Truyện ngắn

Cổ tích ở hẻm

HỒ MAI HƯƠNG
Cổ tích ở hẻm

Sau nhiều năm yên tĩnh, bỗng nhiên hẻm 383 trở nên nổi tiếng, được rất nhiều người biết đến, bàn tán. Không phải chuyện chết người, cháy nhà hay kỳ lạ kỳ quặc. Một chuyện vui, giống như cổ tích. Cũng không phải loại cổ tích thời @ thường xuất hiện trên internet. Người trong hẻm nói vui với nhau, đấy là cổ tích hẻm. Vậy, chuyện xảy ra như thế nào?

Bỗng dưng hẻm 383 có thêm một cư dân mới. Cư dân này hết sức đặc biệt, xuất hiện bất ngờ. Giống như từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất chui lên.

Minh họa: HỒ MAI HƯƠNG

Minh họa: HỒ MAI HƯƠNG

Một giáo sư - tiến sĩ nổi tiếng về công nghệ nano. Ông là một nhà khoa học được đào tạo bài bản ở Anh và Mỹ. Một Việt kiều sinh sống tại Úc nhưng gắn bó với đất nước từ nhiều năm nay. Cuộc đời của ông nếu kéo dài, dài đến vô cùng. Cần thu ngắn lại, vài ba dòng chữ cũng đủ. Một cuộc đời chỉ biết có khoa học, chỉ đam mê “những thứ nhỏ bé nhất, những gì mắt thường không nhìn thấy”.

Ông là con trai độc nhất của một gia đình trí thức giàu có ở đất Sài Gòn. Sinh ra và lớn lên trong những điều kiện tốt nhất để phát triển. Năm 23 tuổi, trước khi đi du học ở Mỹ, công tử con nhà giàu bỗng thấy những bước đi nhún nhảy của cô hầu gái trong nhà có sức hấp dẫn kỳ lạ. Bắp chân thon thả cùng với phần dưới cơ thể từ thắt lưng trở xuống mỗi lần chuyển động dường như đều phát ra những âm thanh có sức truyền cảm mạnh mẽ. Âm thanh ấy hàm chứa nét đẹp mê hồn của “Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ”, “Dòng Đanuýp xanh”, của tiếng chim hót, tiếng sấm rền trong mưa...

Từ nhỏ, chàng đã quen sống muốn gì được nấy! Ý thích của chàng là ý thích của Thượng đế. Chàng muốn những bước đi của cô hầu gái mới ở quê ra theo đồ thị Sin đến với mình. Chàng ôm lấy đôi chân thiên thần ấy. Những bước đi quyến rũ dừng lại. Cô hầu gái khóc lóc thảm thiết. Chàng ngơ ngác với chính mình. Đã xảy ra một phản ứng hóa học trong cuộc đời chàng. Nguyên tố đàn ông kết hợp với nguyên tố đàn bà đã tạo ra hai hợp chất mới. Hợp chất thứ nhất đã kết tủa gọi là con nằm trong bụng cô hầu gái. Hợp chất thứ hai hình thành mang tên gọi hôn nhân. Chàng thản nhiên nói: “Tất nhiên rồi, cái gì xảy ra cứ làm theo đúng tên gọi của nó”.

Nhưng cha mẹ và dòng họ chàng không chấp nhận sự “kết tủa” ấy. Họ nhanh chóng đẩy chàng lên máy bay đi Mỹ và nhanh chóng gửi cô hầu gái tên Thảo đến bệnh viện để loại trừ sản phẩm sau phản ứng hóa học. Ở bệnh viện, cô gái không chịu lên bàn mổ hút thai, bỏ chạy ra ngoài đường. Cô gái chạy miết, chạy miết. Đường phố Sài Gòn năm ấy cũng chẳng khác rừng rậm là bao. “Con bò lạc” chân quê đẹp như thiên thần không bị những con thú săn mồi hạ sát mới là điều lạ...

Cô bị nhốt trong vũ trường. Múa, hát và làm mọi thứ để mua vui cho kẻ có tiền. Chủ chứa buộc cô phá thai để làm việc. Một người bạn ca sĩ - vũ nữ có vị thế trong giới giang hồ đã đưa cô về sống chung trong nhà. Đứa trẻ ra đời. Có hai người mẹ chăm sóc. Chàng công tử bay đến Hoa Kỳ. Chuyện ở quê nhà nhanh chóng bị đẩy ra khỏi bộ nhớ. 5 năm, 10 năm rồi 20 năm qua đi. Với rất nhiều phản ứng thành công, rất nhiều thứ nhỏ nhất trong thế giới vật chất được sáng tỏ, được giải mã, nhà khoa học người Việt ấy đã giúp ích nhiều cho sự phát triển của khoa học.

Nhưng ông chẳng giúp gì được cho cha mẹ, gia đình. Hai lần lấy vợ. Thất bại cả hai. Một cô gái người Mỹ gốc Italia chỉ ở với ông được 6 tháng. “Tôi không phải là con thú nhồi bông”. Vợ nghiêm túc nói. “Vậy cô muốn đi đâu thì đi”. Chồng cũng nói nghiêm túc. Ly hôn vui vẻ. Người vợ thứ hai là phụ nữ gốc Việt theo gia đình di tản sang Mỹ sau tháng 4-1975. Cũng chỉ được một năm hai tháng mười ngày. Cha mẹ chán nản, buồn rầu chết ở Úc. Cái chết của cha, mẹ đã tác động sâu sắc tới cuộc sống của nhà khoa học. Ông nhớ tới quê cha đất tổ nhiều hơn.

“Ở Mỹ, ở Anh không có mưa giống như mưa Sài Gòn ở Việt Nam”. Ông than phiền với các đồng nghiệp. Người ta hỏi: “Mưa Sài Gòn như thế nào?”. Ông nồng nhiệt giảng giải: “Mưa Sài Gòn đẹp như tiếng nhạc “Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ”, “Dòng Đanuýp xanh”... Sợ người ta không hiểu, ông mô tả rõ hơn, cụ thể hơn: “Nó (tức mưa Sài Gòn) giống như một thiếu nữ đẹp ở tuổi biết yêu uyển chuyển mềm mại, từ trên cao đi xuống, từ phía dưới đi lên lảnh lót mời gọi ta cùng nhảy một điệu van thân thiết, ngọt ngào”. Người ta vẫn không hiểu, không biết hết cái đẹp của mưa Sài Gòn, nhưng người ta biết được Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh ở đâu trên bản đồ thế giới.

Có nhiều thứ, nhiều điều khiến ông e ngại mỗi lần có ý muốn trở về Việt Nam, trở lại Sài Gòn. Ông định cư sinh sống làm việc ở Úc để có cảm giác gần Sài Gòn hơn. Người Sài Gòn sống ở Úc khá nhiều. Ngay tại trường đại học ông giảng dạy cũng có những sinh viên Việt Nam quê ở Sài Gòn. Tiếp xúc với họ, ông càng nhớ mưa Sài Gòn, nhớ đôi chân trần của cô hầu gái năm xưa.

Sau khi Tổng thống Mỹ Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, giới kinh doanh và khoa học công nghệ Mỹ và khu vực nói tiếng Anh rầm rộ tới Hà Nội. Nhiều cuộc hội thảo quốc tế do Việt Nam tổ chức. Ông trở về Sài Gòn với tư cách khách mời nhiều lần. Lần nào ông cũng bỏ ra nhiều công sức tiền bạc tìm kiếm người hầu gái tên Thảo năm xưa. Biển người mênh mông. Thời gian mênh mông. Con người, một vật thể lớn nhất, cũng là một vật thể nhỏ nhất. Còn khó hơn mò kim đáy biển. Có lẽ, một trong những tố chất quan trọng tạo nên thành công cho các nhà khoa học là sự kiên nhẫn và niềm đam mê tìm kiếm cái không thể tồn tại. “Con người không thể biến mất mà không để lại dấu vết gì”. Ông tin chắc điều đó. Vấn đề ở thời gian.

Để giúp cho công việc tìm kiếm, ông nhận làm việc giảng dạy và cộng tác viên một số trường đại học và viện khoa học ở Việt Nam. Lần lần, với sự giúp đỡ của nhiều người, trong đó có một số sinh viên thuê nhà ở trọ trong hẻm, ông biết được người hầu gái năm xưa đã sinh cho ông một đứa con trai và sống tại hẻm này. Người hầu gái đã chết cách đây vài năm. Con trai ông đã lấy vợ có con, là chủ nhà số 8 trong hẻm. Đã hơn 40 tuổi rồi.

Ông gần như chết lặng trong phòng làm việc gần một giờ đồng hồ. Ngồi bất động. Trân trân nhìn vào nơi vô định. Con người là một hợp chất kỳ diệu. Nhưng cuộc sống còn kỳ diệu hơn. Cái điều ông không bao giờ nghĩ tới lại xảy ra. Ông đã thành ông nội. Ông đến hẻm 383, đi tới đi lui. Nhìn ngó nhà số 8. Người ta tưởng ông tìm nhà ở trọ. Nồng nhiệt giới thiệu. Khi sáng tỏ sự thật, người trong hẻm mở tiệc chiêu đãi ông. Mọi người nối nhau hỏi ông về cuộc sống ở Mỹ, ở các nước phương Tây. Nhưng xem ra ông không đáp ứng được yêu cầu của họ.

Những vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, tình yêu, mốt và cả những kỳ quan thế giới ông đều không biết rõ. Thậm chí đến Holiút, tháp Épphen, nhà hát hình con sò ông cũng chưa biết mặt mũi thế nào. “Đôi lần đi ngang qua nhưng tôi không để ý”. Ông thật thà thú nhận. Ông cũng chẳng biết người dân ở Mỹ, ở Anh, ở Úc sống thế nào. Rốt cuộc, mọi người đành phải để cho ông tự do tâm sự, nói ra những suy nghĩ, cảm nhận của mình.

Ông tự nhận có lỗi với quê hương với cha mẹ với vợ con. Ông muốn sống trong không gian đời sống gia đình như mọi người. Khoa học kỹ thuật rồi đây sẽ tạo ra rất nhiều thứ phục vụ cho cuộc sống. Nhưng có một thứ mà khoa học không thể chế tạo phát minh ra được. Đấy là tình người, tình cảm gia đình ruột thịt, tình mẫu tử, tình cha con, tình anh em, tình nhân ái, bao dung.

Cuộc sống của con người luôn phải đối mặt với những kẻ thù đói khát, bệnh tật và sự cô đơn. Kẻ thù cô đơn đôi khi còn nguy hiểm hơn cả đói khát, bệnh tật. “Công nghệ tế bào có thể loại trừ được đói khát, bệnh tật nhưng không thể loại bỏ được nỗi cô đơn. Chỉ có quê hương, gia đình, tình người mới có thể loại bỏ được nó”. Nhà khoa học tư lự nhìn xa trong lúc mọi người vẫn hào hứng cụng ly với những tiếng “dô, dô!” vang dậy trời đất.

Tân Văn

Tin cùng chuyên mục