Cơm lề đường - qua mạng

Đặt cơm qua mạng
Cơm lề đường - qua mạng

Dịch vụ cơm Sài Gòn (SG) bây giờ đa dạng cả về khẩu vị, phong cách phục vụ và giá cả. Trong nhịp sống hối hả của một đô thị lớn nhất nước, người dân chọn loại hình nào nhiều nhất?

  • Đa dạng
Cơm lề đường - qua mạng ảnh 1
Ăn cơm văn phòng tại quán cà phê Ân Nam. Ảnh: CAO THĂNG.

Nhắc đến quán cơm Bắc Hoàng Long trên đường Phạm Ngọc Thạch, nhiều người liên tưởng ngay đến dĩa lòng luộc, chén mắm tôm pha chanh sủi bọt và tô canh cua rau đay nhơn nhớt, ngọt đậm đà, thế nhưng giá phải từ 30.000 đồng/suất thì mới “coi được” nên quán chỉ thu hút khách trung lưu.

Ngay ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q1, gần Đài Truyền hình TPHCM, một quán cơm Bắc có đậu phụ mắm tôm, cá rán, cà pháo, gà luộc - muối chanh… trưa nào cũng đông nghẹt khách bình dân và trên bàn vị nào cũng có chai bia hay cốc rượu trắng “cho dễ tiêu”.

Riêng Nhà hàng Đồi Xanh trước kia ở đường Tôn Đức Thắng nổi tiếng một thời với các món cá kho, canh ngót và rau muống xanh non xào tỏi thật thơm, nay đã dời về đường Nguyễn Hữu Cảnh, vẫn bán theo gu Bắc. Rồi cơm Công Đoàn (đường Sương Nguyệt Ánh) theo gu Bắc hiện cũng quá tải vào các buổi chính.

Người nghiện cơm Tàu bây giờ không nhất thiết phải ghé quán cơm Siu Siu bên hông chợ An Đông để ăn chân gà tiềm, xá xíu chấm hắc xì dầu pha gừng hay chạy ra chợ cũ Huỳnh Thúc Kháng ăn cơm thố, lạp xưởng; về Nguyễn Trãi ăn cơm gà Đông Nguyên; ghé Tản Đà ăn cơm cá mặn Hải Nam… nữa bởi các quán cơm gà, cơm Tàu… mọc lên khắp nơi, nhiều nhất là khu vực Chợ Lớn. Họ cạnh tranh bằng cách phục vụ cơm hộp tận nhà, phục vụ tận răng bằng… cây tăm xỉa răng thơm mùi quế đựng trong bao giấy kèm cái khăn mỏng.

Cơm Nam bộ thì có mặt khắp nơi trong TP, điển hình là quán Phước Thành ở đường Ngô Tùng Châu cũ, nay là Lê Thị Riêng, đặc sắc với lẩu mắm linh, tộ cá kho, nồi canh chua lươn, dĩa ba rọi quết mắm ruốc xào… Người nghiện cơm Phước Thành hầu hết là khách trung niên, biết bổn quán từ trước ngày Sài Gòn được giải phóng. Gần đó, trên đường Tôn Thất Tùng, cơm Minh Đức cũng theo gu Nam bộ với 35 món ngon nhưng thứ được người ta nhớ nhiều là cá cơm kho tiêu ăn rất “tốn” cơm. Khách sạn Quê Hương nổi tiếng với bông thiên lý xào, gỏi điên điển, cá bống trứng kho mặn… tính tiền theo phần. Quán cơm hải sản Ngọc Sương (Lê Quý Đôn, tính theo món) thì lúc nào cũng đông nghẹt khách, 1.200 chỗ ngồi không còn ghế trống.

Riêng quán cơm hương vị miền Trung trước nay chỉ thấy ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quán Ngự Bình) hay trong hẻm đường Kỳ Đồng… thì chục năm nay phát triển nhiều ở khu Lăng Cha Cả, Bảy Hiền. Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q3 (trong hẻm) còn có quán Đo Đo bán canh bò rau răm, thịt luộc mắm xổi, cá ngừ kho thơm đặc sệt xứ Quảng, thu hút đông khách văn chương.

  • Dịch vụ nào “lên ngôi”?

Quán 130 Nguyễn Đình Chiểu khá đông khách nhờ cơm được nấu bằng gạo trắng, lại thơm. Anh Phạm Văn Thủ, nhân viên văn phòng một công ty gần đó, cho biết: “Buổi trưa, tui và lũ bạn thường ghé đây ăn cơm, cơm ngon mà giá chỉ 12.000 đ/đĩa, lại có trà đá miễn phí”. Cạnh đó không xa, tại số 84-86 đường Trương Quyền (Q3), có một công ty bán cơm trưa tại chỗ lẫn phục vụ tận nhà, giá từ 10.000-15.000 đồng/phần, kể cả đưa tận nhà.

Cơm và thức ăn ở quán này được bày biện trên khay nhựa rất sạch sẽ, ngoài ra thực khách còn được miễn phí trà đá và trái cây tráng miệng… Đặc biệt hơn, khách ăn còn được tặng một phiếu xổ số trúng thưởng với giải thưởng 2 triệu đồng! Sang hơn chút nữa là quán cơm số 7 (góc Lê Lai-Nguyễn Văn Tráng). Tuy giá một phần ăn ở đây từ 15.000 đồng trở lên nhưng được cái là không gian thoáng đãng, dụng cụ rất sạch sẽ, có bãi giữ xe riêng, thực đơn rất phong phú, ly trà đá bự chảng, rau xanh thì vô tư…

Ở Trường Đại học Bách khoa, một căn tin khang trang đã được xây dựng từ 4-5 năm nay để phục vụ sinh viên và giảng viên. Cơm trưa ở đây là suất ăn công nghiệp được lấy từ một công ty khá lớn. Ở tầng trệt, người ăn mua phiếu cơm tại một quầy bên ngoài rồi đến quầy bên trong chọn món ăn trên bảng thực đơn, sau đó kêu nhân viên phục vụ lấy cơm.  Mỗi phần ăn đều đồng giá, tầng trệt là 6.000 đồng/phần, tầng hai thì 10.000 đồng/phần. Gần ký túc xá của đại học này, cạnh SVĐ Thống Nhất, còn có quán cơm bình dân ngay góc chung cư, bán cơm tháng theo phiếu cho sinh viên, giá “cực bèo”. Nói chung, ở Sài Gòn người ta có thể gặp quán cơm bình dân ở bất kỳ con đường, góc phố nào với giá dưới 10.000 đồng/dĩa.

Mấy năm gần đây, xu hướng ăn cơm-cà phê hay gọi nôm na là cơm trưa văn phòng (CTVP) đã trở nên thịnh hành. Có lẽ người kinh doanh CTVP sớm nhất là ông Đào Ngọc Lâm, chủ Nhà hàng Đồi Xanh. Ngày ấy, Đồi Xanh nằm cạnh cao ốc 33 tầng đầu tiên của TPHCM nên hàng trăm nhân viên trong cao ốc này trưa nào cũng ra Đồi Xanh không chỉ để thư giãn mà còn có nhu cầu ăn cơm trưa.

Sau đó, hàng loạt quán cà phê đã nắm bắt nhu cầu vừa muốn ăn trưa sạch sẽ, lại có chỗ thư giãn của giới công chức nên thi nhau kinh doanh CTVP, nhiều nhất là khu vực Q3, Q1, nơi vốn nhiều quán cà phê máy lạnh. CTVP thường có 3 món canh, mặn, xào và thay đổi hàng ngày, giá lại không đắt (10.000-30.000đ/suất), khung cảnh lịch sự… nên rất được ưa chuộng, “đánh bạt” các loại hình cơm khác. Chắc chắn, cho đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng CTVP đang lên ngôi! 

Đặt cơm qua mạng

Chỉ cần gõ địa chỉ www.muabanonline.com, bạn sẽ được phục vụ cơm nóng tận nơi. Mục “Cơm trưa văn phòng” trên trang web này có trên 10 món để khách lựa chọn với giá từ 9.000-15.000 đồng/phần. Trang web chủ yếu phục vụ cơm trưa trong khu vực nội thành nên khách phải đặt trước 10 giờ sáng, đặc biệt khách đặt 1 phần cũng được giao tận nơi. Riêng buổi tối, khách phải đặt khoảng 10 phần trở lên mới được giao. Ngoài ra, nếu khách không thích thực đơn có trên trang web thì có thể đặt món mình thích trước 1 ngày. Sau khi chọn món, khách có thể đặt qua mạng hoặc gọi số 08.8205424 nếu muốn bổ sung thêm món khác.
H.L.

HƯƠNG LY-HOÀNG LIÊM

Tin cùng chuyên mục