Công bố báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu khu vực Đông Nam Á

Chiều 24-5, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện công bố báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu 2023 cho khu vực Đông Nam Á do Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đồng tổ chức.

Sự kiện công bố Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu 2023 cho khu vực Đông Nam Á
Sự kiện công bố Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu 2023 cho khu vực Đông Nam Á

Báo cáo có chủ đề "Công nghệ trong giáo dục: công cụ cho những đối tượng nào?". Ấn phẩm khu vực thuộc báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu của UNESCO và Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các quốc gia Đông Nam Á (SEAMEO).

Theo báo cáo, công nghệ đang thay đổi cách thức tổ chức giáo dục ở Đông Nam Á. Ở cấp độ khu vực, Đông Nam Á đã đặt ưu tiên cao cho công cuộc cải cách công nghệ vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Hiện có khoảng 400 triệu người dùng internet trong khu vực.

Với gần 3 triệu lượt người đăng ký, Indonesia, Philippines và Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng số người học mới cao nhất ở Coursera, một nền tảng học trực tuyến mở quy mô lớn.

hứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu..jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc

Hiện tại, xét trung bình, 9/10 nhà trường ở Việt Nam được kết nối internet, và các mục tiêu cấp quốc gia đã được đặt ra là đạt 100% kết nối trong nhà trường đến năm 2025.

Trong đại dịch Covid-19, khả năng học sinh từ các hộ nghèo nhất được học từ xa ít hơn 34% so với học sinh từ các hộ giàu nhất; giữa thành thị và nông thôn cũng còn khoảng cách lớn trong vấn đề này.

Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu..jpg
Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu

Phát biểu tại sự kiện, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker nhận định, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh việc tích hợp công nghệ trong giáo dục, làm sáng tỏ những lợi ích mà công nghệ mang lại, cũng như những thách thức, hạn chế của nó. Mặc dù công nghệ đã được chứng minh là hữu ích để đảm bảo tính liên tục của giáo dục ngay cả trong thời kỳ đại dịch, nhưng các câu hỏi về mức độ và cách thức công nghệ tác động đến việc học cũng đáng được nghiên cứu và tìm hiểu thêm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam, Bộ GD-ĐT trong quá trình hoạch định chính sách luôn coi công nghệ là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển giáo dục. Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", phê duyệt Đề án "tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT”.

Việt Nam nỗ lực đưa công nghệ vào giáo dục, triển khai nhiều chương trình giảng dạy trực tuyến, học tập từ xa, ứng dụng phần mềm hỗ trợ giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi cho người học.

Tin cùng chuyên mục