“Tiếp tục tăng cường công tác tổ chức giao thông cho phù hợp với các tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông và mất an toàn giao thông, đặc biệt cần tập trung nghiên cứu giải quyết triệt để các giao cắt nguy hiểm ở giao lộ và phân làn xe cho phù hợp cho các tuyến đường” - ông Đậu An Phúc, Trưởng Phòng Quản lý Giao thông Đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết như vậy khi nói về nhiệm vụ lập lại trật tự giao thông đường bộ ở thành phố.
Theo ông Đậu An Phúc, sắp tới Sở Giao thông Vận tải sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống tín hiệu giao thông trên địa bàn thành phố, kịp thời phát hiện những bất cập để có phương án xử lý; sửa chữa ngay các biển báo hay đèn tín hiệu giao thông bị hư hỏng; đảm bảo tầm nhìn cho người điều khiển phương tiện quan sát tốt các hệ thống tín hiệu giao thông đường bộ.
Sở Giao thông Vận tải sẽ bổ sung đèn tín hiệu giao thông cho phép rẽ phải, rẽ trái ở các giao lộ có mật độ xe quá cao, nhất là ở khu vực trung tâm thành phố. Mặt khác, sẽ nghiên cứu tổ chức thực hiện hình thức thay đổi số lượng các làn xe trên một số tuyến có lưu lượng xe thay đổi theo các thời điểm khác nhau trong ngày để tăng năng lực thông xe trong điều kiện không thể mở rộng thêm mặt đường. Nhanh chóng lắp đặt các dải phân cách thép tại đầu các giao lộ thường xảy ra tình trạng ùn, tắc giao thông để tránh việc lấn trái khi dừng chờ đèn tín hiệu giao thông; triển khai lắp đặt dãi phân cách thép và hàng rào thép trên một số tuyến đường nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Cán bộ chuyên môn của sở sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai lắp đặt biển báo trộn dòng tại các giao lộ có mật độ lưu thông cao và phức tạp về luồng tuyến giao thông. Tiếp tục triển khai lắp đặt hệ thống biển báo giao thông dạng cần vươn tại các tuyến đường trục của thành phố. Sở sẽ phối hợp với các đội Cảnh sát Giao thông, UBND các quận - huyện tại các cửa ngõ giao thông ra vào thành phố, nghiên cứu tổ chức điều chỉnh giao thông phù hợp nhằm giải quyết ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông tại các cửa ngõ.
Các Khu Quản lý Giao thông Đô thị sẽ phải chủ trì theo địa bàn quản lý xây dựng các kế hoạch phối hợp chống ùn tắc, phương án ứng phó khi xảy ra sự cố về giao thông trên các cầu quan trọng như cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu, cầu trên quốc lộ 1, cầu Phú Mỹ,… Trong đó, Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1 nhanh chóng chủ trì phối hợp với các Khu Quản lý Giao thông Đô thị 2, 3, 4, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ nghiên cứu và đề xuất vành đai hạn chế lưu thông của các phương tiện vận chuyển hành khách từ 30 chỗ ngồi trở lên vào các giờ cao điểm sáng, chiều; báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 6-2011.
Sở Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp hỗ trợ chủ đầu tư các công trình xây dựng hệ thống thoát nước lớn trên địa bàn thành phố trong công tác phân luồng giao thông phục vụ thi công xây dựng như Dự án Cải thiện môi trường nước, Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Dự án Nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án Nâng cấp lưu vực Kênh Tân Hóa - Lò Gốm,… Tăng cường công tác quản lý về chất lượng công tác tái lập mặt đường và rào chắn trong quá trình thi công và hoàn thiện.
Tiếp tục khảo sát và lập danh mục cụ thể các vị trí, đoạn đường thường xuyên xảy ra tình trạng mua bán lấn chiếm lòng, lề đường để cung cấp cho các quận, huyện yêu cầu kiên quyết chấn chỉnh. Tiếp tục khảo sát và lập danh mục các vị trí, đoạn đường tại các khu vực, địa điểm tập trung đông người như bệnh viện, trường học, nhà hàng tiệc cưới, siêu thị, trung tâm thương mại, trường quốc tế,… thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông để triển khai lắp các biển báo cấm dừng, đậu xe trong các giờ cao điểm sáng chiều. Nghiên cứu và đề xuất các biện pháp mạnh như: đình chỉ hoạt động kinh doanh có thời gian hoặc rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn đối với các cá nhân, đơn vị không phối hợp với cơ quan có chức năng trong việc giải quyết tình trạng mất trật tự an toàn giao thông trước khu vực kinh doanh. Khảo sát và lập danh mục cụ thể các trường quốc tế và các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học… thường xuyên gây ùn tắc hay mất an toàn giao thông để gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ủy ban nhân dân các quận huyện kịp thời chấn chỉnh.
TÂM ĐỨC