Năm nào qua nhà chú Bảy mời đám giỗ, tía cũng dặn đi dặn lại chú Bảy là đi ăn giỗ phải đem theo cây đờn. Một phần là để góp vui vì tánh chú Bảy ưa văn nghệ lắm, phần nữa là mấy chú, mấy bác sẵn dịp ngồi với nhau khoái nghe chú Bảy đờn, ca vọng cổ cho đã lỗ tai, chứ ngày nào cũng vác cuốc ra đồng, ai hơi đâu mà nghe hát hò.
Theo lời tía, cả xóm không ai hát vọng cổ mùi qua chú Bảy. Mà thiệt, đầu trên xóm dưới, nhà nào có đám tiệc, mời chú Bảy tới dự là thể nào cũng kêu chú Bảy hát vài bản góp vui trong đám. Chú Bảy vừa xuống câu vọng cổ là bà con vỗ tay rần rần liền.
Chú Bảy cũng như tía, như mấy chú, mấy bác trong xóm, cũng con nhà nông lớn lên với ruộng đồng, ông Trời thương cho thêm cái tài hát vọng cổ, nhưng duyên tình lại lỡ dở. Mỗi lần ai nhắc tới chuyện lập gia đình là chú Bảy im re, ôm cây đờn kìm não nuột mấy tiếng, rồi thở dài, uống ly rượu đắng nghét như câu chuyện buồn năm cũ.
Tía kể, hồi thanh niên, chú Bảy mê văn nghệ lắm, đi theo thầy học đờn rồi sẵn trời phú cho cái giọng ca mùi, nên chú Bảy học lóm mấy đoàn hát, gánh hát, hát vọng cổ, rồi hát cải lương được chút chút. Năm đó, có ghe hát về quê, họ neo lại chỗ đình làng, ngay mùa mưa nên ở lại cả 3 tháng trời. Trời mưa, nhưng bà con trong xóm vẫn rủ nhau đi coi rần rần, bởi lâu lâu mới có một lần. Thương gánh hát gặp phải mùa mưa, nên ai có gì biếu nấy, khi con cá, khi xâu khô, bữa trái bầu, trái bí… như thể chòm xóm láng giềng với nhau.
Chú Bảy cũng tới lui chỗ ghe hát rồi thương một cô đào trong đoàn, nghe tía kể, cổ cũng hiền hậu lắm, mà ngặt nỗi gia đình chú Bảy hổng ưng. Ông bà già không chịu con dâu theo nghề hát xướng. Rồi ghe hát dời đi, cô đào cũng biệt tăm luôn, chú Bảy ở lại ôm nỗi buồn, tới bây giờ vẫn sống mình ên, không lập gia đình.
Chiều nào, đi ruộng về, cơm nước xong xuôi là chú Bảy ngồi ngoài hàng ba, ôm cây đờn kìm, có bữa nghe mùi mẫn, êm tai, có bữa nghe buồn thúi ruột. Bữa nào trời mưa rỉ rả, ngó qua bên nhà, thấy chú Bảy ngồi đờn một mình dáng buồn thiu, hiu hắt như mưa chiều quê…
Thấy chú Bảy hiền lành, nên bà con trong xóm ai cũng thương, cũng quý. Hễ có đám tiệc, hội hè là mời, là réo cho được chú Bảy tới, một phần có văn nghệ, hát hò cho vui, một phần để chú Bảy nguôi ngoai chuyện cũ. Chú Bảy hát xong thì tới lượt bà con trong xóm, người nào cũng giành hát mấy bản vọng cổ hay có tiếng, mê hát chứ có phải ai hát cũng được đâu, vô trật nhịp, lên câu vọng cổ trớt quớt… Vậy là cả xóm áp nhau cười một trận, rồi chú Bảy chỉ lại từ từ để hát cho trúng.
Cuộc sống bắt đầu thay đổi, đám cưới, đám giỗ, thôi nôi, đầy tháng…, người ta chơi nhạc sống, loa mở lớn ì đùng ba làng nghe hết. Thanh niên bây giờ cũng nhạc Tây, nhạc ngoại sôi động chứ mấy ai còn chịu nghe câu vọng cổ, tiếng đờn kìm. Đám tiệc trong xóm, người ta cũng dần quên chú Bảy văn nghệ.
Chiều chiều, ngó qua bên nhà, thấy chú Bảy lau cây đờn sợ nó đóng bụi, có khi thì đờn một hai bản rồi lại treo lên vách để đó… Phần vì chú cũng lớn tuổi rồi, để dành thời gian nghỉ ngơi, với lại cũng còn mấy ai trông câu vọng cổ của chú Bảy nữa đâu mà đờn. Lâu lâu lại nghe tía thở dài với má: “Ngó qua bên nhà thấy thương ông Bảy quá!”.
Dòng chảy thời gian cũng lắm khắc nghiệt, có thể xóa nhòa nhiều thứ, không biết rồi thế hệ của tía, má, chú Bảy đi qua, cả xóm nhỏ còn ai nhớ, ai trông câu vọng cổ nữa không. Trách sao được, khi có nhiều cái mới để lựa chọn, người ta sẽ dễ dàng lãng quên những điều đã cũ. Và suy nghĩ, sở thích mỗi thế hệ cũng mỗi khác, câu vọng cổ thất thế, im lìm ở phía sau, giữa thị trường giải trí sôi động, như thể cây đờn kìm nằm hiu hắt trên vách nhà chú Bảy, còn ai trông nữa đâu mà réo rắt, nỉ non…