Có thẻ BHYT hưởng 100% mà vẫn mất tiền khám bệnh?

Tôi là người có công với đất nước, mức lương hưu sau bao nhiêu năm công tác, chiến đấu của tôi như vậy là chưa xứng đáng. Vậy Bảo hiểm xã hội TPHCM có hướng giải quyết cho tôi như thế nào? Về bảo hiểm y tế, tôi được BHYT diện 100%, tại sao khi khám bệnh vẫn phải đóng thêm viện phí? 
Có thẻ BHYT hưởng 100% mà vẫn mất tiền khám bệnh?
Tôi có 12 năm chiến đấu ở cả 3 chiến trường A, B, C, có tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và được tặng thưởng nhiều huân chương. Năm 1976, tôi phục viên, giữ nhiều chức vụ khác nhau. Năm 1993, tôi nghỉ hưu, hưởng 249 đồng/tháng. Qua nhiều lần điều chỉnh, đến nay tôi vẫn chỉ được hưởng lương hưu 2.713.000 đồng/tháng. Tôi là người có công với đất nước, mức lương hưu sau bao nhiêu năm công tác, chiến đấu của tôi như vậy là chưa xứng đáng. Vậy Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM có hướng giải quyết cho tôi như thế nào? Về bảo hiểm y tế (BHYT), tôi được BHYT diện 100%, tại sao khi khám bệnh vẫn phải đóng thêm viện phí?  (BÙI TRƯƠNG TÝ, quận 12, TPHCM)
Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc BHXH TPHCM: Ông được hưởng chế độ hưu trí từ tháng 5-1993 theo Quyết định số 01/QĐ ngày 29-5-1993 của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bạc Liêu, mức lương chính trước khi nghỉ hưu là 333 đồng. Lương hưu cao hay thấp là do các yếu tố: mức lương trước khi nghỉ hưu, thời gian công tác và phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước tại thời điểm giải quyết. Nếu ông nhận thấy lương hưu thấp, chưa xứng đáng với thời gian công tác, chiến đấu thì ông có đơn gửi đến Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bạc Liêu xem xét, giải quyết.
Về thẻ BHYT, ông có thẻ BHYT diện 100%, ông sẽ được BHXH thanh toán 100% khi đi khám chữa bệnh đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, khám chữa bệnh ở bệnh viện tuyến huyện, hay khi cấp cứu hoặc có giấy chuyển tuyến. Còn trong các trường hợp khác như: khám chữa bệnh trái tuyến; sử dụng các dịch vụ kỹ thuật tại các khoa có máy móc liên doanh, liên kết, máy đặt (không phải máy móc của Nhà nước); các dịch vụ theo yêu cầu, sử dụng thuốc, vật tư y tế ngoài danh mục của Bộ Y tế về BHYT thì ông phải đóng tiền chênh lệch hoặc đóng toàn bộ.
Tôi hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, lâu nay được BHYT thanh toán khám chữa bệnh 100%. Ngày 16-5, tôi khám mắt tại Bệnh viện Thống Nhất và được bác sĩ cho chụp OCT mắt. Bệnh viện buộc tôi phải trả 539.000 đồng. Bệnh viện làm vậy  là đúng hay sai, sao tôi lại phải mất tiền? (le_thanh_tuyen…@yahoo.com.vn)
Tôi rà lại hồ sơ thì thấy, ông được chỉ định kỹ thuật chụp OCT mắt tại Bệnh viện Thống Nhất. Tuy nhiên, máy chụp OCT tại Bệnh viện Thống Nhất là máy thuê ngoài và giá thuê chụp hai mắt là 750.000 đồng, giá BHYT thanh toán là 211.000 đồng. Vì vậy, ông phải nộp 539.000 đồng (khoản chênh lệch giữa giá của Nhà nước với giá thuê) là đúng theo quy định.
Tôi đi kháng chiến từ năm 1967-1975, có Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba. Giấy tờ của tôi ghi tôi là “thương binh hạng A vĩnh viễn 1/8”. Hiện nay, tôi đang hưởng BHYT mã HT2. Tôi xin hỏi: “thương binh hạng A vĩnh viễn 1/8” nghĩa là gì? Tôi cũng bị nhiễm chất độc da cam, tỷ lệ 61%. Vậy tôi có được đổi sang thẻ BHYT mã HT1 không? (LÊ VĂN TƯ, quận 8, TPHCM)
Tôi vừa là thương binh, tỷ lệ thương tật 31%, vừa là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học với tỷ lệ mất sức 58%. Tôi có BHYT mức hưởng 100% mã HT2, vậy có được chuyển sang mức hưởng cao hơn là HT1 không? (NGUYỄN NHẤT CƯỜNG, quận 1, TPHCM)
Tôi là thương binh, tỷ lệ 71%. Từ năm 2013, tôi hưởng thêm diện nhiễm chất độc hóa học, mỗi tháng lãnh hơn 1,8 triệu đồng. Tôi có được điều chỉnh thẻ BHYT sang mã HT1 không? (HUỲNH CÔNG TÂM, quận 3, TPHCM)
Theo quy định, người có công với cách mạng, có mức hưởng ghi trên thẻ BHYT ký hiệu bằng số 1, gồm: người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Trường hợp của ông Lê Văn Tư, ông là “Thương binh hạng A vĩnh viễn 1/8”, có nghĩa là tương đương với tỷ lệ mất sức lao động do thương tật từ 2% - 40%; vừa là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học với tỷ lệ mất sức lao động 61%. Cả hai diện đối tượng đều không thuộc đối tượng hưởng quyền lợi BHYT mức 1 như quy định nêu trên. Do đó, ông không thuộc đối tượng hưởng quyền lợi BHYT mức 1.
Tương tự, hai ông Nguyễn Nhất Cường và Huỳnh Công Tâm cũng không thuộc đối tượng được chuyển sang thẻ BHYT mức 1.

Tin cùng chuyên mục