố vừa thiếu lại vừa xuống cấp trầm trọng. Hiện diện tích đường mới chiếm 5%-7% diện tích thành phố trong khi đó định mức chuẩn là 20%. Số lượng đường cũ đã xuống cấp chiếm phần áp đảo so với những công trình được xây dựng mới. Điều này đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh BĐKH đang ngày một diễn ra gay gắt hơn khi số ngày nóng và sóng nhiệt có thể gia tăng, làm hỏng lòng đường (bộ) cũng như làm hỏng đường ray của hệ thống đường sắt. BĐKH có thể gây ra nhiều trận mưa lớn và ngập cũng là một trong những nguyên nhân làm hệ thống đường, vỉa hè mau hư hỏng.

Cơ sở hạ tầng cấp, thoát nước: Quá tải - xuống cấp nhanh

Tương tự hệ thống giao thông, hệ thống cấp, thoát nước của TPHCM cũng đa phần là cũ, chỉ tập trung ở khu vực nội thành. Đặc biệt, hệ thống thoát nước có đến hơn 50% cống cũ kỹ, được xây dựng từ mấy chục năm trước. Đã vậy hệ thống cống thoát nước ở nhiều nơi, nhiều chỗ lại đang bị xâm hại nghiêm trọng. Mạng lưới sông, kênh rạch - đầu ra của hệ thống cống thoát nước cũng bị san lấp rất nhiều. Việc lắp đặt các cửa xả trên kênh rạch chưa được tính toán đầy đủ tác động của triều cường và lũ ở thượng lưu nên ở nhiều nơi xảy ra hiện tượng nước bị “tràn ngược” vào trong hệ thống thoát nước, rồi chảy ra đường phố, gây ngập trong nhiều khu dân cư.

BĐKH sẽ có những tác động hết sức nguy hiểm đối với hệ thống cấp thoát nước già nua này của thành phố. Trước hết, đối với hệ thống cấp nước, nhiệt độ gia tăng sẽ dẫn đến sự gia tăng nước bốc hơi khiến cho lượng nước mặt - nguồn nước thô để sản xuất ra nước sạch ở thành phố giảm. Ngoài ra, khí hậu nóng bức cũng có thể làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước trong sinh hoạt và sản xuất. Hậu quả là hệ thống cấp nước già nua của thành phố càng bị áp lực hơn nữa. Đó là chưa kể đến tình trạng xâm nhập mặn mà muốn xử lý được nước nhiễm mặn thành nước ngọt, đòi hỏi chi phí rất cao, ước có thể cao gấp 10 lần chi phí xử lý nước thô thông thường. Đối với hệ thống thoát nước, mưa nhiều, triều cường ngày một cao hơn cũng đồng nghĩa với sự quá tải và xuống cấp nhanh hơn nữa.

TPHCM là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về mức tiêu thụ năng lượng. Trong đó điện năng chiếm tỷ lệ cao nhất với 45%, xăng chiếm 25%, khí gas chiếm 17%, than chiếm 11% và khí sinh học chiếm 2%.

BĐKH với những trận mưa, bão thường xuyên sẽ có tác động xấu đến mạng lưới truyền điện và đường dây cung cấp điện. Nhiều số liệu của các cơ quan chuyên môn cho thấy khoảng 60% đường dây điện 500 kV hiện nay của thành phố nằm trong vùng ngập nước và chưa có các dự án kiểm soát ngập lụt. Đó là chưa kể đến tình trạng quá phụ thuộc vào năng lượng điện và các dạng năng lượng hóa thạch khác, thành phố có thể gặp khó khi các giàn khoan hoặc nhà máy lọc dầu nằm trên biển hoặc gần bờ biển bị gió bão do BĐKH làm hư hại.

Thiết bị trong dự báo khí tượng - thủy văn: hạn chế

Hiện nay trên địa bàn TPHCM có 2 trạm quan trắc khí tượng, với một trạm đặt ở khu vực Tân Sơn Nhất và một trạm còn lại đặt ở khu vực Tân Sơn Hòa. Ngoài 2 trạm này, còn một trạm nữa đang được xây dựng ở huyện Nhà Bè và đang trong quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, trạm ở khu vực Tân Sơn Nhất chủ yếu phục vụ cho ngành hàng không; trạm ở Tân Sơn Hòa trong gần 10 năm trở lại đây do khu vực xung quanh xuất hiện nhiều nhà cao tầng nên đã không còn hoạt động hiệu quả nữa. Hiện chỉ hy vọng trạm quan trắc khí tượng ở Nhà Bè đi vào hoạt động thì thành phố mới có một trạm quan trắc đạt yêu cầu. Thế nhưng, hiện nay công tác đo đạc vẫn chủ yếu dựa vào các thiết bị thủ công, do đó việc cung cấp số liệu số hóa, đặc biệt số liệu thời gian thực hiện cho các mô hình dự báo, cảnh báo thiên tai còn gặp nhiều khó khăn. Nói tóm lại, việc đầu tư máy móc, công nghệ cho ngành khí tượng - thủy văn làm tốt nhiệm vụ của mình đòi hỏi phải có một số vốn rất lớn.

AN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục