Công khai doanh nghiệp đen giúp giảm thiểu ô nhiễm

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, việc công khai thông tin doanh nghiệp (DN) cố tình gây ô nhiễm môi trường sẽ giúp ngăn giảm thiểu tình trạng tái vi phạm môi trường. Điều này hoàn toàn đúng bởi lẽ sẽ phát huy được sức mạnh của cộng đồng trong việc cùng tham gia bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế việc công khai thông tin những DN này tại các địa phương còn rất hạn chế.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, việc công khai thông tin doanh nghiệp (DN) cố tình gây ô nhiễm môi trường sẽ giúp ngăn giảm thiểu tình trạng tái vi phạm môi trường. Điều này hoàn toàn đúng bởi lẽ sẽ phát huy được sức mạnh của cộng đồng trong việc cùng tham gia bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế việc công khai thông tin những DN này tại các địa phương còn rất hạn chế.

Nguyên nhân là do các cơ quan chức năng chưa thực sự quan tâm đến việc cung cấp thông tin này cho các phương tiện thông tin truyền thông. Mặt khác, phía các phương tiện thông tin truyền thông cũng chưa tổ chức thành những vệt truyền thông có tính xuyên suốt, định kỳ nhằm thông tin những DN này đến với dư luận xã hội. Về phía dư luận xã hội, cộng đồng dù có quyền rất lớn là tẩy chay sử dụng sản phẩm của những DN gây ô nhiễm môi trường, thế nhưng, họ phải bắt đầu từ đâu, sản phẩm nào cần phải tẩy chay, sản phẩm nào có thể sử dụng thay thế thì cho đến nay vẫn chưa có sự hướng dẫn cụ thể.

Theo nhiều chuyên gia môi trường, kinh nghiệm buộc các DN phải tự giác thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường là vừa thắt chặt đầu vào lẫn đầu ra. Theo đó, DN muốn đầu tư vào bất kỳ ngành nghề nào, quan trọng nhất là phải đưa ra và hiện thực hóa các biện pháp xử lý chất thải để không gây ra bất kỳ tổn hại nào cho môi trường tại nơi họ sản xuất. Còn đầu ra, họ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng và những mức xử phạt của cơ quan chức năng – những mức xử phạt có thể khiến cho họ phải bị phá sản. Họ còn có nguy cơ bị tẩy chay sử dụng trên toàn thị trường trong nước lẫn nước ngoài. Chính vì thế mà cũng thật dễ hiểu tại sao ở các nước phát triển, DN cực kỳ nghiêm túc trong việc tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường.

Còn nhìn lại nước ta, số lượng DN đầu tư hệ thống xử lý chất thải vốn đã ít, còn nhiều DN chỉ đầu tư để che mắt cơ quan chức năng. Bản thân cộng đồng dân cư đã bắt đầu nhận thức ra những tác hại do ô nhiễm môi trường gây ra. Người dân đã nhiều lần báo lên chính quyền địa phương, nhưng do cách thức xử lý chưa triệt để của các cơ quan chức năng khiến cộng đồng thất vọng. Điển hình nhất là vụ việc ô nhiễm kênh Ba Bò, kênh Tham Lương, kênh C, kênh Phạm Văn Hai, kênh Nước Đen… Người dân đã tổ chức phản ánh tập thể, thậm chí tự tổ chức lấy mẫu nước thải của các DN đen đi phân tích rồi chuyển kết quả cho chính quyền địa phương để yêu cầu xử lý, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Nước kênh vẫn ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng và người dân vẫn phải tiếp tục chịu cảnh sống với ô nhiễm.

Quá bức xúc, người dân quay lại với quyền của mình – quyền tẩy chay sử dụng sản phẩm của các DN gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cách làm này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do người dân thiếu thông tin về sản phẩm của các DN đen. Hơn nữa, sản phẩm do các DN đen sản xuất lại không trùng tên với DN. Do đó, để có thể phát huy sức mạnh cộng đồng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường, nhất thiết các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đến việc công khai thông tin DN đen. Quan trọng hơn, công khai tên sản phẩm do các DN này sản xuất. Từ đó, vận động cộng đồng thực hiện tẩy chay tiêu dùng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong việc xử lý triệt để DN cố tình tái vi phạm môi trường. Có như vậy mới chấm dứt được tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

CHI LAN

Tin cùng chuyên mục