Vào những ngày đầu tháng 9-2014, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức đoàn đại biểu nhân sĩ, trí thức, dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo TP tham quan khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo. Cuộc tham quan có ý nghĩa thể hiện tình cảm của khối đại đoàn kết dân tộc TP, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm tốt đẹp về một Côn Đảo hào hùng, ý chí quật cường, bất khuất của các bậc tiền bối cách mạng…
Đổi thay… bất ngờ
Sau 50 phút bay từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đến Côn Đảo, chiếc A.T.R.72 giảm độ cao, chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Cỏ Ống - Côn Đảo. Từ trên cao nhìn xuống, Côn Đảo là một quần thể có 16 hòn đảo lớn nhỏ hiện ra giữa mênh mông biển cả với màu xanh thẵm của cây lá núi rừng, màu thân thương quen thuộc mà cũng thiêng liêng biết mấy, từ đất liền trải rộng đến nơi này. Phần đông chúng tôi là những người lần đầu tiên được đến thăm Côn Đảo, hết sức ngạc nhiên trước sân bay của Côn Đảo lại rộng lớn như vậy. Đứng giữa sân bay, nhìn quanh đồi núi chập chùng, không ai nghĩ rằng mình đang ở ngoài đảo xa. Đành rằng tầm cỡ đối với một sân bay là chưa thấm vào đâu, nhưng ở một hòn đảo nhỏ giữa biển khơi này, mà xây dựng được sân bay như vậy là cả một sự cố gắng, tạo tiền đề cho Côn Đảo cất cánh theo những chuyến bay. Hiện nay, mỗi ngày có 2 chuyến bay đi về từ TPHCM đến Côn Đảo, vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, phải tăng lên đến 5 - 7 chuyến bay mới đủ phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Điều khiến chúng tôi tâm đắc đến bất ngờ là trước cổng sân bay, taxi đậu dọc dài chào đón khách, chiếc nào cũng thuộc loại đời mới.
Dâng hương tưởng nhớ chị Võ Thị Sáu ở nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: THẠCH THẢO
Từ sân bay Cỏ Ống đến trung tâm thị trấn Côn Đảo khoảng 14km, hai bên đường là những vạt rừng nguyên sinh, màu xanh cây lá mượt mà, tạo cho Côn Đảo cái dịu mát dù đi giữa trưa trời nắng gắt. Đường sá quanh Côn Đảo khá rộng lớn, trải nhựa phẳng phiu và rất sạch đẹp. Dọc hai bên đường có những hàng cây cổ thụ hàng trăm tuổi, che bóng mát rượi, những ngôi nhà cao tầng mới xây bề thế. Nào là khách sạn từ 3 sao đến 5 sao, ngân hàng, bưu điện, trường học, bệnh viện… Tất cả đã tạo nên một Côn Đảo với “gương mặt” mới của sự phát triển bền vững. Sự phát triển đó được thấy rõ nét ở Cảng Bến Đầm, nơi được thiên nhiên ưu đãi, ngoài khơi xa có một dãy núi mọc lên giữa biển, như là một thành lũy vĩ đại, che chắn sóng gió nên cảng này lúc nào cũng trời yên biển lặng, là nơi tránh dông bão của các tàu đánh cá. Hàng ngày có hàng trăm tàu cá ghé vào đây buôn bán hải sản, xăng dầu.
Tình người Côn Đảo
Côn Đảo hơn 40 năm trước, dù dưới danh nghĩa hành chính là một tỉnh, có diện tích 67km2, nhưng không có quận huyện, phường xã, cũng không có dân, không có phố xá, chỉ có hệ thống nhà tù, ban quản lý tù và tù nhân. Thế nhưng Côn Đảo lại được chia ra thành 18 sở tù nhằm cải tạo người tù bằng đọa đày khổ sai. Chẳng hạn như Sở Chuồng bò: chuyên chăn bò, heo. Hàng ngày người tù phải kiếm đủ 4 loại củi khác nhau: củi dùng cho nhà máy nhiệt điện, củi đốt than, củi nung vôi và củi nấu bếp. Đây là một trong những sở mà người tù phải làm việc nặng nề, lao lực vô cùng khổ sở...
Côn Đảo 40 năm sau, dân số có hơn 7.000 người, trong đó có khoảng 1/3 là người Côn Đảo chính gốc, sinh ra và lớn lên tại Côn Đảo. Điều này, tôi được ông Phan Hoàng Oanh (Bảy Oanh, 70 tuổi), cho biết như vậy! Ông là 1 trong 158 tù nhân chính trị Côn Đảo năm xưa, ngày Côn Đảo giải phóng (1-5-1975), ông cùng 157 bạn tù hưởng ứng lời Đảng kêu gọi, tình nguyện ở lại bảo vệ Côn Đảo. Dù yêu cầu mỗi tù nhân là đảng viên chỉ lưu lại 6 tháng trong thời kỳ củng cố tổ chức ban đầu, rồi trở về đất liền với gia đình. Thế nhưng, ông Bảy Oanh không đành lòng xuống tàu rời xa Côn Đảo, vì nơi đây, hầu như tuổi thanh xuân của ông đã chôn vùi trong các trại giam, chuồng cọp, trại biệt lập chuồng bò, các sở tù khổ sai… Những chứng tích của tội ác tày trời đó đã biến Côn Đảo thành “Địa ngục trần gian”. Chiều lại chiều, ông đến nghĩa trang Hàng Dương nghe gió lùa xao xác, lòng quặn đau như đứt từng đoạn ruột. Từng nắm đất nơi đây đã thấm đẫm máu xương của biết bao anh hùng liệt sĩ, những đồng đội, đồng chí của ông đã ngã xuống trước sự tra tấn bạo tàn, dã man tột đỉnh của thực dân, đế quốc. Chẳng những ở lại với Côn Đảo, mà ông còn động viên các thành viên trong gia đình cùng ra Côn Đảo, nhận nơi này là quê hương. Ngày về hưu, ông xin được tiếp tục trông coi, bảo quản những di tích của Côn Đảo. Hơn ai hết, là người gắn bó sống chết với Côn Đảo, nên ông biết đó là những di tích vô cùng quý giá, phải hết sức trân trọng, giữ gìn, vì những di tích đó là “báu vật” không chỉ riêng của Côn Đảo mà còn của quốc gia. Đây là những chứng tích sống, nói lên chế độ tù đày dã man của thực dân và đế quốc. Nghe ông nói, tôi chợt thấy ông cũng chính là “báu vật” của Côn Đảo.
Anh Phan Thanh Biên, Phó ban Tổ chức Huyện ủy Côn Đảo (con trai của ông Bảy Oanh) có hai người con, ba cha con anh Biên đúng là dân Côn Đảo chính cống, vì cả ba đều sinh ra và lớn lên tại Côn Đảo. Anh Biên cởi mở: “Từ mẫu giáo tới cấp 3, tôi đều học ở Côn Đảo, lên đại học tôi mới về đất liền học tại TPHCM. Sau khi tốt nghiệp đại học, có nhiều cơ quan, xí nghiệp, kể cả có đơn vị 100% vốn nước ngoài mời gọi, nhưng tôi không thấy nơi đâu bằng Côn Đảo, vì Côn Đảo chính là quê hương của tôi”. Anh Biên nói vui mà cũng là sự thật: “Ở lại Côn Đảo đành chấp nhận ăn cá thôi, làm sao có điều kiện ăn rau, ăn thịt như ở đất liền”. Thấy tôi có vẻ chưa hiểu, anh giải thích: Người Côn Đảo thường nói: “Nghèo ăn cá, khá ăn rau, giàu ăn thịt”. Cá là thứ rẻ nhất, vì hàng ngày có các tàu cá vào bán ở Cảng Bến Đầm, còn thịt với rau phải mang từ đất liền ra, nên giá rất đắt”.
Nói về người Côn Đảo sẽ dài lắm, như ông Tư Hoàng, Quyền Bí thư Huyện ủy Côn Đảo vừa mới về hưu. Ông tình nguyện ra xây dựng Côn Đảo vào năm 1978, gặp bà Tư Ni, 1 trong số 158 cựu tù Côn Đảo tình nguyện ở lại với Côn Đảo. Dù biết bà Tư Ni sau thời gian tù đày, bị tra tấn dã man, không còn khả năng sinh con, nhưng ông Tư Hoàng vẫn xin cầu hôn bà, ông an ủi bà Tư Ni: “Con của chúng ta sẽ là những đứa bé lớn lên từ Côn Đảo, là cha mẹ thì ta hãy làm tấm gương, để chúng noi theo, biết sống bằng cả tấm lòng bao dung tình người”.
Nơi đất lành của nhiều người
Chúng tôi đến Cảng Bến Đầm vào lúc chiếc tàu khách từ Vũng Tàu ra Côn Đảo vừa cập bến. Khách đi du lịch thì có xe của các công ty du lịch ra đón, khách đi riêng lẻ đã có taxi mời chào, còn khách ra thăm thân nhân thì có người nhà chạy xe gắn máy chờ sẵn. Lực lượng bốc vác khá đông đảo, mọi người ào xuống tàu khiêng vác nào là gạo đường, mắm muối, heo, gà, vịt và đủ các loại rau, củ, quả… Các mặt hàng nhựa cũng không ít, thau, chậu, chén tô, ly tách chất lủ khủ. Một chủ hàng từ Vũng Tàu ra, đang tất bật phân phối hàng hóa, người đến nhận chỉ cần đưa cho chị danh sách các mặt hàng và kiểm tra lại số hàng mang ra đủ thiếu là xong, rồi thanh toán tiền hàng đợt trước, mua bán theo kiểu gối đầu. Mới đó mà đống hàng của chị chất cao như cái núi đã giao hết. Tôi lân la đến làm quen. Chị cho biết quê chị ở Miệt thứ huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Trước kia chị cũng chuyên buôn bán hàng từ đất liền ra Phú Quốc, nhưng lúc này có nhiều người buôn quá, nên thường bị dội hàng. Nhờ có người quen ngoài Côn Đảo, nên chị chuyển hướng đưa hàng ra Côn Đảo đến nay đã hơn 8 năm rồi. Thấy Côn Đảo làm ăn được, chị mua đất cất nhà, ra Côn Đảo lập nghiệp. Tạm biệt chị khi quang cảnh Cảng Bến Đầm càng nhộn nhịp thêm bởi mấy chiếc tàu cá, tàu câu mực tiếp tục cặp bến. Từng cần xé cá, mực nặng trĩu được khuân vác, cân đong vô cùng tấp nập, chuyện mua bán diễn ra nhanh chóng không có trả giá bớt một thêm hai. Từng đoàn xe thồ cá, thồ hàng hóa dập dìu chạy về hướng chợ Côn Đảo đông nghẹt đường. Một anh vừa mua xong hai cần xé cá đứng thư thả trên cầu tàu, tôi đến hỏi chuyện anh vui vẻ trả lời: “Tôi không phải là người Côn Đảo, mà là rể của Côn Đảo. Thời gian đầu tôi ra đây làm bốc vác 3 năm. Hàng ngày tôi giao cá ngoài chợ Côn Đảo, gặp cô gái bán cá, lâu ngày quen nhau, rồi bén duyên luôn...”.
Vòng quanh thăm Côn Đảo, đi đến đâu tôi cũng nghe nhiều du khách bàn tán về chuyện linh thiêng ở nghĩa trang Hàng Dương. Đêm nào cũng vậy, cứ từ lúc nửa đêm cho tới 2 - 3 giờ sáng, người ta từ khắp nơi, sáng đi máy bay ra Côn Đảo thăm các di tích nhà tù, vui chơi, rồi đêm về đi viếng mộ chị Võ Thị Sáu. Số lượng người đông như trẩy hội, vào những ngày lễ, chủ nhật, càng đông hơn rất nhiều. Tấm gương hy sinh cao đẹp của chị Võ Thị Sáu được mọi người sùng bái như một vị thánh.
Khi chúng tôi viếng mộ chị Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương, gặp anh Nguyễn Tấn Đạt, nguyên Bí thư huyện Đoàn Đất Đỏ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2007, anh Đạt đã mang cây lê ki ma từ Đất Đỏ quê hương của chị Sáu ra trồng trước mộ chị thay thế cây dương trồng nơi đây đã chết. Cây lê ki ma bây giờ đã ra tán, ra trái sum suê. Anh Nguyễn Tấn Đạt giã từ quê hương Đất Đỏ, tình nguyện đến Côn Đảo công tác…
Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước, nhiều thế hệ bị tù đày kéo dài suốt 113 năm đen tối. Nghĩa trang Hàng Dương lặng lẽ mà sâu lắng, từng chiếc lá rơi, từng nắm đất cỏ úa vàng trong làn gió nhẹ mơn man, vẫn còn ấp ủ trong đó biết bao số phận đã bị vùi chôn. Những mộ bia tuy nhỏ bé, đìu hiu bỗng trở thành tượng đài cao vời vợi in đậm trong lòng mọi người, như nhắc nhở chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với tiền nhân, với những anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống nơi này. Để hôm nay, Côn Đảo đang đổi thay từng giờ, đang dần trở thành một TP ngoài đảo xa.
NGUYỄN TƯỜNG LỘC