Còn nhiều thách thức để hàng Việt chiếm lĩnh nội địa

(SGGP).- Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” sau hơn một năm thực hiện đã tạo những chuyển biến tích cực. Nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý đã có chung nhận định trên tại hội nghị nhìn nhận một năm thực hiện cuộc vận động diễn ra hôm qua (11-11).

Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương, cuộc vận động đã tạo “cơ hội vàng” để doanh nghiệp nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, đem lại cơ hội sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa. Cùng với đó, ý thức của người tiêu dùng cũng chuyển, từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.

Cũng theo bà Thoa, các tỉnh thành phố đã tổ chức được 80 đợt bán hàng về nông thôn với 857 lượt doanh nghiệp tham gia và 1.124 gian hàng, thu hút hơn 4.793.000 lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng đạt 1.499 tỷ đồng. Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp đã tổ chức được 53 đợt đưa hàng Việt về nông thôn với hơn 734 lượt doanh nghiệp tham gia, đào tạo kỹ năng bán lẻ cho hơn 3.000 tiểu thương và thu hút hơn 750.000 lượt người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm, doanh thu đạt trên 39 tỷ đồng...

Dù cuộc vận động đã có chuyển biến tích cực ở cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng nhưng theo ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hàng Việt có một trong những điểm yếu lớn, đó là hệ thống phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam còn quá yếu. Ngoài ra, do bỏ quên thị trường nội địa quá lâu nên các doanh nghiệp phải bắt tay lại từ đầu, khiến tốn kém cả về thời gian lẫn chi phí.

Bên cạnh đó, hàng hóa của Việt Nam dù có những cải tiến về chất lượng, mẫu mã nhưng nhìn chung vẫn còn đơn điệu, chất lượng hạn chế, giá thành cao. Trong khi giới doanh nhân Trung Quốc mỗi tuần có thể tung ra 1-3 mẫu mới, bình quân hàng tháng đưa ra hàng chục mẫu lạ và có thể thu hồi lại các sản phẩm đã lỗi mốt, còn hàng Việt Nam lại ít thay đổi. Ngoài ra, một nghịch lý nữa khi nhiều doanh nghiệp sản xuất các loại hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã đẹp thì đem xuất khẩu; còn hàng xấu, hàng không đạt tiêu chuẩn lại điều về thị trường nội địa.

Một yếu tố khác khiến người tiêu dùng chưa mặn mà với hàng Việt là việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn rất yếu khi họ mua phải hàng giả, hàng xấu (kém chất lượng). Do đó, Nhà nước cần có biện pháp xử lý mạnh tay đối với các hành vi sản xuất hàng giả, nhái… để tạo sự yên tâm và khuyến khích người Việt dùng hàng nội.

Ng.Quang

Tin cùng chuyên mục