Còn ở đâu nữa…!

Cho đến giờ, người Anh vẫn khăng khăng cho rằng, đất nước Ăng-lê là nơi sản sinh ra bóng đá - trò chơi được nhân loại xưng tụng là môn vua. Nhưng thực ra không phải, nước Anh chỉ là nơi bán vé xem đá bóng đầu tiên mà thôi.

Một số nhà sử học thì công bố bóng đá ra đời từ Ý. Và tháp nghiêng Piza bị nghiêng là bởi ngày xưa nó được dựng làm cột dọc cầu môn, nhiều lần bị bóng dội trúng đến mức vẹo đi. Nhưng cũng không phải. Theo các số liệu đáng tin cậy, nước Ý chỉ là nơi phát minh ra trọng tài.

Bóng đá có nguồn gốc từ Tây Ban Nha chăng? Người ta đoán thế vì Tây Ban Nha chắc chắn phát minh ra đấu bò. Mỗi ngày có hàng chục con bò bị chết. Thịt bò tất nhiên là làm beefsteak rồi, vậy thì da bò làm gì nếu không khâu làm bóng? Nhưng cuối cùng, sau nhiều năm điều tra, các nhà sử học nhận ra rằng xứ sở bò tót cũng chỉ phát minh ra khung thành mà thôi.

Vậy thì bóng đá ra đời từ Pháp? Ai chẳng biết người Pháp rất thích rượu vang. Khi uống rượu say, dân Pháp đều đi lảo đảo, gọi là “chân vẹo đá chân xiêu”, rất gần với bóng đá. Nhưng không phải, hóa ra người Pháp, vốn nổi tiếng là hào hoa ga lăng, chỉ phát minh ra tục tặng hoa cho cầu thủ trước khi trận đấu bắt đầu.

Chắc chắn bóng đá khai sinh ở Đức rồi. Có thể suy diễn điều này vì nơi ra đời của Beethoven, của Goethe và chế tạo ra xe hơi Mercedes nổi tiếng chẳng có lý gì mà không sản sinh nốt ra bóng đá. Các nhà nghiên cứu đinh ninh như thế, các nhà sử học cũng quả quyết như thế. Song cuối cùng tất thảy đều thất vọng vì hóa ra nước Đức chỉ phát minh ra quả phạt đền.

Có một số giả thuyết bạo phổi, ghi nhận bóng đá phát minh từ Ai Cập. Đất nước này nổi tiếng vì có những sa mạc lớn, nghĩa là việc xây dựng sân bóng ở đây rất thuận tiện và dễ dàng, nếu không có sân bãi, làm gì có bóng đá? Một số di tích còn chứng tỏ những Kim tự tháp không phải là lăng mộ hoàng đế như xưa nay người ta vẫn tưởng, bởi hoàng đế nào lại cần một chỗ yên nghỉ to đến thế? Đó nhất định phải là lăng mộ của những kẻ chết vì cá độ bóng đá. Ngay từ xa xưa, việc cá độ cũng giết chết hàng ngàn người khi trận đấu kết thúc. Ý kiến này rất táo bạo và đáng quan tâm, nó chỉ bị bác bỏ vào phút cuối, khi người ta tin chắc là thời đó chưa có điện thoại, nghĩa là chưa thể cáp độ hay bán độ được. Cá độ mà không “làm tuồng”, dàn xếp tỷ số là loại cá độ chết từ trong trứng.

Phải chăng bóng đá bắt nguồn từ Ấn Độ? Người dân xứ này tính nồng nhiệt, thích cảm giác mạnh và ăn cay (hay ăn cà ri), vốn là những hương vị gần gũi với bóng đá. Họ lại là nơi duy nhất trên trái đất ăn cơm bốc, mà ai khéo tay thì tất phải khéo chân. Nhưng rồi giả thuyết này cũng bị loại, mặc dù đúng là dân Ấn Độ có phát minh ra một thứ rất quan trọng, đó là giờ nghỉ giải lao giữa hai hiệp đấu.

Cuối cùng, tất cả mọi người đều nhất trí là bóng đá, cũng như mọi sự do con người phát sinh ra, đều được tìm thấy từ quá trình lao động. Nếu như lửa có được khi chúng ta hái củi, chạy tốc độ có được khi chúng ta bị thú dữ săn đuổi, nhảy cao có được khi chúng ta trèo cây lấy mật ong, bóng bàn có được khi hứng trứng chim... thì bóng đá dứt khoát phải là phát minh khi loài người đang thực hiện một công việc nào đấy. Vậy đó là công việc gì?

Sau bao nhiêu tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm, ai nấy đều nhất trí đó phải là một công việc có tính chất chuyền qua chuyền lại, nghĩa là khi nhận được việc, ai cũng muốn thật nhanh chóng đưa ngay cho người bên cạnh, chứ mình không giải quyết điều gì. Do đó, bóng đá phải được phát minh ở nơi nào mà việc chuyền qua chuyền lại trở nên nhuần nhuyễn, thường xuyên và đều đặn. 

Vậy nơi đấy là đâu? Hỏi tức là đã trả lời.

THƯỜNG ĐOAN

Tin cùng chuyên mục