
Ngày 12-10-2005, theo kế hoạch lần thứ hai Trung Quốc phóng tàu vũ trụ có người lái, Thần Châu VI, từ Sân bay vũ trụ Tửu Tuyền. Nhân sự kiện này, ngay từ những ngày cuối tháng 9 năm 2005, Trung Quốc đã nóng lên những hoạt động “ăn theo” con tàu vũ trụ có người lái này.
- Sốt quảng cáo

Tàu vũ trụ Thần Châu VI được lắp ráp trong “Tòa nhà 9002”.
Trong lần đầu tiên, Trung Quốc đưa người vào không gian bằng tàu Thần Châu V không được truyền hình trực tiếp đã khiến cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tiếc rẻ. Nhưng lần này, việc truyền hình trực tiếp phóng tàu vũ trụ Thần Châu VI sẽ bù đắp cơ hội quảng bá thương hiệu cho họ. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã lên kế hoạch cho hoạt động quảng cáo trong những ngày phóng tàu vũ trụ Thần Châu VI.
Theo kế hoạch này, chương trình quảng cáo sẽ được chia làm 3 giai đoạn theo mô thức: Giai đoạn thứ nhất: Tuyên truyền về Thần Châu VI + 5 giây quảng cáo cho sản phẩm của doanh nghiệp. Giai đoạn thứ hai: được chia thành 2 phần: (1). Truyền hình trực tiếp phóng tàu vũ trụ Thần Châu VI và tàu đang trong quỹ đạo + quảng cáo giới thiệu sản phẩm; (2). Truyền hình trực tiếp tàu Thần Châu quay về trái đất + quảng cáo giới thiệu sản phẩm. Giai đoạn ba: Các hoạt động chúc mừng tàu vũ trụ Thần Châu VI trở về trái đất + quảng cáo giới thiệu sản phẩm.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu, quy định cho mỗi sản phẩm được 5 giây quảng cáo với giá 2,56 triệu NDT (khoảng 5,12 tỷ VND). Các buổi quảng cáo tiếp theo sẽ được kéo dài từ 3 đến 30 giây, với giá 15 giây là 4,76 triệu NDT và 30 giây là 8,56 triệu NDT. Dù vậy, đến nay Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ con số hợp đồng quảng cáo trong dịp phóng tàu vũ Trụ Thần Châu VI. Theo dự đoán, số người theo dõi “Thần Châu VI” sẽ vượt qua con số 500 triệu lượt người, các doanh nghiệp Trung Quốc chắc hẳn sẽ không bỏ lỡ cơ hội quảng cáo sản phẩm của mình.
- Sốt cổ phiếu hàng không vũ trụ
Khi tàu vũ trụ Thần Châu VI vẫn còn nằm trên bệ phóng thì giá cổ phiếu ngành hàng không thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bay lên từng giây. Những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10, giá cổ phiếu của hơn 10 công ty niêm yết tại hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã tăng bình quân vượt mức 7%, đặc biệt là cổ phiếu của công ty Cơ điện Hàng không vũ trụ, Khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ, Động lực Hàng không vũ trụ tăng vượt 10%.
- Công tác tuyển người
Việc tuyển lựa phi công cho lần phóng tàu Thần Châu VI diễn ra khá nghiêm ngặt. Trước đây 10 tháng, đã có danh sách của 14 ứng cử viên, rồi lại chọn ra 10 phi công dày dạn nhất, chia thành 5 nhóm. Sau ba tháng huấn luyện, tuyển chọn được 6 người, chia thành ba nhóm, tiếp tục huấn luyện.
Sau khi căn cứ vào đánh giá, kiểm tra, ba nhóm này được xếp thứ tự trước sau. Nhóm đứng đầu đương nhiên sẽ ở ngôi vị chính thức. Cho đến đầu tháng 10, cả ba nhóm này đã được đưa đến sân bay vũ trụ Tửu Tuyền. Rất nhiều khả năng, phi hành đoàn Thần Châu VI lần này sẽ là hai người đã từng đứng vào vị trí dự bị trong lần phóng tàu Thần Châu V là Trạc Chí Cương và Nhiếp Hải Thắng.
- “Khoang quỹ đạo” Thần Châu VI
Về hình dáng, Thần Châu VI chẳng có gì thay đổi so với Thần Châu V, song theo ông Vương Vĩnh Chí, Tổng công trình sư thiết kế Thần Châu, thì Thần Châu VI có nhiều đặc điểm nổi trội so với Thần Châu V, đặc biệt là “Khoang đa chức năng”. Khoang này chính là khoang quỹ đạo của Thần Châu VI.
Ở Thần Châu V, Dương Lợi Vĩ chỉ được sử dụng trong khoang trở về, đây vừa là khoang ngủ lại vừa là khoang làm việc, hoạt đôïng diễn ra trong một không gian vẻn vẹn 2m2, hơn nữa, bởi thời gian ngắn, nên các hoạt động “toilet” của Dương Lợi Vĩ cũng được giải quyết luôn trong bộ đồ phi công vũ trụ “tè không ướt”.
Nhưng, với Thần Châu VI, mọi chuyện lại hoàn toàn khác. 117 giờ bay, tương đương với “80 ngày đêm vũ trụ”, nên ngoài việc phải đảm bảo một “khoang” trở về ra, còn phải thiết kế thêm một khoang “quỹ đạo” nữa. Các phi hành gia sẽ rất thoải mái với hệ thống điều hoà không khí, máy cung cấp nước nóng lạnh… do tập đoàn Kelon và Haier của Trung Quốc cung cấp.
“Khoang quỹ đạo” của Thần Châu VI có hình trụ, còn được gọi là “Khoang đa chức năng” bởi khoang này sẽ cung cấp những chức năng như làm việc, ăn, ngủ, tắm gội và vệ sinh cho 2 phi hành gia trong suốt chuyến bay. “Khoang đa chứng năng” tuy không lớn nhưng thoải mái hơn khoang trở về rất nhiều. Trong khoang có các thiết bị phục vụ công tác thí nghiệm khoa học. Cách đó là có hai cửa sổ, có thể nhìn ra ngoài vũ trụ.
Trong bếp có sẵn những thực phẩm dành cho phi công, khi ăn, các phi công có thể đun nóng đồ ăn. Hệ thống phòng ngủ được trang bị khá hiện đại, các phi công thay nhau chui vào túi ngủ ngủ trong thời gian thực hiện chuyến bay. Điều đặc biệt, trong khoang này còn thiết kế một gian vệ sinh cực kỳ hiện đại, tuy nhiên nó lại không hề có rèm che, may mà lần phóng Thần Châu VI này không có nữ phi hành gia nào!
- Thức ăn
Theo ông Bạch Thụ Dân, Chủ nhiệm phòng nghiên cứu thức ăn cho phi công vũ trụ, những thức ăn mang theo ở Thần Châu V chỉ là thức ăn “lót dạ”, còn trên Thần Châu VI, phi công sẽ được ăn các món ăn nóng sốt với gần năm chục món. Ngoài “các hạt giống đỏ” như bào ngư, ếch ngâm nước, cá lát miếng, gà cung đình, thịt bò sốt viên, thịt lợn sốt cà còn có thêm cơm gạo trắng, cơm bát bảo, cơm cari, cơm rang thập cẩm, hoa quả các loại. Ngoài ra, các phi hành gia còn được “ngửi” mùi trà Puerh Vân Nam nổi tiếng với trọng lượng 10g và giá cho mỗi gam là 2.000 NDT (khoảng 4 triệu VND).
- “Tòa nhà 9002”
Đến Tửu Tuyền, hầu hết mọi người đều rất quen với cái tên gợi đến bầu trời, vũ trụ như Đường Vũ trụ, lầu Vấn Thiên, khách sạn Phi Thiên, nhà hàng Thần Châu và ngay cả ánh đèn đêm cũng tạo thành hình tượng “Thần Châu” vút bay vào không trung. Nhưng, có một tòa nhà được canh phòng cẩn mật, và số hoá, đó là “Toà nhà 9002”.
Đây chính là xưởng láp rắp, kiểm tra thử nghiệm tàu vũ trụ và tên lửa, là một bộ phận vô cùng quan trọng của Trung tâm vũ trụ Tửu Tuyền.
Tòa nhà 38 tầng, cao vời vợi giữa không gian sa mạc Gobi mênh mông. Phần giữa toà nhà để trống, không có sàn tầng, nhờ thế mới có thể lắp ráp tên lửa và tàu vũ trụ với độ cao 58,3m. Cánh cửa chính màu vàng nhạt của toà nhà cao 74m, phần trên rộng 14m, dưới rộng 25,6m, diện tích trên 1.000 m2, trọng lượng của cánh cửa hơn 350 tấn. Theo Tổng chỉ huy hệ thống phóng tầu Thần Châu Trương Dục Lâm, đây là “kiến trúc khổng lồ được xây dựng trên sa mạc Gobi không chỉ lớn nhất Trung Quốc mà ngay cả trong lịch sử kiến trúc châu Á cũng chưa từng có”.
ĐÀO LƯU