Kỳ vọng của Việt Nam là kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn sau hội nhập. Tuy nhiên, với trình độ sản xuất chưa cao, hệ thống hỗ trợ sản phẩm Việt đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế còn thiếu và yếu. Đó là băn khoăn, lo lắng của rất nhiều doanh nghiệp (DN) tại diễn đàn: “Trước giờ G hiệp định thương mại, cơ hội hay thách thức?” do Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 11-12 tại TPHCM.
Cơ quan chức năng… lạc quan
Phân tích những lợi thế đạt được khi Việt Nam đã chính thức tham gia 10 hiệp định thương mại thế hệ mới trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, lợi thế lớn nhất là Việt Nam sẽ có một thị trường xuất khẩu rộng lớn. Đơn cử như với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nông sản Việt xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ được xóa bỏ 97,7% thuế quan; sau 3 năm sẽ tăng lên 98,4% và sau 15 năm sẽ tăng lên 99,9%. Còn tại thị trường Nhật Bản, ngay khi hiệp định được ký sẽ có 78% kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam được xóa bỏ thuế quan; sau 5-6 năm sẽ tăng lên 88,5% và sau 15 năm sẽ tăng lên 97%.
Tương tự, tại các thị trường khác mà Việt Nam cũng là thành viên tham gia hiệp định thương mại như Liên minh châu Âu, Hàn Quốc…, các sản phẩm nông sản nói chung, sản phẩm công nghiệp, dệt may, da giày, công nghệ thông tin cũng đều được hưởng những lợi thế về thuế xuất khẩu. Đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh thêm, chỉ tính riêng với Hiệp định TPP, DN Việt Nam sẽ tiết giảm khoảng gần 1,5 tỷ USD thuế xuất khẩu phải đóng khi vào thị trường Mỹ, và tăng kim ngạch xuất khẩu lên 17% trong vòng 10 năm tới.
Có nhiều thuận lợi và không ít quan ngại cho nông nghiệp khi FTA có hiệu lực (Ảnh nuôi gà lấy trứng). Ảnh: Cao Thăng
Doanh nghiệp… lo
Thế nhưng, trái hẳn với tâm lý lạc quan của các cơ quan chức năng, nhiều DN cho rằng, với cơ sở hạ tầng sẵn sàng cho hội nhập còn yếu, DN Việt sẽ khó có thể cạnh tranh với đối tác của nước bạn ngay cả trên thị trường thế giới lẫn nội địa. Đại diện Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Lương thực miền Nam cho biết, sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta là gạo. Tuy nhiên, hai thị trường tiêu thụ gạo lớn, tiềm năng nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc lại không đưa sản phẩm gạo vào nội dung cam kết bỏ rào cản thuế quan xuất khẩu. Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu lại có nỗi lo khác, vấn đề của DN sản xuất và xuất khẩu tiêu không phải là hàng rào thuế quan, mà là khả năng đáp ứng rào cản kỹ thuật của thị trường các nước. Đơn cử, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đòi hỏi sản phẩm phải được quản lý theo chuỗi quy trình từ trồng trọt, thu hoạch, xử lý đóng gói và xuất khẩu. Thế nhưng, canh tác nông nghiệp Việt Nam lại phụ thuộc hộ gia đình nhỏ lẻ, khó kiểm soát chất lượng cây trồng cũng như chất lượng nông sản sau thu hoạch. Chúng ta cũng chưa có giải pháp để khuyến khích, hỗ trợ nông dân mở rộng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP. Vậy cơ sở nào để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước mà Việt Nam có thể tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại?
Hay như với sản phẩm chế biến từ gia súc gia cầm, đại diện Công ty Ba Huân cho rằng, công ty đã liên hệ với nhiều thị trường nước ngoài nhằm xuất khẩu sản phẩm nhưng đều bị từ chối. Nguyên nhân là do sản phẩm của công ty chưa đạt chứng nhận về thú y. Công ty đã liên hệ với Cục Thú y để tìm hiểu về tiêu chuẩn này, nhưng được trả lời rằng hiện vẫn chưa hoàn thiện bộ tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực công ty đang sản xuất. DN không thể tự làm được tiêu chuẩn này, do đó, không có cách nào khác là phải… đợi. Trong thời gian chờ đợi thì DN nội không thể mang sản phẩm của mình sang các nước khác để bán, trong khi đó sản phẩm ngoại lại đang tràn ngập thị trường nội. Vậy chỗ đứng nào sẽ dành cho doanh nghiệp nội trong thời gian tới?
Đẩy nhanh hỗ trợ hạ tầng cho DN
Đó là đề nghị của ông Lưu Hồng Triển, Chủ tịch Câu lạc bộ Trang trại TPHCM. Việc đẩy nhanh đầu tư hạ tầng không đơn thuần chỉ là vốn sản xuất, chính sách thuế, đất… mà còn là hạ tầng giao thông, điện nước, nguồn nhân lực và đặc biệt là hệ thống thông tin. Đơn cử như tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai, để có thể hình thành những trang trại quy mô lớn theo chuỗi khép kín, phải đầu tư ở những khu vực vùng sâu, vùng xa. Nhưng hầu hết các khu vực này không có kết nối giao thông, không có hệ thống điện. Nông dân phải rất vất vả và tiêu tốn khá nhiều chi phí để chuyển sản phẩm của mình đến thị trường tiêu thụ, nên khả năng cạnh tranh không cao. Ngoài ra, thông tin về hiệp định kinh tế, chính sách phát triển ngành từ trung ương đến nông dân còn rất hạn chế. Người dân gần như không tiếp cận được thông tin. Tổng giám đốc Công ty Cafatex Nguyễn Văn Kịch nhấn mạnh, ngoài việc hoàn thiện kỹ thuật sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu, các cơ quan chức năng phải tăng cường hơn nữa năng lực hỗ trợ DN ứng phó với các rào cản thương mại. Trên thực tế, DN Việt luôn bị tổn thương khi vướng phải vụ kiện thương mại mà một phần là do thiếu sự hỗ trợ cần thiết của các cơ quan chức năng. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện rào cản kỹ thuật trong nước để bảo vệ sản phẩm nội ngay trên sân nhà. Nếu không đồng bộ được như vậy thì việc gia nhập hiệp định thương mại chỉ có lợi cho DN nước ngoài chứ chưa hẳn có lợi cho DN Việt Nam.
ÁI VÂN