Chiều 25-5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về báo cáo của đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị quyết 43 được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ. Trên thế giới, do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, các nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Trong nước cũng có hàng loạt yếu tố bất lợi: sự cố Ngân hàng SCB, thị trường bất động sản đóng băng, trái phiếu doanh nghiệp gặp khó…
“Chính phủ đã quyết liệt cố gắng thực hiện các chương trình tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế”, nữ Thống đốc khẳng định.
Theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, “chưa có chương trình nào NHNN dành nhiều thời gian, công sức triển khai như vậy”.
NHNN tổ chức nhiều hội nghị, yêu cầu chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, thừa nhận kết quả chương trình này thấp, Thống đốc lý giải, đây là chính sách hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, tức là có khả năng trả nợ vay, chứ không phải là chính sách giải quyết cho tất cả doanh nghiệp trong nền kinh tế gặp khó khăn.
“Bởi vốn cho vay trong chương trình này là vốn các ngân hàng huy động từ người dân. Chỉ có vốn của chương trình hỗ trợ lãi suất 2% của Ngân hàng Chính sách là nguồn lực ngân sách. Vì thế, các ngân hàng thương mại phải thực hiện cho vay theo quy định hiện hành, đảm bảo khả năng thu hồi nợ. Cho nên, giải ngân nhiều hay ít phụ thuộc vào bài toán của doanh nghiệp, của ngân hàng thương mại”, nữ Thống đốc nêu rõ.
Bà Nguyễn Thị Hồng cũng cho hay, NHNN đã báo cáo chi tiết các khó khăn, hạn chế của chương trình này gửi Chính phủ, Quốc hội.
Phản hồi nhận định nêu trong báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội rằng một trong những lý do khiến tỷ lệ giải ngân theo chính sách này còn thấp là do “truyền thông chưa sâu rộng tới khách hàng, theo khảo sát của VCCI chỉ 29,5% doanh nghiệp biết đến chính sách này”, bà Nguyễn Thị Hồng đề nghị cân nhắc thêm nhận định này.
“Không chỉ tổ chức hội nghị, chi nhánh NHNN tại các địa phương đều tổ chức hội nghị kết nối và mời đại diện các hiệp hội doanh nghiệp. Tức là hội viên các hiệp hội doanh nghiệp đều nắm bắt được thông tin qua người đại diện. Các ngân hàng cũng đăng tải thông tin chính sách hỗ trợ trên website… VCCI chỉ khảo sát 8.000 doanh nghiệp tư nhân, chưa chiếm 1% số doanh nghiệp toàn quốc và thực hiện trong thời gian ngắn, nên không thể là chỉ dẫn đánh giá cả chương trình”, bà Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.
Thống đốc NHNN tâm đắc với ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội trước đó cho rằng trong bối cảnh phức tạp, chính sách chưa sát thực tiễn là dễ hiểu, nhưng quan trọng là rút ra kinh nghiệm gì để hỗ trợ người dân, tiền ngân sách tới tay doanh nghiệp, người dân nhanh nhất. Thống đốc NHNN bày tỏ quan điểm, với chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, không phải vì được hỗ trợ lãi suất mà doanh nghiệp quyết định vay vốn. Quan trọng hơn doanh nghiệp có sự tính toán vay làm gì, có khả năng trả nợ hay không.
“Lãi suất chỉ là một trong số chi phí đầu vào, nên để hỗ trợ doanh nghiệp thì có thể cân nhắc giải pháp thuế, chính sách khác”, bà Nguyễn Thị Hồng nêu.
Tóm lại, với gói 40.000 tỷ đồng dành cho hỗ trợ lãi suất, tới cuối 2023 đã giải ngân được 3,05% và đã kết thúc chương trình. Chính phủ đã báo cáo, đề xuất Quốc hội không huy động thêm nguồn lực cho chương trình này. Trường hợp tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, thì có thể đưa vào chương trình khác, như chuyển sang chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, hoặc các chương trình an sinh xã hội.