Dự thảo Luật Dạy nghề

Còn nhiều điểm phải điều chỉnh

Còn nhiều điểm phải điều chỉnh

Để có một dự luật chuyên ngành về dạy nghề, tạo bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ kỹ thuật, tay nghề cao, Dự thảo Luật Dạy nghề đã được lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Quốc hội. Thế nhưng, theo các chuyên gia dạy nghề, nội dung của dự thảo này còn nhiều điểm chưa ổn, phải hiệu chỉnh gấp.

  • Thiếu và yếu
Còn nhiều điểm phải điều chỉnh ảnh 1

Theo Tổng cục Dạy nghề, trong những năm gần đây, nhờ được đầu tư nguồn kinh phí nhiều hơn, hệ thống dạy nghề ở nước ta phát triển mạnh về số lượng cơ sở dạy nghề lẫn quy mô đào tạo nghề. Từ năm 1998 đến nay, số lượng trường, cơ sở dạy nghề đã tăng gấp 2 lần và quy mô tuyển sinh đã tăng 2,5 lần (năm 2005). Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong cả nước đạt 19,2%. Thế nhưng, cỗ máy dạy nghề vẫn chạy với tốc độ ì ạch và sản phẩm nhân lực được tạo ra chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng.

Trong khi công nghệ sản xuất thay đổi rất nhanh thì hệ thống dạy nghề ở nước ta vẫn vận hành theo lối mòn, chậm đổi mới về cơ cấu, ngành nghề, trình độ đào tạo nghề… Vì thế, quy mô và chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa nguồn nhân lực của thị trường lao động. Phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng đào tạo nghề ở nước ta yếu kém, chất lượng đào tạo nghề tụt hậu so với khu vực và trên thế giới, GS-TS Nguyễn Minh Đường chỉ ra nhiều khiếm khuyết cần chấn chỉnh ngay của hệ thống dạy nghề.

Đó là thiếu hệ thống chuẩn về trình độ đào tạo nghề; thiếu cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học để kiểm định chất lượng đào tạo nghề; chưa ban hành danh mục nghề; thiếu giáo viên dạy nghề… Do thiếu chuẩn về trình độ đào tạo, đánh giá chất lượng sản phẩm qua đào tạo nghề nên việc bố trí, sử dụng lao động có tay nghề, kỹ thuật không chỉ bất hợp lý mà còn không đúng người, đúng việc.

Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn đến thực trạng đào tạo nghề yếu kém, bất cập là do nguồn lực đầu tư của ngân sách nhà nước, huy động xã hội còn thấp. Ông Đỗ Minh Cương (Tổng cục Dạy nghề) cho rằng: “Tuy ngân sách nhà nước dành cho dạy nghề tăng hàng năm nhưng còn thấp so với yêu cầu và chưa tương xứng với tốc độ tăng chỉ tiêu đào tạo”. Nhiều năm qua, định mức đầu tư bình quân cho một học sinh là 4,3 triệu đồng/năm, nhưng trên thực tế các trường nghề chỉ nhận được 2,5 triệu đồng (chiếm 60% định mức).

Điều này cản trở mục tiêu tái đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho học sinh thực hành nghề và ảnh hưởng đến chất lượng, quy mô đào tạo nghề nói chung. Đó là chưa kể việc đầu tư phát triển mạng lưới dạy nghề còn manh mún, thiếu trọng tâm, trọng điểm. TS Hoàng Ngọc Vinh chỉ ra rằng thách thức lớn nhất của giáo dục dạy nghề hiện nay là thiếu một tầm nhìn quốc gia và nhận thức chậm thay đổi; hệ thống quản lý dạy nghề manh mún, chồng chéo đã dẫn đến sự lãng phí nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước lẫn huy động trong xã hội…

  • Để luật đi vào cuộc sống 

Hiện nay, việc thực hiện chương trình liên thông đào tạo nghề giữa Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Giáo dục-Đào tạo còn khập khiễng, tính khả thi chưa cao. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng để giải quyết vấn đề này nên xây dựng một khung chương trình, trong đó “phần cứng” áp dụng cho mọi cơ sở đào tạo và “phần mềm” tùy thuộc vào từng chuyên ngành đào tạo của từng hệ thống ở từng cơ sở đào tạo. Khai thông chương trình đào tạo nghề liên thông nhằm đạt mục tiêu tạo cơ hội và điều kiện cho người lao động học tập suốt đời dù qua con đường hàn lâm hay học nghề.

Có thể nói quản lý dạy nghề là khâu quan trọng tạo bước đột phá đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp, gắn mục tiêu đào tạo nghề với sử dụng lao động. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TPHCM, hiện nay, việc phân cấp quản lý trong lĩnh vực dạy nghề vẫn chưa rõ ràng, thậm chí chồng chéo về chức năng, quyền hạn. Vì thế, cần nghiên cứu tổ chức lại hệ thống giáo dục kỹ thuật-dạy nghề và hướng nó vào quỹ đạo phát triển chung gồm nhiều cấp đào tạo từ bán lành nghề, lành nghề đến trình độ cao, đại học và tạo thế liên thông giữa các cấp đào tạo với nhau.

Luật Giáo dục ra đời năm 2005 đã thừa nhận dạy nghề là một phần trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp gồm 3 cấp trình độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề. Vì thế, để tránh sự chồng chéo trong quản lý nhà nước, Luật Dạy nghề phải xác định rõ mục tiêu , phạm vi điều chỉnh sao cho phù hợp. Theo các chuyên gia dạy nghề, để “lột xác” hệ thống dạy nghề thì đạo luật mới này phải giải quyết những bức xúc, vướng mắc từ thực tế và lường trước xu hướng phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

Trong xu thế toàn cầu hóa, việc phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao là vũ khí mạnh mẽ nhất để cạnh tranh có hiệu quả. Trong khi các nước phát triển đều xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực thì chúng ta mới xới vấn đề lên và chưa định hướng đúng việc đầu tư, khai thác nguồn tài nguyên quý giá-con người. Tốc độ đổi mới công nghệ sản xuất, xu thế toàn cầu hóa, đòi hỏi việc quản lý dạy nghề, xây dựng hệ thống chuẩn về đào tạo nghề phải phù hợp, linh hoạt, thích ứng yêu cầu của thị trường sức lao động.

Tin cùng chuyên mục