Cơm “bụi” sinh viên

Cơm “bụi” sinh viên

Với sinh viên các tỉnh lên TPHCM trọ học, chuyện “làm đầy” bao tử cũng lắm điều thú vị!

  • Ăn cầu no

12 giờ trưa, quán cơm trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh (gần ĐH Giao thông Vận tải-ĐH GTVT) rất đông người. Mặc xe cộ chạy ngoài đường xả bụi, khói mù mịt, quán này vẫn tấp nập thực khách ra vô. Sinh viên (SV) đeo cặp, ôm sách ngồi xen với các bác tài xe ôm, xích lô… ăn uống ngon lành.

Cơm “bụi” sinh viên ảnh 1

Các SV trường ĐH Công nghiệp nhận cơm và thanh toán tại quầy tính tiền tự động.

Hùng (năm 4, khoa Máy tàu, ĐH GTVT) tâm sự: “Mỗi bữa tiêu chuẩn của em chỉ 5.000 đồng thôi. Ba mẹ ở quê viện trợ chỉ 500.000 đồng/tháng nên phải tính toán sao cho đủ hai khoản: tiền nhà và tiền ăn, còn tiền sách vở, chi tiêu vặt thì tự kiếm thêm”. Nói xong, Hùng cúi xuống ăn vội vàng để kịp giờ đến công ty ở quận 1, nơi Hùng làm thêm công việc nghiên cứu thị trường.

Buổi trưa, những quán cơm trên lề đường trước cổng Trường ĐH Dân lập Kỹ thuật Công nghệ TPHCM sôi động hẳn. Chỉ có mấy tấm bạt chăng ngang dọc và những cây dù cũ kỹ che nắng vậy mà tất cả bàn ăn ở các quán này đều kín chỗ với phần đông là SV. Cơm ở đây đồng giá 5.000đ/dĩa.

Ái ngại chuyện xe buýt thường dừng lại trạm sát bên đón khách, nhả khói liên tục vào quán, chúng tôi hỏi anh bạn SV ăn cùng bàn: “Bụi bặm như vầy, có khi nào ăn xong bị đau bụng không?”. Anh ta cười hồn nhiên: “Người ta ăn đầy mà có sao đâu! Nếu có chuyện gì thì quán đã “dẹp” rồi, đâu đông khách như vầy”.

Cơm bụi bình dân là lựa chọn của rất nhiều SV tỉnh lẻ. Không cần ngon, cơm bình dân cho SV chỉ cần rẻ và nhiều về số lượng. Không chỉ một mà hàng loạt quán mọc trên cùng một địa điểm, mỗi quán đưa ra nhiều chiêu “cạnh tranh” khác nhau.

Quán này cho canh thoải mái thì quán bên không tính tiền dĩa cơm thêm đầu tiên, có quán khuyến mãi một trái chuối hoặc ly trà đá cho SV. Đặc biệt, một vài quán còn cho SV “ký sổ” nếu lỡ bị “viêm màng túi”. Nhằm giữ chân khách hàng, các quán thường áp dụng “chiêu truyền thống” là tính tiền cơm bằng thẻ tháng.

Mỗi quán thiết kế một tấm thẻ bìa cứng cỡ thẻ SV, in tên quán và 60 ô nhỏ cho hai bữa cơm/tháng, ăn bữa nào thì gạch 1 ô. Làm thẻ này lợi ở chỗ SV được kêu cơm và canh thêm thoải mái, tiền đăng ký thẻ coi như tiền ký quỹ cho quán, khỏi phải lo tình trạng kẹt tiền đột xuất nên rất nhiều SV nam chọn.

  • Ăn “dã chiến”

Tuy nhiên, tại khu vực một số trường đại học nằm ở các quận trung tâm TPHCM như ĐH Khoa học Xã hội-Nhân văn (ĐH KHXH-NV), ĐH Dược, ĐH Kinh tế, ĐH Kiến trúc rất hiếm quán cơm bình dân. Căn tin trường nếu có thì giá cũng không rẻ, khoảng 8.000-10.000 đồng/dĩa cơm nên SV nào muốn ăn cơm giá rẻ phải chịu khó đi xa.

Nhiều SV nữ các trường này thường mang theo bánh mì ngọt, chai nước và bịch trái cây mua trước cổng trường là xong bữa trưa. “Tập kết” quanh các trường trên là các tủ bán bánh mì, những gánh bún riêu, canh bún, nui, mì xào chay… với giá cực kỳ bình dân: 3.000 đồng/tô. Với thâm niên 8 năm bán mì xào chay trước cổng Trường ĐH KHXH-NV, chị Lan cho biết, những món ăn chơi này đôi khi trở thành bữa chính của nhiều SV nữ vì giá rẻ.

  • Ăn “công nghiệp”

Cơm “bụi” sinh viên ảnh 2

Sinh viên Trường ĐH KHXH-NV ăn trưa tại những gánh hàng rong trước cổng trường.

Căn tin “đẹp, sạch, ngon, rẻ” mà giới SV thường nhắc tới là nhà ăn của Trường ĐH Công nghiệp. Nhà ăn này rộng rãi, thoáng mát và sạch đẹp có sức chứa hơn 2.000 người. Với chi phí đầu tư 2 tỷ đồng, phòng ăn cho SV được thiết kế rất tiện nghi, tivi được đặt tại nhiều góc phòng, bàn ghế sạch, đẹp.

Các món ăn để trong từng ngăn, có niêm yết giá. Dĩa cơm một người ăn chỉ 500 đồng, chén canh 500 đồng, món mặn 3.000 đồng, món xào 1.000 đồng, nước uống các loại từ 2.000-4.000 đồng/ly, tất cả đều được tính bằng phiếu và thanh toán tại quầy tính tiền tự động. Bích (khoa Thời trang) nói: “Từ lúc căn tin trường được xây mới, chúng tôi ít ra ngoài ăn vì thức ăn ở đây ngon và sạch sẽ”.

Tương tự mô hình này, căn tin Trường ĐH Bách khoa và ĐH Sư phạm cũng áp dụng suất ăn công nghiệp cho SV, vừa giải quyết tình trạng hàng quán lộn xộn, xô bồ xung quanh trường, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hợp túi tiền SV. Khoái hình thức ăn công nghiệp này, rất đông SV ĐH Khoa học Tự nhiên chạy sang căn tin Trường ĐH Sư phạm dùng bữa trưa vì hai trường cách nhau chỉ vài bước chân.

  • Từ “cơm bạn” đến “cơm tình”

Không quen kiểu “cơm hàng, cháo chợ”, một số SV ở chung nhà trọ rủ nhau hùn tiền nấu ăn. Đôi bạn gái chung lớp Ngọc Hoa và Aùnh Dương (năm 3, khoa Đông Nam Á học, ĐH Mở-Bán Công) cùng thuê nhà ở quận Bình Thạnh, thay phiên nhau đi chợ, nấu nướng mỗi ngày.

Ở một vài khu nhà trọ trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), nhiều nam, nữ SV cũng lập nhóm “góp gạo thổi chung”. Thủy (năm 2, ĐH Thủy lợi) cho biết: “Mỗi người góp từ 150.000-250.000 đồng/tháng tùy theo số lượng người trong nhóm, đủ để bố trí bữa ăn đạt tiêu chuẩn “ngon, bổ, rẻ, vui”.

Những bữa cơm nấu tại nhà không chỉ để ăn mà còn là nơi để gắn kết tình bạn và nảy nở tình yêu. Hương (năm 3, ĐH KHXH-NV) thổ lộ: “Chính nhờ những lần nấu ăn chung mà em đã lọt vào mắt “hắn” đấy!”. “Hắn” chính là Phong (khoa Thanh nhạc, ĐH Văn hóa). Số là mấy SV nam trong phòng của Phong “liên kết” với các bạn nữ phòng Hương để nấu ăn chung. Mấy tháng sau, với tài “Hương can cook”, cô đã chinh phục cả bao tử lẫn trái tim anh chàng Phong hào hoa.

HỒNG LOAN - SÔNG NGÂN

Tin cùng chuyên mục