Công bố Sách trắng 2015 của EU: Chính quyền địa phương sẽ phải cạnh tranh gay gắt trong thu hút đầu tư

Tối 1-12, Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) đã công bố Sách trắng 2015, với nội dung chính là đánh giá hiện trạng và đưa ra nhiều kiến nghị đối với môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam.

(SGGPO).- Tối 1-12, Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) đã công bố Sách trắng 2015, với nội dung chính là đánh giá hiện trạng và đưa ra nhiều kiến nghị đối với môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam.

Theo ấn phẩm này, cộng đồng doanh nghiệp các nước châu Âu ghi nhận và hoan nghênh những nỗ lực, cải cách tích cực của Chính phủ Việt Nam từ đầu năm 2014 đến nay. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam được đánh giá đạt 74/100 điểm; có sự tương đồng với việc Diễn đàn kinh tế thế giới xếp Việt Nam ở thứ hạng 68 về chỉ số cạnh tranh trong giai đoạn 2014-2015, tăng 2 bậc so với năm trước. Tuy nhiên, các tác giả của ấn phẩm cũng nhận định, Việt Nam, nhất là chính quyền các địa phương sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư với nhiều quốc gia trong khu vực.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng bày tỏ sự quan ngại về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân liên quan. Sự thiếu hụt về lực lượng lao động tay nghề cao cũng được coi là một trở ngại lớn trong quá trình thu hút vốn quốc tế của Việt Nam.

Việt Nam còn nhiều việc phải làm, như tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý về đầu tư song song với tiến trình cải cách mạnh mẽ về thuế, hải quan để bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp tối đa trong toàn bộ vòng đời của doanh nghiệp, từ khi gia nhập đến lúc rút khỏi thị trường.

Ở các nhóm ngành hàng cụ thể, doanh nghiệp châu Âu cũng đã chỉ rõ những mặt hạn chế hoặc có ý kiến đóng góp. Đơn cử, nhóm doanh nghiệp ngành dược nhận xét, do các quy định liên quan đến thử nghiệm và đưa thuốc chữa bệnh vào thị trường Việt Nam còn chậm, dẫn đến việc được mua thuốc mới đối với người dân thường chậm hơn 5 năm so với các nước láng giềng.

Đại diện nhóm thực phẩm và thủy sản cho rằng, việc quản lý chất lượng thực phẩm, thủy sản chưa hiệu quả, khiến cho vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm soát; tình trạng ngộ độc thực phẩm, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng vẫn là vấn đề bức xúc. Doanh nghiệp kiến nghị, nghiên cứu khả năng thiết lập một cơ quan chuyên quản vấn đề này theo hướng “thu về một mối”.

Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp ngành rượu đề xuất, cần có sự bình đẳng hơn đối với các doanh nghiệp cùng hoạt động trong ngành này. Hiện rượu nhập khẩu luôn có xuất xứ rõ ràng, phải chịu thuế theo quy định và bảo đảm chất lượng, song thị trường vẫn còn rất nhiều rượu không có nguồn gốc được bày bán khá công khai.

Đến nay, khối EU gồm 28 quốc gia thành viên, trong đó có 23 quốc gia đã đầu tư hơn 1.500 dự án vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 19 tỷ USD. Các dự án của nhà đầu tư đến từ EU thuộc nhiều lĩnh vực; riêng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm gần 1/3 tổng vốn đăng ký. Hà Lan và Pháp là hai đối tác đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục