Viết tiếp “Thủy điện gây họa: Nhân tai chồng thiên tai”
Lũ rồi lũ chồng lũ một phần do thủy điện xả nước đột ngột khiến hàng vạn gia đình xơ xác, lao đao vì thiệt hại nặng. Báo SGGP số ra ngày 23-10 phản ánh đã nhận được sự đồng tình rất cao trong dư luận.
“May có ông chủ tịch can thiệp”
Từ đêm 14 kéo dài đến sáng 17-10, người dân các huyện Quảng Điền và Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế tuy đối mặt với gió bão số 11 chà qua xát lại, gây thiệt hại lớn về tài sản nhưng vẫn lạc quan rỉ tai nhau: “May có ông chủ tịch (ý nói Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao - PV) kiên quyết buộc lãnh đạo Nhà máy thủy điện Hương Điền trên thượng nguồn sông Bồ xả nước trước khi bão đổ bộ. Chứ không sẽ còn thiệt hại nhiều hơn”, ông Nguyễn Văn Tư, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền nhận định.
Thật vậy, theo yêu cầu của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, bắt đầu từ 15 giờ ngày 13-10, Nhà máy thủy điện Hương Điền phải xả nước trong lòng hồ với lưu lượng khoảng 200m³/giây. Song thực tế kiểm tra lúc 9 giờ sáng 14-10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao nhận thấy: Nhà máy thủy điện Hương Điền không chấp hành đúng quy chế phối hợp và yêu cầu nhà máy thủy điện này chấp hành nghiêm túc quy chế phối hợp với Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc xả lũ và điều tiết nước. Trong đó nhấn mạnh, trước 24 giờ ngày 14-10, nhà máy phải xả nước theo quy trình: 9 giờ, xả 500m³/giây, tăng dần lưu lượng xả 200m³/giây một lần, đạt 1.000m³/giây. Quá trình xả lũ thường xuyên báo cáo với Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh để theo dõi, có sự chỉ đạo điều tiết, xả lũ hợp lý nhằm tránh mực nước ở hạ du tăng đột biến.
Trong khi đó, đập thủy điện Đakrông 3 nằm trên sông Đakrông chảy song song với đường Hồ Chí Minh từ cầu Đakrông (Quảng Trị) qua hướng huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhánh sông Đakrông này dài hơn 60km, đang gánh trên mình 4 đập thủy điện theo dạng bậc thang trải dài từ xã Tà Rụt ra tới cầu Đakrông (thuộc huyện Đakrông). Tuy nhiên, chưa đầy một năm tích nước, đập thủy điện Đakrông 3 đã 2 lần (tháng 10-2012 và tháng 9-2013) vỡ thân đập, uy hiếp tính mạng người dân khiến dư luận lo ngại về chất lượng công trình. Ông Hồ Văn Sự, thôn Pa Hy, xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, âu lo: “Chưa xây Nhà máy thủy điện Đakrông 3, mưa lớn lịch sử năm 2009, lũ trên sông Đakrông cũng không ngập nhà. Nhưng khi thủy điện này tích nước để phát điện, chỉ nghe có mưa lũ là bà con chúng tôi đã nhốn nháo vì không di dời khẩn cấp lên cao sẽ bị nhấn chìm do lũ”. - ông Sự nói.
Thiếu khảo sát, đánh giá
Lợi ích trước mắt từ thủy điện, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã ồ ạt bổ sung và điều chỉnh quy hoạch hàng loạt dự án thủy điện. Riêng Gia Lai quy hoạch trên cả ba lưu vực sông Sê San, Sêrêpốk, sông Ba với hàng trăm bậc thang thủy điện. Tại Quảng Nam, đến nay có đến 48 dự án thủy điện (trừ những dự án đã được phê duyệt nhưng sau đó bị thu hồi)… Không ít người nói vui, các địa phương này đã hoàn thành chỉ tiêu “phủ sóng” thủy điện.
Nghị định 72 của Chính phủ quy định, bên cạnh các phương án đảm bảo an toàn cho hồ đập và vùng hạ du, chủ đầu tư phải xây dựng kịch bản đề phòng sự cố khẩn cấp vỡ đập. Nhưng thực tế không mấy thủy điện làm được việc này. Trong khi, đập thủy điện vỡ liên tục xảy ra trên cả nước những tháng vừa qua như La Krêl 2 (Gia Lai) hay hai bên bờ kênh dẫn dòng thủy điện Sêrêpốk 4A (đoạn qua buôn Yang Bông, xã Ea Huar, Buôn Đôn, Đắk Lắk) bị vỡ một đoạn khoảng 10m… Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế nhìn nhận, hầu hết các thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên đều chưa xây dựng kịch bản đề phòng sự cố khẩn cấp vỡ đập theo Nghị định 72 vì ngại tốn kém một nguồn kinh phí lớn để khảo sát, đánh giá, tình trạng ngập lụt vùng hạ du, phương án di dời dân khẩn cấp khi xảy ra sự cố vỡ đập. Xem ra tính mạng người dân đang bị coi thường.
VĂN THẮNG - LAN NGỌC