Hành lang pháp lý quản lý mặt hàng gas

Còn nhiều bất cập

Còn nhiều bất cập

Trong vài năm trở lại đây, tình trạng cháy nổ gas có chiều hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính là do việc sản xuất, kinh doanh gas không đảm bảo an toàn. Phải chăng khâu quản lý trong lĩnh vực này còn lỏng lẻo, văn bản pháp quy còn thiếu, biện pháp chế tài chưa đủ mạnh?

  • Cấp phép tràn lan, quản lý lỏng lẻo
Còn nhiều bất cập ảnh 1

Hành lang pháp lý về mặt hàng gas còn lỏng lẻo dẫn đến các thương hiệu uy tín bị mất vỏ bình vào tay các trạm chiết lậu.

Hiện cả nước có khoảng 60 công ty kinh doanh gas, thế nhưng chuyện lạ là trong đó có nhiều công ty vẫn được cấp phép kinh doanh mà chẳng phải đầu tư vỏ bình nào. Chính vì việc cấp phép hoạt động cho trạm chiết quá dễ dàng, dẫn đến việc lúng túng trong công tác hậu kiểm. Ông Trần Mạnh Tâm - đại diện Công ty Elf Gaz Sài Gòn thừa nhận, bình quân khoảng 20% vỏ bình gas khi ra thị trường đã không quay về để kiểm định.

Còn số này ở Saigon Petro (SP), VT- Gas, Petrolimex, Shell Gas… còn cao hơn nhiều. Những vỏ bình không quay về là vì chúng đã lọt vào tay những đối tượng sang chiết lậu. Một câu hỏi đặt ra, nếu quản lý chặt chẽ thì lấy đâu ra gas để chiết lậu? Ông Nguyễn Sĩ Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Petro VN Gas South cho rằng, hiện nay có không dưới 8 cơ quan quản lý bình gas, nhưng không cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý chính!? Theo quy định về an toàn kỹ thuật Việt Nam, tất cả các thiết bị áp lực đều phải được cơ quan cấp phép kiểm định lưu hành đồng thời áp dụng chế độ tái kiểm định 5 năm/lần đối với bình gas dân dụng.

Nhưng quy định này hình như cũng đang bị “treo”, bởi các trung tâm kiểm định các thiết bị chịu áp lực cho biết, theo cấp lũy tiến, số lượng vỏ bình phải quay về kiểm định mỗi năm hiện nay lên đến hơn 2 triệu vỏ bình. Tuy nhiên, tổng số vỏ bình được kiểm định tại các trung tâm này hiện chỉ đạt khoảng 500.000 vỏ bình, còn lại trôi nổi đi đâu không biết. Việc “trốn” kiểm định này được các công ty gas lý giải là do nạn chiếm dụng vỏ bình, đồng thời tiền kiểm định quá đắt...Tuy nhiên, cũng chẳng có cơ quan nào đứng ra “siết” các công ty để bảo vệ người tiêu dùng!

  • Đến văn bản pháp lý cũng... thiếu

Các công ty kinh doanh gas cho biết, tính đến thời điểm này, văn bản quy định của Nhà nước trong kinh doanh gas chỉ có Thông tư số 15/1999/TT-BTM của Bộ Thương mại và Quy định về “Quy chế quản lý kỹ thuật an toàn về nạp gas vào chai” của Bộ Công nghiệp. Song thông tư này mới chỉ điều chỉnh ở cấp cửa hàng gas, còn rất nhiều các lĩnh vực liên quan như trạm chiết nạp gas, kho chứa gas, điều kiện vận chuyển… vẫn còn bỏ ngỏ. Đã thế, nhiều quy định của thông tư 15 đưa ra, ví dụ như quy định về biển hiệu cửa hàng, diện tích mặt bằng… của cửa hàng gas, dường như bị bỏ ngỏ, bởi chẳng cơ quan nào đứng ra kiểm tra, xử lý.

Trong khi đó quy định của Bộ Công nghiệp về “Quy chế quản lý kỹ thuật an toàn về nạp gas vào chai” nêu rõ, chỉ những trạm chiết nạp gas được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn nạp gas vào chai mới được tiến hành chiết nạp. Tuy nhiên, công tác hậu kiểm đối với quy định này cũng không được quan tâm đúng mức. Các trạm chiết vẫn chiếm dụng vỏ bình đều đặn của các thương hiệu gas uy tín, mặc cho những thương hiệu này không hề ký hợp đồng gia công chiết nạp với những trạm chiết. Chưa hết, đối với quy chế sử dụng bình gas mini, mới chỉ dừng lại ở mức độ “cấm tái sử dụng bình gas mini”. Việc xử phạt như thế nào lại chưa có văn bảo nào quy định. Vì vậy, nhiều vụ sang chiết gas mini bị phát hiện nhưng Chi cục QLTT TPHCM cũng đành… bó tay, bởi không thể căn cứ vào quy định nào để xử lý!?

ĐÀO THỤY

Tin cùng chuyên mục