- Ai?! - ông Văn kinh ngạc hỏi. - Đây không phải chuyện đem ra đùa cợt đâu con!
Rồi ông đứng lên, ngắm nhìn “con dâu” từ đầu đến chân với vẻ khó chịu ra mặt, nhất là khi thấy bàn tay cô gái với móng tay cáu đen. Ông thầm nói với mình: “Rõ là con nhà quê còn chưa biết thế nào là dung dịch rửa tay. May mà bà Nhung đã mất, không thì sống ra sao với thằng con trời đánh này”.
- Con không đùa đâu bố. Quyên sẽ ở với chúng ta. Ba tháng nữa bọn con sẽ tổ chức đám cưới. Nếu bố không thích dự đám cưới của con trai mình thì cũng chẳng sao! - Huỳnh thẽ thọt nói và tất cả chết lặng trong sự im lặng.
- Dạ, con chào bố! - Quyên nhoẻn cười muốn phá tan không khí thù địch và theo thói quen cô bước xuống bếp đếm hũ gạo, đồ khô và mở tủ lạnh xem còn đồ tươi nấu ăn.
- Huỳnh, mày điên hay sao, hãy tỉnh lại! - ông Văn đỏ bừng mặt quát vào mặt thằng con - Mày rước con bé về từ xó xỉnh nào? Tao không cho phép nó sống trong nhà tao!
- Quyên sống ở Thái Nguyên. Chúng con yêu nhau bố à. Bố có không thích thì cô ấy vẫn ở đây. Vợ con có quyền sống ở phần nhà con được thừa kế theo pháp luật. - Huỳnh gằn giọng nói.
Ông Văn biết nói gì cũng vô ích nên lẳng lặng về phòng mình, đóng chặt cửa. Từ khi bà Nhung mất, quan hệ giữa hai bố con ở mức báo động đỏ, gần như không nói chuyện được với nhau. Thằng con bỏ học đại học dù đã học năm cuối và suốt ngày bia rượu bê tha. Ông từng muốn con mình sẽ thay đổi, sống có trách nhiệm hơn. Nhưng khoảng cách càng ngày càng xa, như chuyện hôm nay với con bé từ cái làng quê “lử khử lừ khừ chẳng Đại Từ cũng Thái Nguyên” mà nó tha về.
Một thời gian sau, Huỳnh và Quyên tổ chức đám cưới. Ông Văn không dự, ông không muốn có một cô con dâu nói một câu văn vẻ cũng không xong, thật khác xa đám học trò của ông vừa xinh tươi, vừa làu làu thơ ca.
Quyên biết bố chồng không ưa mình nên làm đủ cách chiều chuộng ông. Từ pha bình trà móc câu chính hiệu Thái Nguyên đến học nấu món bún thang mà ông khoái khẩu. Nhưng vô vọng. Thật khó phá cái định kiến đã ăn sâu vào máu. Quyên dưới mắt ông vẫn chỉ là con bé quê mùa, ít chữ, nghèo hèn…
Huỳnh chỉ đóng vai người chồng gương mẫu được một thời gian rồi tính nào tật ấy, lại ăn chơi, nhậu nhẹt bù khú suốt ngày. Ông Văn thường nghe thấy tiếng vợ chồng chúng cãi cọ nhau và không khỏi mừng thầm có ngày con Quyên sẽ ra đi mãi mãi…
Bỗng một hôm Quyên chạy vào phòng ông, hổn hển nói trong nước mắt: “Bố ơi, anh Huỳnh đòi ly dị. Anh ấy còn muốn đuổi con ra ngoài mà con thì đang có bầu!”. Ông Văn nói ráo hoảnh: “Thì cô cứ đi về nơi cô từng sống. Xin lỗi, tôi không muốn can thiệp vào cuộc sống của anh chị”. Và ông thấy vui như mở cờ, khi thoát được con bé chả có phẩm chất “quý tộc” gì!
Quyên nức nở trong tuyệt vọng. Cô thu dọn đồ cá nhân và mãi không hiểu vì sao ông bố chồng ghét cay ghét đắng mình đến vậy. Còn thằng con cũng chả hơn, coi cô như món đồ chơi, chơi chán rồi vứt bỏ. Mình đã làm gì nên tội? Ai cũng có phẩm giá, lòng tự trọng và thôi thì thôi…
…Tám năm sau. Ông Văn sống trong nhà dưỡng lão. Sống nốt những ngày cuối đời khi thằng con bán nhà và đẩy ông vào nơi mà nó nói là “hợp với bố nhất”. Thôi thì đời có phúc, có phận và ông lại nhớ đến cuốn truyện “Quy luật của muôn đời” của Nodar Dumbatde mà nhân vật chính thốt lên: Con người ta phải có một lần ốm thật nặng để tỉnh ra… Cả đời ông đi dạy những khái niệm về tình yêu, sự quan tâm, lòng trắc ẩn. Và đến giờ học trò ông vẫn viết thư cảm ơn… Dạy người thì được mà không dạy nổi con.
- Ông Văn ơi, có khách - bỗng có tiếng người cắt đứt dòng suy tưởng của ông.
Ông lập cập bước xuống cầu thang, vừa đi vừa nghĩ ai đến thăm mình. Thằng Huỳnh chắc không phải, khi nó đã biệt tăm tích từ khi thu xếp ông vào đây. Ai?
- Dạ, con chào bố, là con Quyên ạ. Ông giật bắn người nghe giọng đặc “quê mùa” của cô con dâu và ngượng nghịu chào lại. Mới đó mà đã 8 năm.
- Bố khác quá. Bố có bị bệnh không? - Quyên hỏi, có chút ngạc nhiên về sự thay đổi chóng mặt của bố chồng.
- À…, thì có bệnh tí chút - ông cười buồn nói tiếp, sao con biết bố ở đây?
- Dạ, có anh học trò của bố nói. Anh Huỳnh thì không muốn nhận con của mình. Nó khóc đòi cha và ông. Nó muốn có người thân thích bên cạnh. Bọn con giờ sống chỉ có hai mẹ con… - Quyên nói giọng buồn buồn.
- Hượm đã! - ông Văn hỏi - Thằng cu Nhân phải không? Lần cuối con gửi ảnh qua tin nhắn điện thoại nó mới có 3 tuổi.
- Nó ở đây. Con gọi nó vào được không? - Quyên lưỡng lự nói.
- Dĩ nhiên, con gái! - ông Văn vui tột độ, nói như khóc.
Ông ôm chầm đứa cháu, vừa vuốt ve vừa nói: “Cháu ông lớn quá, giống hệt bố cháu”. Rồi ông quay sang Quyên thì thầm: “Con ơi, con tha lỗi cho bố”.
Quyên mỉm cười, bỗng cô quay sang nói: “Bố ơi, hay là bố về sống chung với bọn con. Có rau ăn rau, có thịt ăn thịt. Không khí ở vùng quê lại sạch, thoáng hợp với người già như bố”.
Cu Nhân giật tay ông, nói giọng nũng nịu: “Ông đồng ý đi ông. Về sống với mẹ
con con đi!”.
Ông Văn gật đầu. Những giọt nước mắt bỗng rơi lã chã trên gò má chằng chịt vết nhăn.